Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh luôn nêu cao truyền thống cách mạng đấu tranh kiên cường

Suốt hơn 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh luôn nêu cao truyền thống cách mạng đấu tranh kiên cường, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại. Lịch sử chính quyền TP. Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với truyền thống đấu tranh hào hùng của nhân dân TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Đây là sự kết tinh của bao hy sinh và là thành quả của nhiều thế hệ với các bước thăng trầm nhưng luôn sáng tạo và đột phá.

oThông tin được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong - khẳng định, trong Hội thảo “Góp ý bản thảo Lịch sử 70 năm chính quyền nhân dân TP. Hồ Chí Minh (1945-2015)”, diễn ra ngày 23/8 tại TP. Hồ Chí Minh.

 Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong, phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong, phát biểu tại hội thảo

Bảo đảm tính khoa học, chính xác, khách quan

PGS-TS. Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch hội Sử học Việt Nam, Chủ biên “Lịch sử 70 năm chính quyền nhân dân TP. Hồ Chí Minh (1945-2015)”- cho biết, lịch sử 70 năm chính quyền TP. Hồ Chí Minh là lịch sử của chính quyền cách mạng được ra đời sau cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cho đến cuối năm 2015. Trong 70 năm đó, lịch sử chính quyền TP được chia thành 2 thời kỳ chính: thời kỳ 1945-1975 và thời kỳ 1975-2015.

Theo PGS-TS. Phan Xuân Biên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Ban Biên soạn Lịch sử chính quyền TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 - 2015 đã hoàn thành bản thảo lần 1 gồm 3 tập “Lịch sử 70 năm chính quyền TP. Hồ Chí Minh (1945-2015)”. Theo đó, tập 1 gồm 8 chương, trong đó chương mở đầu giới thiệu khái quát đặc điểm địa lý, lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, TP. Hồ Chí Minh ngày nay; 7 chương còn lại trình bày về lịch sử chính quyền cách mạng ở Sài Gòn và Gia Định từ 1945 – 1975, gồm 6 giai đoạn nhỏ và chương kết nhìn lại đặc điểm 30 năm chính quyền cách mạng và rút ra bài học kinh nghiệm.

Tập 2 gồm 6 chương, trong đó 5 chương trình bày chính quyền thành phố trong 5 giai đoạn (1975 - 1985; 1985 - 1994; 1994 - 2004; 2004 - 2010; 2010 - 2015) và chương 6 nêu lên đặc điểm, thành tựu và một số bài học của 40 năm xây dựng chính quyền TP. Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng miền Nam đến 2015. Tập 3 là tập Phụ lục, gồm những sự kiện, nhân vật, những mốc son quan trọng của Lịch sử 70 năm chính quyền nhân dân TP. Hồ Chí Minh (1945 - 2015), mang tính “biên niên sự kiện”.

“Hiện Ban Biên soạn đang sửa chữa tập 1 theo hướng chỉ có 4 chương: Ngoài chương đầu và chương cuối giữ nguyên, 6 chương của 6 giai đoạn nhỏ được gom lại 2 chương theo 2 thời kỳ chính là chống Pháp và chống Mỹ” - PGS-TS Phan Xuân Biên cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Thành Phong mục đích của việc biên soạn lịch sử 70 năm chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhằm tổng kết quá trình ra đời và phát triển về tổ chức và hoạt động của chính quyền TP qua các chặng đường. Từ đó, rút ra bài học, kinh nghiệm quý báu nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

“Việc biên soạn phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, khách quan, thể hiện được đặc điểm lịch sử cũng như tình hình thực tiễn, tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền từng thời kỳ. Đồng thời, mong muốn nhận được các góp ý cho 3 tập bản thảo trên” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh - Phạm Chánh Trực, đề nghị Ban Biên soạn cần làm nổi bật vai trò quần chúng làm nên lịch sử 70 năm chính quyền nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Nền tảng xây dựng TP “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng lịch sử 70 năm chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã vận hành trong những điều kiện, bối cảnh hết sức phức tạp, trải qua 30 năm chiến tranh khốc liệt, 40 năm sau ngày giải phóng với biết bao bước thăng trầm, chồng chất khó khăn. TP luôn đi đầu, năng động, sáng tạo, đột phá làm nên những thành tựu quan trọng trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Qua đó góp phần đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị đặc biệt, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh - Phạm Chánh Trực cho hay, thời kỳ sau giải phóng đến năm 1986 là thời kỳ rất đặc biệt và rất quan trọng tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển lịch sử TP. Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung. Do đó, cần phải đầu tư nghiên cứu sâu và đánh giá đúng mức hơn. Thời kỳ từ khi có nghị quyết đổi mới đến nay tuy có thể chia ra nhiều giai đoạn nhỏ, nhưng tình chất chung không có sự thay đổi lớn, vẫn thuộc phạm trù nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Đặc biệt, Ban soạn thảo lịch sử 70 năm chính quyền TP cần phản ánh diễn biến lịch sử và đánh giá quá trình các sự biến đổi kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa… một cách sâu sắc và làm rõ nét những tính chất và đặc điểm nổi bật của hai thời kỳ đó của TP. Hồ Chí Minh” – ông Phạm Chánh Trực nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Ban Biên soạn Lịch sử chính quyền TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1945 – 2015 tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện nội dung các tập bản thảo “Lịch sử 70 năm Chính quyền TP”, sớm trình lãnh đạo TP chính thức ban hành.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, những bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết hơn 70 năm hoạt động của chính quyền nhân dân là di sản lịch sử và là hành trang quý báu, làm nền tảng cho việc xây dựng TP mang tên Bác Hồ kính yêu ngày càng “Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Đồng thời, đây là cơ sở để TP sẽ tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước… Qua đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế TP, khẳng định vị thế TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dang-bo-chinh-quyen-va-nhan-dan-tp-ho-chi-minh-luon-neu-cao-truyen-thong-cach-mang-dau-tranh-kien-cuong-124231.html