DÂN VẬN THỰC SỰ VÌ DÂN

Tại hội nghị sơ kết phong trào xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại khu vực nông thôn do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, có thông tin rất vui được nhiều đại biểu nêu ra là người dân hưởng ứng phong trào rất nhiệt tình.

Bà con tự nguyện đóng góp hơn 600 tỷ đồng trên tổng kinh phí thực hiện 1.136 tỷ đồng. Nhiều gia đình còn hiến hàng chục mét vuông “đất vàng” để làm cống rãnh... Nhờ đó, gần hai năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng, cải tạo được hơn 534km cống rãnh (trong đó gần 95% là xây mới). Tình trạng nước thải, trong đó có cả nước thải chăn nuôi chảy lộ thiên, tràn ra đường gây ô nhiễm khá phổ biến trước đây, nay cơ bản đã được giải quyết. Bộ mặt nông thôn thêm sạch, đẹp, văn minh, bà con làng xóm thêm phấn khởi, đoàn kết.

Câu hỏi đặt ra là vì sao phong trào xây dựng, cải tạo cống rãnh thoát nước nói trên lại thành công ngoài mong đợi như vậy? Không thể không nói đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng các cơ quan chức năng, nhưng nguyên nhân cốt lõi-như các đại biểu phân tích tại hội nghị, xuất phát từ chính mục đích, ý nghĩa của phong trào, đó là vì lợi ích của người dân. Xây dựng cống rãnh thoát nước để mang lại môi trường sống trong lành, cảnh quan sạch, đẹp cho chính người dân thì nhân dân hưởng ứng tích cực là điều dễ hiểu.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ hỗ trợ nhân dân xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ hỗ trợ nhân dân xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: HỒNG BỈNH HIẾU.

Từ sự việc trên càng khẳng định một bài học cũ nhưng chưa bao giờ mất tính thời sự: Công tác dân vận chỉ thành công khi phục vụ lợi ích chính đáng của người dân, đúng như tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ về dân vận “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Nếu dân vận mà không thực sự vì lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, của cộng đồng thì dù có tuyên truyền, vận động bao nhiêu cũng không có sức thuyết phục, dân cũng không hưởng ứng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đó cũng là cơ sở, nền tảng để tiến hành công tác dân vận. Thời gian qua, công tác dân vận thu được những kết quả tích cực, to lớn cũng là dựa vào những vấn đề có tính nguyên tắc này.

Bài học “dân vận phải vì lợi ích của dân” không mới nhưng trên thực tế không ít cán bộ, cơ quan, địa phương chưa thấu rõ hoặc cố tình làm ngơ, chưa thực sự lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, động lực trong thực hiện công tác dân vận nhằm tạo sự đồng thuận trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tình trạng “lợi ích nhóm”; các hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, công tác cán bộ... còn diễn ra khá phức tạp, khiến một bộ phận người dân suy giảm niềm tin, từ đó thiếu nhiệt tình cách mạng, không ủng hộ những việc làm, chủ trương chưa tạo được sự thông suốt mà chính quyền địa phương đưa ra. Sâu xa hơn là ảnh hưởng tới thế trận lòng dân.

Phát huy dân chủ, dù làm việc gì cũng phải đặt mục tiêu thực sự vì nhân dân, vì cộng đồng và thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chính là “thuốc đặc hiệu" để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Và để “dân biết” thì phải thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế chính sách...; để “dân bàn” thì một mặt người dân cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, mặt khác cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban ngành ở địa phương phải thực sự có tinh thần cầu thị, biết lắng nghe, trao đổi và tiếp thu ý kiến hợp lý của người dân!

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dan-van-thuc-su-vi-dan-640876