Dân vây Đại sứ Mỹ: Baghdad dửng dưng, Wahsington hành động nóng

Các lực lượng Iraq đã tỏ ra thờ ơ trong việc ngăn chặn người biểu tình đổ về Đại sứ quán Mỹ.

Bộ Ngoại giao Iran ngày 1/1 lên tiếng bác bỏ cáo buộc Tehran đứng đằng sau các vụ biểu tình bạo lực ở trước cổng Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và cảnh báo bất kỳ hành động trả đũa nào của Mỹ.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/12 đổ lỗi cho Iran về vụ tấn công vào Đại sứ quán ở Baghdad.

Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng, Iran đã giết chết một nhân viên dân sự Mỹ, đồng thời khiến nhiều người khác bị thương trong cuộc tấn công vào căn cứ gần thành phố Kirkuk, Iraq.

Tổng thống Mỹ cũng báo buộc Iran đang "đạo diễn" vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq. Ông Trump tuyên bố, Iran sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nhân mạng và những thiệt hại gây ra tại bất kỳ cơ sở nào của Mỹ, đồng thời đe dọa Iran sẽ phả trả giá rất đắt.

Người biểu tình ném đá và đốt một chốt kiểm soát an ninh ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.

Người biểu tình ném đá và đốt một chốt kiểm soát an ninh ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad.

Mỹ điều lực lượng khủng đến Iraq

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nhấn mạnh, Mỹ đã "thực hiện các hành động bảo vệ lực lượng phù hợp để đảm bảo an toàn cho công dân, quân nhân và nhà ngoại giao Mỹ" phục vụ tại Iraq.

"Giống như ở tất cả các quốc gia, chúng tôi dựa vào lực lượng của nước chủ nhà để hỗ trợ bảo vệ nhân sự của mình và chúng tôi kêu gọi chính phủ Iraq thực hiện trách nhiệm quốc tế của mình để làm như vậy", ông Esper nói thêm.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, bên cạnh việc cử thủy quân lục chiến Mỹ tới bảo vệ các nhân viên đại sứ quán, khoảng 750 binh sỹ thuộc Sư đoàn Dù 82 sẽ được điều đến Trung Đông và triển khai thêm binh sỹ trong vài ngày tới.

Một quan chức Mỹ tiết lộ, Lầu Năm Góc đã gửi hai máy bay trực thăng Apache bay qua đại sứ quán để thị uy.

Mỹ cũng triển khai khoảng 100 lính thủy đánh bộ Mỹ từ lực lượng đặc nhiệm đối phó với khủng hoảng có trụ sở tại Kuwait để tăng cường an ninh tại đại sứ quán. Những lính thủy đánh bộ này bay vào khu đại sứ quán trên máy bay MV-22 Osprey.

Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 31/12 cho biết, các nhân viên ngoại giao ở bên trong Đại sứ quán Mỹ vẫn an toàn và không có kế hoạch sơ tán.

Nhân viên bảo vệ sứ quán Mỹ đã dùng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán đám đông khi người biểu tình đốt phá một chốt kiểm soát ở cổng đại sứ quán nhưng chưa thể vào bên trong khuôn viên Đại sứ quán.

Mỹ không còn tiếng nói ở Iraq?

Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ yêu cầu chính phủ Iraq thực hiện trách nhiệm quốc tế để bảo vệ Đại sứ quán nước này ở Baghdad sẽ không mấy khả quan. Bởi lẽ, chính quyền Baghdad sẽ khó có thể chĩa súng vào người dân Iraq.

Mặt khác, chính phủ Iraq có quyền từ chối lời đề nghị của Mỹ nếu lời đề nghị đó không chính đáng, cũng giống như việc Baghdad từ chối cho Mỹ đưa binh sĩ từ Syria sang Iraq tạm trú sau quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ hồi giữa tháng 10.

Trước đó, 31/12/2019, hàng chục dân quân Shiite Iraq và những người ủng hộ họ đã đột nhập vào Đại sứ quán Mỹ. Ngoài ra, người biểu tình ở Baghdad cũng bao vây Đại sứ quán Mỹ, hô khẩu hiệu phản đối nước Mỹ.

Theo truyền thông phương Tây, các lực lượng Iraq đã tỏ ra thờ ơ trong việc ngăn chặn người biểu tình đổ về Đại sứ quán Mỹ, sau khi đám tang cho những người thiệt mạng trong cuộc tấn công trả đũa của Mỹ được tổ chức.

Phản ứng của lực lượng Iraq cho thấy, sức ảnh hưởng của Mỹ tại đất nước Trung Đông này đã giảm đi rõ rệt, tiếng nói của chính phủ Mỹ không còn trọng lượng đối với chính phủ Iraq.

Trung Thành

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/dan-vay-dai-su-my-baghdad-dung-dung-wahsington-hanh-dong-nong-3394403/