Đàn voọc gáy trắng ở 'rừng ma', tái xuất cắn người

Sau khi xảy ra tình trạng đàn voọc gáy trắng cắn người tại xã Hướng Lập (H. Hướng Hóa), đầu tháng 12-2020, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đề nghị phối hợp cứu hộ, di dời đàn voọc gáy trắng nói trên. Qua đó, các đơn vị chức năng có liên quan đã dự thảo phương án để bắt sống được tất cả cá thể voọc trên di chuyển về Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi.

Sau khi xảy ra tình trạng đàn voọc gáy trắng cắn người tại xã Hướng Lập (H. Hướng Hóa), đầu tháng 12-2020, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có công văn gửi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đề nghị phối hợp cứu hộ, di dời đàn voọc gáy trắng nói trên. Qua đó, các đơn vị chức năng có liên quan đã dự thảo phương án để bắt sống được tất cả cá thể voọc trên di chuyển về Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi.

Một người dân xã Hướng Lập bị voọc gáy trắng tấn công.

Một người dân xã Hướng Lập bị voọc gáy trắng tấn công.

Đàn voọc gáy trắng quý hiếm (3 đến 5 cá thể) xuất hiện tại địa bàn hai bản Sê Pu và Cha Lỳ (xã biên giới Hướng Lập, H. Hướng Hóa) trong tháng 3-2020, tưởng chỉ… ghé chơi. Đây cũng là loài vốn hiền lành, sợ người, thức ăn chủ yếu là lá cây. Nên khi thấy cá thể voọc xuất hiện ở hai đường Hồ Chí Minh, chạy nhảy dạn dĩ khiến ai nấy ngạc nhiên. Trước tình hình này, công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm được chính quyền, ngành kiểm lâm, biên phòng, CA triển khai rộng trong nhân dân. Người dân cũng ra sức bảo vệ đàn voọc quý.

Thực hiện chỉ đạo của UBND H. Hướng Hóa, Hạt Kiểm lâm huyện, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, chính quyền địa phương và Biên phòng nỗ lực xua đuổi đàn voọc vào rừng sâu nhưng chúng vẫn tìm cách trở lại. Và chuyện không ai ngờ tới là chúng rượt đuổi người dân và cắn thương tích. Từ tháng 7 đến 9-2020 đã ghi nhận 9 người dân bị voọc rượt đuổi cắn, gây hoang mang thực sự. Ngày 10-9-2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn chỉ đạo Sở NN& PTNT chủ trì phối hợp với BĐBP tỉnh, UBND H. Hướng Hóa cùng các ngành chức năng triển khai các biện pháp xua đuổi voọc.

Lập bảng cảnh báo nguy hiểm.

Hàng loạt biện pháp được triển khai, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ động vật quý hiếm, tránh đi vào khu vực nguy hiểm. Lập các biển báo khu vực nguy hiểm và tổ chức lực lượng chốt ở hiện trường; phát quang bụi cây, dây leo bên đường để mở rộng tầm quan sát, nâng cao cảnh giác. Sử dụng âm thanh động vật đối kháng như thu âm tiếng chó sủa để xua đuổi. Sử dụng lưới che chắn trên quãng đường dài 1.200m nơi các cá thể voọc xuất hiện để hạn chế sự tiếp cận đường.

Hàng loạt biện pháp quyết liệt đã hạn chế được đàn voọc tiếp cận xuống đường và không có người nào bị tấn công từ cuối tháng 9. Sang tháng 10-2020, xảy ra mưa lũ, sạt lở thiệt hại nặng nề, bà con dồn sức khắc phục. Đàn voọc cũng vắng hẳn, những tưởng chúng đã di chuyển. Tuy nhiên, khoảng thời gian này các biện pháp triển khai tạm thời trước đây không còn khả thi do địa bàn bị sạt lở, đường sá bị hư hỏng, chia cắt. Ngày 19-11-2020, đàn voọc bất ngờ “tái xuất”vàtấn công người trở lại. Từ đó đến ngày 8-12 có tổng cộng 3 người bị voọc cắn, nâng số nạn nhân lên 12 tính từ khi chúng xuất hiện trên địa bàn Hướng Lập.

Chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến các cá thể voọc gáy trắng xuất hiện tập tính mới tấn công người.

Chia sẻ về khó khăn trong xua đuổi đàn voọc, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho hay, tình huống cá thể voọc gáy trắng tấn công người là tình huống mới phát sinh trong thực tiễn trong công tác bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Việc nghiên cứu, hiểu biết, các tài liệu liên quan hầu như rất ít. Cũng chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến các cá thể voọc gáy trắng xuất hiện tập tính mới tấn công người bằng cách cắn, bởi đây là loài vốn hiền lành, sợ người. Bên cạnh đó, Khu vực các cá thể voọc đang sinh sống là Rừng ma (Khu vực rừng thiêng) nên việc tiếp cận có hạn chế. Qua khảo sát, khu vực này cũng chỉ có 10ha, bao quanh là đường bê-tông và bản làng của dân địa phương, xung quanh gần đó cũng không có dãy núi đá vôi lớn vì vậy việc xua đuổi khó khăn...

Sở NN&PTNT cũng đã báo cáo tình hình chi tiết lên UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND H.Hướng Hóa nghiên cứu phương án đã được Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đề xuất; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, biên phòng, công an phối hợp với chính quyền, chuyên gia và các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đồng thời bảo vệ được các cá thể voọc quý hiếm này.

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_235978_dan-vooc-gay-trang-o-rung-ma-tai-xuat-can-nguoi.aspx