Dân vận trên địa bàn 'thưa dân'

Có 'tuổi đời' trẻ nhất trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai, Đồn Biên phòng Ia Lốp (thành lập tháng 5-2003), được giao nhiệm vụ quản lý 2 khu dân cư Suối Khôn và làng Rinh thuộc xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, đều nằm cách đơn vị hơn 10km, rất khó đi và gần như 'tê liệt' vào mùa mưa. Quản lý địa bàn 'thưa dân' và khó khăn trở ngại như thế, nhưng công tác dân vận luôn được người lính Biên phòng nơi đây thực hiện một cách hiệu quả nhất…

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Lốp cứu hộ, cứu nạn nhân dân biên giới trong mưa lũ. Ảnh: Thái Kim Nga

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Lốp cứu hộ, cứu nạn nhân dân biên giới trong mưa lũ. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ những công việc thường nhật...

Quản lý 2 khu dân cư chỉ vỏn vẹn 150 hộ dân với 733 nhân khẩu, song công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Lốp cũng đủ “mảng - miếng” như các đơn vị khác, thậm chí có việc còn khó khăn phức tạp hơn rất nhiều. Ví như khu dân cư Suối Khôn, trên thực tế, toàn bộ 83 hộ dân ở đây vẫn là “công dân” của xã nội địa Ia Piơ dịch cư sang đất Ia Mơ sinh sống từ nhiều năm trước. Trong cuộc sống, nếu xảy ra những vấn đề về an ninh trật tự thì Đồn Biên phòng Ia Lốp phối hợp với chính quyền xã Ia Piơ giải quyết, còn nếu liên quan đến tranh chấp đất đai thì cả 2 xã cùng vào cuộc. Dân của địa phương nào thì cũng đều sinh sống trong khu vực biên giới nên phải quản lý chặt chẽ về con người và giúp đỡ, hỗ trợ tận tình khi bà con gặp khó khăn.

Hằng ngày, bên cạnh công tác tuần tra, bám nắm, bảo vệ địa bàn, Đồn Biên phòng Ia Lốp còn tổ chức các hoạt động giúp dân trong lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Đại úy Rơ Châm Khiêm, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Lốp cho biết, năm 2019, thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán rồi lũ lụt cứ “gối đầu” lên nhau nên các đợt về làng giúp dân càng được tăng dày hơn. Cán bộ, chiến sỹ đơn vị đã tổ chức 212 buổi/426 lượt người tham gia thu hoạch hoa màu, dọn vệ sinh tại các cụm dân cư, phun thuốc phòng dịch, vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, trận lũ lụt xảy vào ngày 7-8 vừa qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Lốp gần như dầm mình trong dòng nước dữ để ứng cứu nhân dân. Gần 51ha hoa màu của bà con làng Rinh, mặc dù không tránh được những thiệt hại nặng nề, nhưng “con thủy quái” cuối cùng cũng bị khuất phục trước sức chống đỡ của các chủ nhân nơi đây.

Về làng là để giúp dân, không ra đồng cày cuốc thì cũng ở nhà tổ chức cắt tóc miễn phí cho người già và trẻ em; không tổ chức tuyên truyền tập trung thì cũng đến từng gia đình hướng dẫn, giúp đỡ bà con theo chủ trương “Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình”... Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Ia Lốp đã tổ chức trên 660 cuộc gặp gỡ (vừa tập trung, vừa nhỏ lẻ) tuyên truyền cho hơn 3.000 lượt người nghe về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không bị “nhiễu” trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của bọn phản động và các loại đối tượng khác, không vi phạm lâm luật, quy chế biên giới, tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm...

Như vậy, nếu tính bình quân thì mỗi người dân ở đây ít nhất 2 lần trong năm được bổ sung kiến thức pháp luật, được tiếp cận các kỹ năng sống để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của công dân đối với chủ quyền biên giới quốc gia.

Đến những chương trình lớn

Bên cạnh những công việc thường nhật, thời gian qua, Đồn Biên phòng Ia Lốp còn tập trung triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động và mô hình giúp dân mang lại hiệu quả thiết thực.

Việc đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới” do Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh chủ trì đã tạo ra những chuyển biến tích cực cả trong ý thức lẫn chấp hành pháp luật của các chủ nhân vùng biên giới. Hoạt động của các loại đối tượng liên quan đến an ninh chính trị trên địa bàn đã được loại bỏ, tội phạm hình sự, vi phạm lâm luật, vi phạm quy chế biên giới được hạn chế, đẩy lùi, các hủ tục, mê tín dị đoan không còn “đất diễn” trong đời sống cộng đồng. Và khi người dân - chủ thể chính “nói không” với những biểu hiện tiêu cực thì việc ổn định địa bàn, duy trì chấp pháp trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Địa bàn ổn định, an ninh trật tự được giữ vững là tiền đề quan trọng xây dựng đời sống kinh tế phát triển. Các mô hình giúp dân của Đồn Biên phòng Ia Lốp không chỉ gói gọn ở 2 khu dân cư trực tiếp phụ trách, mà còn “nối dài” xuống các thôn làng khác trong xã Ia Mơ. Bên cạnh thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” với 3 cháu được cấp học bổng hằng tháng, nhận nuôi dưỡng 2 cháu mồ côi ở làng Khôi và làng Klả, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ia Lốp còn hoàn thành tốt chỉ tiêu đặt ra mỗi năm giúp 1 hộ dân thoát nghèo.

Nói về sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Ia Lốp, bà Kpă H’Bó, ở làng Hnáp cho biết: “Ông nhà mới mất, mình lại bị mù không làm gì được, cuộc sống khó khăn lắm. Năm ngoái, nhà mình được BĐBP tặng bò giống, làm chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ giống cây trồng nên cũng đỡ hơn rất nhiều. Nếu không có đồn Biên phòng giúp đỡ, chắc gia đình mình không được như ngày hôm nay...”.

Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng là điểm sáng trong công tác dân vận ở Đồn Biên phòng Ia Lốp. Bên cạnh tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm các tiêu chí về an ninh nông thôn, y tế sức khỏe, giáo dục..., đơn vị thường xuyên phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, trồng cây xanh trên các tuyến đường tại cụm dân cư suối Khôn, làng Ring, làm nhà vệ sinh theo chuẩn nông thôn mới cho các gia đình thuộc diện đảng viên đồn Biên phòng phụ trách.

Có thể nói, quản lý địa bàn dân cư thưa có những khó khăn nhất định, song công tác dân vận ở Đồn Biên phòng Ia Lốp vẫn luôn được triển khai thực hiện đa dạng, phong phú, đạt hiệu quả cao. Chính sự đồng hành, chia sẻ của người lính Biên phòng đã góp phần tạo dựng niềm tin, tập hợp sức mạnh, xây dựng vùng biên giới Ia Mơ ngày càng ổn định và phát triển.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dan-van-tren-dia-ban-thua-dan/