'Dân' và 'gian'

'Dân gian' là một từ ghép Hán - Việt mang cái nghĩa rất đơn giản: ở trong dân. Nói 'ở trong dân' là để khu biệt và khẳng định rằng nó không ở trong cung vua phủ chúa kín cổng cao tường, không ở trong chốn quan trường lề luật thâm nghiêm, không ở trong những hàn lâm học viện bề bề chữ nghĩa hoặc các tăng viện điều luật tầng tầng.

Nói “ở trong dân”, nghĩa là nói những vật những sự đã hoặc đang diễn ra trong cái đời thường hằng ngày của bá tánh lê dân, của nhân dân. (Ngày xưa có khái niệm “Tứ dân”: Sĩ, nông, công, thương. Đấy là 4 hạng dân cơ bản. Dưới nữa là đủ thứ: quân lính, phu phen, sơn tràng, hạ bạc, lưu manh, trộm cướp, lầu xanh lầu hồng v.v...). Mà như thế, nhân dân/dân gian/ở trong dân cũng có nghĩa chỉ khu vực của cái ngoại biên, phi chính thống, cái thường xuyên hiện diện như những phản ứng đối chọi với cái chính thống theo những cách thức và ở những mức độ khác nhau.

Theo nghĩa này, chữ “gian” không còn là không gian/khoảng trống nữa, mà là chữ chỉ một đặc tính phẩm chất, một thuộc tính của chủ thể “dân”: gian xảo, gian manh, gian tà, gian trá, gian dối, gian lận... Dân gian, do đó biến nghĩa thành “dân thì gian” (tương đương với “quan thì tham”).

Những người dân túy chủ nghĩa nhiệt thành và những kẻ mị dân chủ nghĩa lọc lõi có một điểm giống nhau, ấy là bất cứ khi nào có thể, họ đều thổi phồng cái đúng, cái tốt của nhân dân/dân gian lên kích cỡ của những “tuyệt vời”, “vô địch”, “vĩ đại”... Còn cái sai, cái xấu chỉ là thứ yếu, là tạm thời hoặc đơn giản là họ lờ tịt đi, coi như không có.

Về phương diện này, những người ấy có lẽ phải lấy Lưu Quang Vũ làm một tấm gương khi, bên cạnh việc nhìn nhận sức mạnh của nhân dân/dân gian, nhà thơ còn nói về những cái nhược một cách không khoan nhượng: “Ăn những thứ nộm rau đắng chát/ Mặc áo quần vá víu lem nhem/ Lời ngọt ngào người dễ dàng tin/ Chuyện không đâu người cũng cười thích thú/ Người gối đầu cán gươm nằm ngủ/ Người đánh bò đi kéo xe thuê/ Người đẻ con đàn nheo nhóc/ Mụn vải, mẩu đinh người đều nhặt nhạnh/ Mất nắm rơm cũng cãi vã kêu ca... Người mài mực cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô, người cùng Quang Trung đi đánh giặc/ Quang Trung ngồi trên bành voi, người cầm giáo xông lên phía trước/ Quang Trung lên làm vua, người về nhà cày ruộng/ Bị lão trương tuần quát nạt cũng run” (Người cùng tôi).

Đoạn thơ này, Lưu Quang Vũ đã nhận diện và phác họa chính xác một nhân dân/dân gian lam lũ, nông nổi, bồng bột, nghĩ đơn giản nhưng đầy sức mạnh, mạnh khủng khiếp, mạnh trong chính sự khốn khổ và cái căn tính đẫm chất vị thành niên của nó. Nguyễn Trãi, Quang Trung hay bất cứ một nhà cầm quyền, một nhà chính trị, một nhà quân sự, một đấng bậc hào kiệt nào, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, sẽ không thể tạo thành sự nghiệp của mình nếu không có hoặc không biết sử dụng khối sức mạnh to lớn luôn chực chờ bùng nổ ấy. Nhân dân/dân gian, đó là vật liệu thô, là năng lượng ròng của lịch sử. Người nào hiểu những đặc tính và làm chủ được nguồn vật liệu ấy, nắm được nghệ thuật khiêu khích, dẫn dụ, vạch hướng chuyển động cho dòng năng lượng ấy theo mục đích của mình, người đó sẽ chiến thắng.

Sự nghiệp lẫy lừng của Napoleon Bonapartre trên toàn châu Âu vào những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, sự trỗi dậy kinh hoàng của Đế chế thứ III tại Đức trong thập niên 1930... đều có thể được cắt nghĩa từ quy luật nói trên. Và chính bởi thế, khi quay về với phương Đông, cần thiết phải đọc lại mệnh đề “Dân là gốc của nước” của Mạnh Tử (Dân vi bang bản, xã tắc thứ chi, quân vi khinh), không phải như một tư tưởng dân chủ của thời cổ đại, mà như một nhận thức khách quan, sáng rõ về tầm quan trọng và sự tối cần thiết của khối người đông đảo lúc nhúc đang làm thành cơ tầng nền của một quốc gia. Không có hoặc không làm chủ được khối người này, mọi ý chí quyền lực đều mất đi sức mạnh vật chất của nó, đều rơi tõm vào khoảng không của mơ mộng hão và tất nhiên, không bao giờ trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, như Khổng Tử đã sớm đúc kết: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế”, nhân dân/dân gian là một thực thể khó lường, cái khối sức mạnh vật chất ấy có thể tạo thành huy hoàng mà cũng có thể làm cho một triều đại sụp đổ thê thảm trong nháy mắt nếu như kẻ sử dụng nó không biết đến sự cẩn trọng cao độ (sử dân như thừa đại tế: dùng dân phải như đang thực hành một cuộc lễ lớn).

Nguyễn Trãi chính là một trong những người thấu hiểu tính hai mặt này của sức mạnh nhân dân/dân gian khi ông phát biểu: “Thuyền bị lật rồi mới hay dân là nước” (Phúc chu thủy tín dân do thủy). Chàng sinh viên luật khoa Raskolnicov trong “Tội ác và trừng phạt” của Dostoievsky còn thẳng băng hơn khi, trong cơn triền miên suy ngẫm về mối quan hệ giữa vĩ nhân và thường nhân, đã phát hiện rằng chỉ cái đám đông quái gở ấy, nhân dân/dân gian, mới có thể đủ sức dựng tượng đài tôn vinh anh hôm nay, để rồi ngày mai bất chợt sục sôi đưa anh lên đoạn đầu đài.

Nói sao đi nữa, ở đâu và bất cứ khi nào, nhân dân/dân gian vẫn luôn đứng ở vị thế của kẻ yếu. Và chính ở vị thế bất di bất dịch này mà, mặc cho sự tồn tại như một nguồn sức mạnh có thể dời non lấp bể, cái chất “gian” của “dân” đã phát lộ, đủ vành đủ vẻ, như những đặc tính của kẻ yếu. Trong bài “Người cùng tôi” của Lưu Quang Vũ đã dẫn ở trên, khi nhà thơ viết: “Mụn vải mẩu đinh người đều nhặt nhạnh/ Mất nắm rơm cũng cãi vã kêu ca” thì chính là ông đã nhấn mạnh ở nhân dân/dân gian thói tham vặt, tính thu vén tủn mủn, tức những nét trội, dễ thấy trong tính cách của người tiểu nông vốn ít khi nhìn thấy cái lợi nằm quá tầm mắt mình.

Theo sự phát triển của đời sống xã hội, những nét tính cách này dần dà đã không chỉ là “dấu hiệu nhận diện” của riêng tiểu nông nữa: Nó lan ra thành thị, ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của nhiều nhóm nhân dân/dân gian mới, đặc biệt là nhóm nhân viên văn phòng và các viên chức, công chức cấp thấp. Nhưng, đây mới chỉ là những dấu hiệu mờ nhạt và có thể có phần hơi miễn cưỡng nếu quy chúng vào chất “gian” của “dân”. Đích đáng hơn, cần phải tìm ví dụ ở tục ngữ và thành ngữ, nơi trí tuệ và kinh nghiệm của nhân dân/dân gian đã lắng lại, cô lại, truyền từ đời này sang đời khác như những túi khôn, những quy tắc vàng cho việc sống ở đời.

Ở đó có các bài học về nghệ thuật biết nhanh nhẹn vượt lên số đông mà thu lợi cho cá nhân mình và đẩy tối đa sự rủi ro về phía những kẻ còn lại, mặc xác chúng loay hoay với sự rủi ro ấy: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “Trâu chậm uống nước đục” v.v... Ở đó có những lời khuyên về sự khôn ngoan để khỏi phải đối đầu, va chạm với kẻ khác, cần thiết thì nhu nhược cũng được, miễn sao giữ được sự an toàn: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “Một điều nhịn, chín điều lành” v.v... Ở đó có sự xúi bẩy con người ta không nên tồn tại như một cá nhân đơn trị và tự chịu trách nhiệm về sự tồn tại ấy, mà phải biết trốn vào tập thể, tan ra trong tập thể, để tất cả cùng chịu trách nhiệm: “Xấu đàn hơn tốt lỏi”, “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt riêng mình ai đâu” v.v...

Đặc biệt, ở đó có bài học tuyệt vời về sự lập lờ khi phải xử lý những mối quan hệ huyết tộc và những mối quan hệ cộng đồng. Cổ nhân dạy: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Và cũng dạy: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” v.v... Không có lời dạy nào sai, tất cả đều đúng với tư cách là những chân lý tương đối, những “lẽ phải thông thường” (chữ của F. Engels). Vấn đề là tùy từng trường hợp cụ thể, tùy từng mục đích ngắn hạn và dài hạn mà người ta tính toán nên “mua” hay nên “bán”, cần “máu đào” hay cần “nước lã”. Tất cả đều có thể, bất kể Thượng đế còn sống hay đã chết!

Đích đáng nhất để nói về cái “gian” của nhân dân/dân gian có lẽ phải tìm ở hệ thống các truyện “trạng”: “Trạng Lợn”, “Trạng Quỳnh”, “Xiển Bột”, “Ba Giai - Tú Xuất”... Thế đối đầu chủ yếu trong các truyện này phản ánh thế đối đầu xã hội giữa người ở vị thế yếu và kẻ ở vị thế mạnh, giữa người bị cai trị và kẻ cai trị. Các ông trạng đại diện cho ý chí của nhân dân/dân gian, đã tìm mọi cách để chiến thắng những kẻ cai trị mình, từ lão phú ông, tay địa chủ, viên quan huyện, các thái giám (quan thị), sứ thần nước Tàu, cho đến vua chúa, các ông cũng không tha.

Nhưng, hãy bình tĩnh xem cách các ông giành lấy chiến thắng: Không bao giờ các ông “dàn quân” ra để thực hiện những cuộc đối đầu trực tiếp, sức đấu sức, trí tuệ đấu trí tuệ, kỹ năng đấu kỹ năng. Mà luôn là những màn đánh lén, đánh úp, là ra đòn vào những vùng cấm, là những cái bẫy logic hình thức mà địch thủ ít ngờ v.v... Tiếng cười bật ra trong những tình huống ấy được nhiều nhà bình luận cho rằng đó là chiến thắng thể hiện sức mạnh của trí tuệ nhân dân/dân gian trước các tầng lớp cai trị/bóc lột trong xã hội có giai cấp.

Tuy nhiên, hiểu cho đúng thì tiếng cười ấy chỉ đơn giản là chiến thắng thỏa mãn ham muốn được trả đũa của kẻ yếu, chiến thắng có được bằng những mẹo vặt, thói láu cá, sự ranh ma... (dễ thấy điều này trong các truyện về Ba Giai - Tú Xuất, hai nhân vật dân gian hoạt động trong môi trường xã hội đang bắt đầu đô thị hóa và tư sản hóa, kiểu môi trường rất thuận lợi cho sự nảy sinh của lớp người mà K. Marx gọi là vô sản lưu manh). Mà như thế, quả đúng dân gian là “dân thì gian”, không sai.

Thời buổi này, khi đối diện với các “di sản phi vật thể”, người ta thường có thói quen nhanh tay dán lên đó cái slogan “Bảo tồn và phát huy”. Tôi không chắc cái sự “gian” của “dân”, như ta đã thấy, có phải là di sản phi vật thể hay không. Nhưng tôi chắc, trên con đường xây dựng một đất nước trưởng thành về mặt nhận thức, càng rũ bỏ được cái căn tính ấy sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Hoài Nam

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/dan-va-gian-607680/