Đang bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc chiến Afghanistan?

Thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Mỹ và phong trào Taliban được ký kết hôm 29/2 được đánh giá là sẽ đặt nền móng cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh 18 năm hao tiền tốn của Mỹ tại Afghanistan, và cũng là bước quan trọng tiến tới giải pháp chính trị lâu dài ở Afghanistan.

Thế nhưng, thỏa thuận này được nhận định là vẫn mong manh xét tới các điều khoản của nó, nhất là cam kết của Washington về việc rút quân của nước này cũng như các nước đồng minh.

Không có thỏa thuận nào là hoàn hảo

Thỏa thuận hòa bình toàn diện gồm 4 phần chính: thứ nhất, Taliban sẽ đảm bảo và chịu trách nhiệm về việc lãnh thổ Afghanistan sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại an ninh của Mỹ và đồng minh; thứ hai là đảm bảo và tìm ra một cơ chế cũng như thông báo về mốc thời gian rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan; thứ ba, sau khi rút toàn bộ binh sỹ nước ngoài sẽ khởi động các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan vào ngày 10-3; và cuối cùng là một lệnh ngừng bắn toàn diện và kéo dài. Bốn điều khoản này liên hệ chặt chẽ với nhau, trong đó 2 điều khoản đầu tiên sẽ mở đường cho việc thực hiện 2 điều khoản sau.

Binh sĩ Mỹ tại Kabul, Afghanistan.

Binh sĩ Mỹ tại Kabul, Afghanistan.

Có thể thấy rằng Mỹ sẽ chỉ rút binh sỹ theo các mốc thời gian đã định nếu Taliban tuân thủ các cam kết. Tuy nhiên, không thể dự đoán được kết quả của giai đoạn này. Mặt khác, nếu thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban hoàn toàn chắc chắn, nó sẽ đặt ra các thách thức mới cũng như sự lo ngại của Chính phủ Afghanistan và người dân nước này.

Ví dụ, lực lượng Taliban sẽ đàm phán với Chính phủ Afghanistan hiện nay như thế nào? Trước đây và thậm chí hiện nay, Taliban vẫn chưa sẵn sàng đàm phán với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Lực lượng Taliban tin rằng họ đã đóng một vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Afghanistan và họ muốn kiểm soát 70% lãnh thổ đất nước.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định liệu Taliban có đàm phán với chính quyền hiện nay ở Afghanistan hay không? Từ năm 2010, Taliban đã khẳng định rằng nếu như có đàm phán thì sẽ tiến hành theo 2 giai đoạn: quốc tế và nội bộ Afghanistan.

Ngoài thỏa thuận quốc tế liên quan đến văn kiện vừa ký với Mỹ, nếu Taliban thất bại trong việc thương lượng với chính quyền Ashraf Ghani, lực lượng này cũng rất khó có thể đối thoại với người dân Afghanistan và thuyết phục họ xây dựng một nhà nước mới với tên gọi “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” với tư tưởng và hệ thống chính trị mới.

Mỹ và các đồng minh cho rằng các cuộc thương lượng với Taliban sẽ góp phần đưa Taliban và Chính phủ Afghanistan ngồi vào bàn đàm phán nhằm đem lại ổn định cho khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay Taliban đã từ chối đàm phán với Chính phủ Afghanistan.

Như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, khi các cuộc đàm phán giữa các phe phái Afghanistan diễn ra, Mỹ sẽ giám sát các hành động của Taliban để xem xét liệu các nỗ lực của Taliban hướng tới hòa bình có thật sự chân thành hay không.

Nếu Taliban tuân thủ thỏa thuận, Mỹ sẽ bắt đầu giảm quân dựa theo các điều kiện. Đồng thời, Mỹ sẽ hợp tác với các thành viên khác của liên quân để tiến hành rút quân từng phần. Mặc dù vậy, nếu Taliban không tuân thủ cam kết, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội cùng các lực lượng khác tại Afghanistan quyết định tương lai của đất nước.

Những tuyên bố cứng rắn của ông Mark Esper cho thấy một rào cản khác đối với các cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe nhóm tại Afghanistan. Các cuộc thương lượng song phương giữa Taliban và chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani luôn khó khăn và rất phức tạp. Một trong những điểm mấu chốt là yêu cầu Chính phủ Afghanistan phải thả 5.000 tay súng Taliban và Taliban sẽ trả tự do cho 1.000 nhân viên an ninh của chính phủ.

Tuy nhiên, ông Ashraf Ghanis đã tuyên bố rằng, việc thả các tù nhân Taliban không thuộc quyền kiểm soát của Mỹ và không có bất kỳ cam kết nào về việc thả 5.000 tù nhân. Vấn đề là Mỹ và Taliban đã thất bại trong việc thảo luận các điều khoản bổ sung của cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở Afghanistan.

Giai đoạn mới của một cuộc chiến

Nhiều cựu chiến binh Mỹ trong cuộc Chiến tranh Afghanistan vẫn cảnh giác về thỏa thuận rút quân, ngay cả khi họ hoan nghênh khả năng chấm dứt cuộc chiến kéo dài này. Một số nhà ngoại giao và sĩ quan Mỹ đương nhiệm và đã nghỉ hưu đặt câu hỏi về việc liệu Taliban và Chính phủ Afghanistan có nhất trí với một thỏa thuận chia sẻ quyền lực hay thậm chí là tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa hay không.

Một số người lo sợ rằng, Taliban sẽ tìm cách lật đổ chính quyền một khi người Mỹ rút đi. Cho dù Taliban không tìm cách kiểm soát hoàn toàn Thủ đô Kabul, thì họ cũng có thể cho phép Al Qaeda khôi phục quyền lực hoặc thất bại trong việc ngăn chặn sự hồi sinh của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mối đe dọa khủng bố tiềm tàng vẫn còn ở khu vực Trung Đông.

Hầu hết các nhà lãnh đạo Al Qaeda đều đang lẩn trốn ở Pakistan, nhưng họ có thể quay trở lại Afghanistan một khi chính phủ do Taliban chi phối được thành lập. Các phe phái Al Qaeda và Taliban tiếp tục gắn kết với nhau ở một số nơi, đặc biệt là ở miền Tây Afghanistan. Tuy nhiên, một số nhà phân tích và quan chức chính phủ cho biết rủi ro có thể bị phóng đại.

Nhiều quan chức tình báo cho rằng, các nhóm như nhánh của IS ở Afghanistan là mối đe dọa đối với khu vực, gây rắc rối cho Taliban và Chính phủ Afghanistan hơn là người Mỹ. Tuy nhiên, liệu điều đó có còn đúng sau khi Mỹ rút quân hay không là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Ông David H. Petraeus, cựu Chỉ huy tối cao của quân đội Mỹ ở Afghanistan và là cựu Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) nhấn mạnh: “Không ai muốn chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận hơn những người đã trực tiếp trải qua chúng và hiểu cái giá của chúng. Tuy vậy, chúng ta cần chấm dứt các cuộc chiến đúng cách, nếu không từ những gì học được trong quá khứ, chúng ta có thể phải quay trở lại các cuộc chiến đó”.

Việc chính phủ mới, bao gồm cả Taliban, sẵn sàng hợp tác với Mỹ tiêu diệt các nhóm khủng bố và ngăn chặn nội chiến có thể là yếu tố quyết định thành công của thỏa thuận rút quân. Theo ông David Kilcullen, cựu cố vấn Chính phủ Mỹ về Iraq và Afghanistan, một chiến lược như vậy sẽ yêu cầu Nhà Trắng phải thay đổi suy nghĩ.

Tổng thống Donald Trump sẽ phải từ bỏ tấm bản đồ hiển thị số lượng phiến quân bị tiêu diệt mà chuyển sang một cách tiếp cận dựa nhiều hơn vào sức mạnh kinh tế, sử dụng các thỏa thuận thương mại và hỗ trợ phát triển để thuyết phục Taliban duy trì thỏa thuận về chia sẻ quyền lực. Ông David Kilcullen nói: “Tổng thống Donald Trump ghét trợ giúp nước ngoài, và ông thích gây áp lực đối với Taliban bằng việc sử dụng bom. Tuy nhiên, có nhiều công cụ có thể củng cố thỏa thuận giữa hai bên mà không phải giết người”.

Minh Hải (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/dang-bat-dau-mot-giai-doan-moi-cua-cuoc-chien-afghanistan-585128/