Dân văn phòng đi học nói ở tuổi 30

Để đáp ứng nhu cầu công việc, nhiều người tự học hoặc tìm đến các khóa luyện giọng, thuyết trình hay học kỹ năng giao tiếp, đàm phán.

21h30, sau khi hoàn thành công việc T.T. (27 tuổi) bắt đầu mở máy lên học online. Hơn 3 tháng qua, cứ có thời gian, cậu lại theo đuổi công cuộc học giao tiếp của mình. Ở tuổi gần 30, chưa bao giờ T. nghĩ đến việc quay trở lại "học nói". Nhưng nếu anh không học, có lẽ, công việc và cuộc sống của anh khó mà phát triển được.

Rào cản bởi kỹ năng giao tiếp

T.T. hiện là lập trình viên. Công việc dành phần lớn thời gian cho phần mềm trên máy tính, xây dựng và triển khai ứng dụng trên điện thoại.

Tính cách hướng nội, ít nói cũng là một phần khiến T. lựa chọn công việc này bởi trước đây, anh luôn giữ quan điểm IT là giao tiếp với máy tính, không cần chú trọng về việc giao tiếp bên ngoài. Vì vậy, đồng nghiệp cùng công ty khó bắt chuyện với anh.

Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ quay lại việc 'học nói' ở tuổi gần 30. Đi học, nản, mất thời gian nhưng nếu cứ chần chừ không học, công việc và cuộc sống cũng ảnh hưởng.

T.T. (nhân viên IT)

Không chỉ trong công việc, cuộc sống bên ngoài, T. rất khép kín, gói gọn trong gia đình và 1-2 người bạn thân. Mỗi ngày, anh làm việc 10-14 tiếng, để có thời gian ra ngoài thêm quan hệ, tăng giao tiếp cũng khó.

Nhiều khi công việc stress, T. lại rơi vào trạng thái khó chịu, gắt gỏng khi có ai hỏi tới. Anh cho biết ở công ty, anh chỉ nói chuyện công việc với đồng nghiệp, còn lại chỉ chào hỏi vài câu xã giao. Nhưng có lẽ, suy nghĩ của anh đã sai, bởi ít giao tiếp cũng đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội của mình.

Đã có lần, anh được sếp giao làm việc với khách hàng. Dù là người có chuyên môn, bởi đã quen với việc hạn chế giao tiếp, T. gặp vấn đề trong diễn đạt câu từ, ấp úng và ú ớ quá nhiều khiến khách hàng không tin tưởng mà hợp tác. Lần đó, anh bị chậm xét duyệt tăng lương trong 6 tháng.

Chưa kể những lần họp team, cuối mỗi buổi họp, tất cả thành viên đều phải có phản hồi, báo cáo và nêu kế hoạch của mình. Nghĩ trong đầu được rất nhiều ý tưởng nhưng đến khi được mời trình bày, T. lại bối rối không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để truyền đạt kế hoạch của mình đến mọi người. Những lúc này, anh cảm thấy khá ngại ngùng, thậm chí đôi khi cảm thấy phật ý, chạnh lòng vì sợ đồng nghiệp bàn tán về mình.

Khác với T., Ngọc Yến đang đảm nhiệm vị trí nhân viên marketing trong một công ty về thực phẩm tại Đà Nẵng. Đây là công việc đòi hỏi cao về kỹ năng giao tiếp để có thể tiếp cận và đưa sản phẩm tới khách hàng.

 Mặc dù công việc cần giao tiếp nhiều, Ngọc Yến lại thấy tự ti bởi giọng nói, đôi khi cô tự nhận thấy việc giao tiếp khá khó khăn. Ảnh: NVCC.

Mặc dù công việc cần giao tiếp nhiều, Ngọc Yến lại thấy tự ti bởi giọng nói, đôi khi cô tự nhận thấy việc giao tiếp khá khó khăn. Ảnh: NVCC.

Là một người nói khá nhiều nhưng đôi lúc, Yến cảm thấy tự ti vì giọng nói của mình. Chuyển đến thành phố lớn học tập và sinh sống được một thời gian nhưng Yến nhận thấy kỹ năng giao tiếp của bản thân còn hạn chế bởi giọng địa phương của cô rất nặng. Việc tương tác, giao tiếp vì vậy có phần bị ảnh hưởng.

Hàng ngày, giao tiếp với đồng nghiệp hay đàm phán với khách hàng, Yến vẫn quen nói giọng Quảng Nam và từ ngữ địa phương. Nhiều lúc, mọi người chỉ biết nhìn vì không hiểu cô đang nói về điều gì. Những lúc này, Yến chỉ biết cười trừ và giải thích lại các từ ngữ đó.

Quay lại "học nói"

Trải qua vô số lần ngại ngùng đó, Ngọc Yến hiểu rằng một người có khả năng giao tiếp tốt sẽ có nhiều cơ hội và thăng tiến hơn trong công việc.

“Giao tiếp là kỹ năng mềm quan trọng và giọng nói truyền cảm có thể xem là ưu điểm lớn khi mình gặp đối tác, giao tiếp với đồng nghiệp, thuyết trình trong các cuộc họp hoặc thương thuyết và kết nối với các mối quan hệ xung quanh”, cô suy nghĩ.

Do đó, Yến quyết định “học nói”, bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân và bứt phá. Cô chọn cho mình khóa học luyện giọng. Tuy nhiên, vì tính chất công việc, Yến bảo lưu việc học trực tiếp, thay vào đó, cô học online tại nhà sau mỗi giờ tan làm. Việc đầu tiên Yến phải làm là học phát âm tròn vành rõ chữ.

Việc khó khăn nhất đối với Yến chính là thay đổi âm sắc địa phương bởi giọng nói Quảng Nam là thứ gắn liền với cô từ khi sinh ra. Mặc dù luyện tập rất chăm chỉ, do Yến tự học sai phương pháp, giọng của cô không có thay đổi nhiều.

Việc khó khăn nhất đối với Yến khi học "nói" là thay đổi âm sắc địa phương. Ảnh: NVCC.

Nhiều lần vì bận việc, nản chí vì mãi không thay đổi được, Yến cũng muốn từ bỏ. Nhưng nhờ chỉ dẫn của giảng viên, Yến được tiếp thêm động lực, khóa học vì thế cũng khác biệt hơn với cô.

Yến kiên trì thay đổi, luyện tập lại từng bước, chú ý vào cột hơi, lấy hơi bụng và đọc từng chữ chậm rãi. Cô vận dụng tập luyện ngay cả khi nói chuyện với bạn bè hay trên đường đi làm về, thấy biển hiệu Yến cũng nhẩm đọc.

Sau 5 tháng từ khi quyết định thay đổi bản thân, Yến dần tiến bộ lên, giọng cô đã dần thay đổi, cách phát âm các từ địa phương vẫn thường dùng như xe độp (xe đạp), núa nghe nề (nói nghe này), hum nay (hôm nay)… giờ đã được Yến sửa. Cô tự tin hơn trong mỗi lời nói của mình, biết chú ý đến tiết tấu và sử dụng từ ngữ khéo léo.

Nhờ vậy, công việc của Yến thuận lợi hơn trước, giao tiếp, đàm phán với khách hàng chuyên nghiệp hơn. Đồng nghiệp cũng nhận xét thấy sự thay đổi tích cực từ cô. Thời gian tới, sắp xếp được thời gian, Yến sẽ học trực tiếp để học thêm về việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cách lắng nghe, điều khiển cảm xúc.

Cũng như Yến, sau một khoảng thời gian dài hạn chế giao tiếp, T. tự nhận thấy chuyên môn cao thôi là chưa đủ. Anh cần phải có kỹ năng giao tiếp để không chỉ bổ trợ cho công việc mà còn bổ trợ cho cuộc sống và các mối quan hệ bên ngoài.

"Chưa bao giờ mình nghĩ sẽ quay lại việc 'học nói' ở tuổi gần 30. Đi học, nản, mất thời gian nhưng nếu cứ chần chừ không học, công việc và cuộc sống cũng ảnh hưởng", T. chia sẻ với Zing.

Để có được điều đó, T. chủ động dành thời gian tìm hiểu về kỹ năng giao tiếp - thuyết trình. Vốn từ và cách diễn đạt câu là điều T. thấy khó nhất bởi lâu nay, anh ít nói chuyện, trước lại học khối tự nhiên. Anh bắt đầu thiết lập thời gian, thay vì chơi game, mỗi ngày, T. đều dành khoảng 30 phút để đọc sách trau dồi thêm vốn từ cũng như hiểu thêm về nghệ thuật giao tiếp.

T. dành thời gian đọc sách để tăng vốn từ cho bản thân. Ảnh: NVCC.

Thời gian rảnh, T. lại tranh thủ tìm kiếm và tham gia các buổi workshop về kỹ năng giao tiếp, tự tin nói trước đám đông, thuyết trình chuyên nghiệp… Vì ít thời gian học trực tiếp nên T. tìm các khóa học kỹ năng online để chủ động sắp xếp thời gian của mình. Đều đặn 3 buổi/tuần, 21h30 T. mở máy, ngồi vào bàn để "học nói".

Anh cho biết các khóa học này vẫn có giảng viên theo sát để giải đáp online. Tuy nhiên, anh cần phải tự giác trong việc học cũng như việc thực hành bởi thứ anh cần là tự tin trước đám đông. T. tự lên lộ trình thực hành bắt đầu bằng việc chia sẻ nhiều hơn với người thân, xóa bỏ khoảng cách với đồng nghiệp và cuối cùng là tạo thêm các mối quan hệ bên ngoài.

Tuy vẫn chưa thực sự đạt được hết mục tiêu đề ra, T. đã cải thiện hơn việc giao tiếp với mọi người xung quanh, kỹ năng giải quyết tình huống, thuyết trình cũng tăng thêm vài bậc. Việc truyền đạt, chia sẻ những ý tưởng của bản thân với mọi người cũng đã dễ dàng hơn trước.

“Mình rất thích một câu nói trong cuốn Sức mạnh của ngôn từ, đó là cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn nếu thấu hiểu được ẩn ý và cách sử dụng khéo léo và linh hoạt ngôn từ trong giao tiếp”, T. chia sẻ.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-van-phong-di-hoc-noi-o-tuoi-30-post1320683.html