Dân vận: Cầu nối 'ý Đảng' - 'lòng dân'

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: 'Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công'. Thấm nhuần tư tưởng của Người, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đều có các nghị quyết chuyên đề về dân vận để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này.

Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 về “Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Qua 5 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã đạt được kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cục Hậu cần Quân đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ dã ngoại làm công tác dân vận tại xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: TTXVN

Cục Hậu cần Quân đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ dã ngoại làm công tác dân vận tại xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: TTXVN

Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát thực hiện quy chế dân chủ

Công tác dân vận là một mặt công tác Đảng cơ bản, góp phần quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác dân vận luôn được đẩy mạnh, thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, phát huy sức dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện các nội dung về quy chế dân chủ, gắn việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân với thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là một trong những phong trào, cuộc vận động lớn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã có cách làm hay, mô hình thiết thực, phù hợp thực tiễn, gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phát huy tính sáng tạo trong nhân dân, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Triển khai xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, vườn mẫu, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng…; góp sức xây dựng thành công nông thôn mới, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tập trung nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, thực hiện giám sát có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến nhân dân như cải cách hành chính; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc công khai kết luận thanh tra; chương trình đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chương trình phối hợp giám sát nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan…

Ở cấp địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động triển khai các hoạt động giám sát cụ thể, gắn với thực tiễn đời sống nhân dân như: Giám sát việc thực hiện các khoản đóng góp theo quy định và ngoài quy định của các trường học; giám sát việc thu - chi các nguồn quỹ vận động trong nhân dân; giám sát việc chi trả bồi thường thiệt hại cho các hộ dân ở các tỉnh miền Trung do Công ty Formosa gây ra theo quy định, góp phần ổn định tình hình địa phương…

Thông qua sự giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; việc thu chi, quản lý các loại quỹ do nhân dân đóng góp; kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới; bình xét trao quà Tết cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo… đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn 2016 - 2017, trung bình mỗi năm, Ban Thanh tra nhân dân cả nước đã tham gia khoảng 52.000 cuộc giám sát; kiến nghị xử phạt hơn 12.000 vụ việc, vấn đề cụ thể.

Nhiều điểm sáng về công tác dân vận

Để kế thừa, phát huy những thành quả tốt đẹp, kinh nghiệm công tác “Dân vận khéo” của Đảng, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kinh nghiệm công tác là một trong những yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ trưởng thành từ cơ sở, nhất là năng lực và kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng cũng hết sức quan trọng.

Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, luôn “gần dân, học dân, nghe theo dân” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả”, thời gian qua đã xuất hiện nhiều điểm sáng về công tác dân vận, đặc biệt ở các vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển từ Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định đến Bờ Bắc cửa Định An, tỉnh Trà Vinh, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Những năm qua, đơn vị luôn xác định việc làm tốt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ chính trị trung tâm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Các đơn vị của Bộ Tư lệnh đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, huyện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo và các xã, huyện đảo ven bờ, các căn cứ hậu cần nghề cá ở một số địa phương như: Huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận); xã đảo Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); xã Phước Thuận, xã Bưng Riềng, (huyện Xuyên Mộc), xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xã Thạch An, xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)... để khảo sát và thống nhất xây dựng chương trình phối hợp hoạt động cụ thể.

Với phương châm hướng mạnh về cơ sở và bằng những hình thức, phương pháp công tác dân vận phù hợp với địa bàn, thời gian qua, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3 đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trên địa bàn đơn vị quản lý tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho trên 10.000 cán bộ, ngư dân, học sinh, sinh viên; tặng nhân dân hơn 1.000 lá cờ Tổ quốc cùng nhiều phần quà thiết thực như hạt rau giống, lò nướng điện, bình ga, trứng gà, tivi, xe đạp...; cử 1.076 lượt cán bộ, chiến sĩ sử dụng hàng ngàn ngày công lao động và hàng trăm triệu đồng để giúp dân làm mới, tu sửa đường giao thông, nhà ở; giúp nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội...

Thực tiễn cho thấy, sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ thành công khi tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, cần đề cao vai trò của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, thông qua quá trình quán triệt sâu sắc Nghị quyết 25 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận.

Theo đó, cần tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong đời sống nhân dân, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” phù hợp với thực tiễn, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên kiện toàn tổ chức, bộ máy; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ dân vận; chú trọng đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt của ban dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội về công tác dân vận; đổi mới hình thức tổ chức, phối hợp, liên kết, bảo đảm sát với yêu cầu thực tế, tránh chồng chéo, hình thức, kém hiệu quả.

Các cơ quan, đơn vị, chính quyền cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận; thực hiện thường xuyên việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các “điểm nóng”, vụ việc phức tạp, kéo dài.

Trần Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/dan-van-cau-noi-y-dang-long-dan-20181015160224785.htm