Đảng bộ Quảng Nam, những dấu ấn sáng tạo

Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập ngày 28-3-1930, sớm thứ hai cả nước, sau Đảng bộ TP Hà Nội, là mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam. Trải qua chặng đường 90 năm đầy cam go, thử thách, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ Quảng Nam đã lãnh đạo nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt những kết quả ấn tượng trong hành trình đổi mới.

Cảng Trường Hải, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành bảo đảm điều kiện đón tàu 30 nghìn tấn.

Cảng Trường Hải, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành bảo đảm điều kiện đón tàu 30 nghìn tấn.

Dấu ấn trong sản xuất nông nghiệp

Cách đây hơn 45 năm, khi chiến tranh kết thúc, Quảng Nam là địa phương chịu nhiều đau thương, mất mát. Phần lớn các làng quê của tỉnh đều bị chiến tranh tàn phá, xác xơ; ruộng vườn bị hoang hóa, với đầy những hố bom, hố canh nông... Chúng tôi còn nhớ, sau ngày giải phóng, người dân trở về quê phải dựng nhà ở và khôi phục lại sản xuất. Để sớm ổn định cuộc sống nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi đó đã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ và người dân tập trung tháo gỡ bom mìn, khai hoang, đào ao, đắp đập thủy lợi nhỏ và đẩy mạnh tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm. Dù nỗ lực như vậy, nhưng trồng trọt và chăn nuôi lúc ấy vẫn không phát triển vì thiếu nguồn nước tưới. Một năm chỉ gieo cấy một đến hai vụ lúa, nhưng chủ yếu dựa vào nước trời, cho nên năng suất lúa rất bấp bênh. Năm nào “mưa thuận, gió hòa” thì được khoảng 15 đến 20 tạ/ha. Nếu gặp nắng hạn kéo dài, có khi mất trắng. Người dân chưa có tích lũy, cứ mất mùa là “đứt bữa”.

Trăn trở trước khó khăn của đời sống nhân dân, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc đó xác định, nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, nhưng muốn phát triển nông nghiệp phải có nước tưới chủ động. Với suy nghĩ đó, năm 1977, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã mạnh dạn kiến nghị với Trung ương cho phép xây dựng công trình thủy lợi Phú Ninh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thời đó kể lại, đây là đề xuất rất táo bạo, lúc đầu nhiều người e ngại khó thành công. Hơn nữa, để xây dựng công trình phải di dời hàng nghìn hộ dân đi nơi khác. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì thuyết phục và giải trình, Trung ương đã đồng ý cho xây dựng thủy lợi Phú Ninh. Và sau hơn hai năm ròng rã thi công, năm 1979, công trình Đại thủy nông Phú Ninh đã hoàn thành, với sức chứa 344 triệu m3 nước, nối với hệ thống hàng trăm ki-lô-mét kênh mương, đưa nước tưới cho hơn 20 nghìn héc-ta lúa, rau màu ở các huyện phía nam của tỉnh.

Từ khi có nước, Phú Ninh tưới tiêu chủ động. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tỉnh đã tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, vận động nông dân di dời mồ mả, mạnh dạn xóa bỏ thói quen sản xuất lạc hậu, cơ cấu lại thời vụ, từ một lên hai và ba vụ lúa; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các loại giống mới vào đồng ruộng. Nhờ đó, năng suất lúa tăng, từ bình quân 2 tấn/ha lên 4 tấn/ha rồi vọt lên 6 tấn/ha. Nhờ chủ động nước tưới, người dân đưa các loại cây rau màu khác vào trồng và cho hiệu quả cao hơn so trồng lúa. Trồng trọt phát triển, nông dân có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đời sống người dân nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ giàu, khá ngày càng tăng.

Đột phá trong công nghiệp hóa

Với diện mạo Quảng Nam hôm nay, thế hệ trẻ khó có thể hình dung cách đây 23 năm trước, khi mới tái lập tỉnh (năm 1997), Quảng Nam là một trong những địa phương nghèo nhất nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu tạm bợ, số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn không nhiều và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn thu ngân sách một năm chưa đến 130 tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu chi tiêu thường xuyên cho bộ máy và đối tượng chính sách cũng như đầu tư phát triển rất lớn. Bằng sự năng động, sáng tạo, ngay sau khi tái lập tỉnh, địa phương đã xác định được tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế. Hơn 20 năm qua, tỉnh luôn kiên định chủ trương phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Từ đó, phát triển thành tỉnh công nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc thường xuyên điều chỉnh quy hoạch, tranh thủ các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, Quảng Nam luôn tạo ra môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư.

Đặc biệt, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, vào đầu những năm 2000, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn đề xuất Trung ương thành lập Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai và đã được Bộ Chính trị đồng ý. Theo đó, vào năm 2003, khu KTM này đã được hình thành và đi vào hoạt động. Trong quá trình xây dựng Khu KTM Chu Lai cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách và nhất là bị tác động bởi suy thoái kinh tế trong nước và thế giới, nhưng địa phương vẫn kiên trì mục tiêu, luôn mày mò, sáng tạo và tìm cách tháo gỡ khó khăn để duy trì hoạt động và tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư. Với cách làm táo bạo đó, Chu Lai đã vượt qua giai đoạn khó khăn và thu hút ngày càng nhiều dự án. Đến nay, tại Khu KTM Chu Lai có 173 dự án được cấp phép, với tổng số vốn đăng ký hơn 120 nghìn tỷ đồng, trong đó, có hơn 100 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 43 nghìn tỷ đồng. Bước đầu, các doanh nghiệp tại đây đã tạo việc làm cho hơn 25 nghìn lao động và đóng góp hơn 65% vào nguồn thu ngân sách toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Thành công bước đầu trong xây dựng, phát triển Khu KTM Chu Lai đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong 5 năm trở lại đây, kinh tế Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng, quy mô nền kinh tế được nâng lên rõ rệt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 10% và GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 75 triệu đồng/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017 trở lại đây đã vượt qua con số 20 nghìn tỷ đồng, trở thành một trong 15 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương. Hiện, cơ cấu kinh tế chuyển dần sang khu vực dịch vụ, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP giảm từ 14,7% (năm 2015) còn 11%, các ngành phi nông nghiệp tăng từ 85,3% lên 89%. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50,1% giảm còn 38%.

Từ một tổ chức đảng với hơn 80 đảng viên, đến nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã có gần 69 nghìn đảng viên đang sinh hoạt tại 3.202 chi bộ, thuộc 1.152 tổ chức cơ sở đảng. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, những kết quả đạt được hôm nay thể hiện vai trò và sự quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam; tinh thần đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn. Thành công đó là kết tinh của sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong triển khai và vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn xây dựng và phát triển của địa phương; cùng với tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Bài và ảnh: TẤN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/44524602-dang-bo-quang-nam-nhung-dau-an-sang-tao.html