Đảng bộ huyện Gia Lâm: Vững tin bước vào chặng đường mới

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, Gia Lâm là nơi gắn liền với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, kiên cường bất khuất đánh đuổi giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, sản xuất.

Phát huy truyền thống quê hương Gia Lâm anh hùng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Gia Lâm không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, giành nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Thành công của Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 là dấu mốc quan trọng trong tiến trình đi lên của huyện.

Kinh tế tăng trưởng ổn định

5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt bình quân 11,03%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng, tỷ trọng nông nghiệp giảm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 14% năm 2015, đến nay huyện không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng/người/năm, tăng 29,3 triệu đồng so với năm 2015; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.772 tỷ đồng/năm (tăng 67% so với kế hoạch).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ cho Nhân dân và cán bộ huyện Gia Lâm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ cho Nhân dân và cán bộ huyện Gia Lâm.

Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật. Hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm có gần 3.500 DN, 13.000 hộ kinh doanh cá thể, 42 hợp tác xã dịch vụ. Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ nên giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng năm trên địa bàn tăng đáng kể.

Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị được đẩy mạnh. Đến nay, 20/20 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, huyện Gia Lâm được công nhận Huyện nông thôn mới năm 2018. Trên hành trình phát triển, Gia Lâm đã tập trung huy động vốn đầu tư toàn xã hội để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân với tổng vốn đầu tư trong nhiệm kỳ trên 5.000 tỷ đồng. Điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ qua là mạng lưới giao thông của huyện được mở rộng, xây mới hoàn chỉnh.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra, UBND huyện Gia Lâm đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, từng bước liên kết trong sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào phục vụ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với sản xuất truyền thống trước đây.

Văn hóa – xã hội phát triển

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, Đảng bộ và Nhân dân Gia Lâm còn chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan được tổ chức thường xuyên.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, các thiết chế văn hóa được hình thành và phát huy hiệu quả. Hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Đến nay, toàn huyện có 70/74 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 9 trường đạt chuẩn mức độ 2. Hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế được xây dựng mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Công tác đền ơn đáp nghĩa, phong trào chăm sóc, giúp đỡ gia đình chính sách, đối tượng xã hội gặp khó khăn được các tầng lớp Nhân dân tham gia nhiệt tình. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo được cán bộ và Nhân dân đóng góp tích cực, sử dụng hiệu quả.

Xác định đại đoàn kết toàn dân là sức mạnh để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn nên công tác vận động quần chúng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được quan tâm chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Do đó, việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp Nhân dân.

MTTQ và các tổ chức thành viên đã bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng Đảng

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ huyện Gia Lâm nhiệm kỳ qua là tập trung thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 15 ngày 4/7/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Qua đó, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc của cán bộ, đảng viên; khẳng định sự đúng đắn của các chủ trương và cách thức tổ chức thực hiện để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Nhận thức rõ “cán bộ là gốc của mọi công việc”, cùng với việc rà soát, đánh giá cán bộ, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, bổ sung đối tượng nguồn, Huyện ủy Gia Lâm đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng chuẩn hóa; gắn kết giữa đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ; luân chuyển, điều động cán bộ huyện về công tác tại các xã, thị trấn; kiện toàn tổ chức bộ máy các phòng, ban, ngành và cơ sở theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực hoạt động của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Có thể khẳng định, những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua là tiền đề hết sức quan trọng cho sự phát triển của Gia Lâm trong chặng đường tiếp theo. Tuy nhiên, để đẩy nhanh sự phát triển của huyện trong thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân Gia Lâm cần phải quyết tâm vào cuộc, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện với những giải pháp cụ thể và phù hợp.

Với những nỗ lực phấn đấu xây dựng phát triển quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Gia Lâm được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dân và cán bộ huyện Gia Lâm 5 năm liên tục được nhận Cờ thi đua xuất sắc, trong đó 3 năm liền (2017, 2018, 2019) được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; Đảng bộ huyện 5 năm liền được Thành ủy Hà Nội công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu của TP Hà Nội. Đặc biệt năm 2019, Nhân dân và cán bộ huyện Gia Lâm vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2); được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới.

Đại hội Đảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện Gia Lâm trở thành quận, định hướng đến năm 2030 là đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Để thực hiện mục tiêu này, Đảng bộ huyện Gia Lâm xác định 2 khâu đột phá: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp đáp ứng yêu cầu thành lập quận. Thứ hai, tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và bản lĩnh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dang-bo-huyen-gia-lam-vung-tin-buoc-vao-chang-duong-moi-385277.html