Dân túy thoái trào?

Thất bại của Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) trong cuộc đua vào Nhà Trắng có thể là dấu hiệu về thời kỳ suy thoái của chủ nghĩa dân túy, mặc dù những bất bình về kinh tế, xã hội và chính trị nuôi dưỡng phong trào này vẫn đang tồn tại mạnh mẽ.

Ảnh: NYT

Ảnh: NYT

Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Erin Kristin Jenne tại Ðại học Trung Âu (Áo), Tổng thống Trump với tư cách nhà lãnh đạo dân túy của siêu cường duy nhất trên thế giới được xem là đồng minh lớn của nhiều chính phủ có chung hệ tư tưởng. Vì vậy, việc ông không thể tái đắc cử có thể giáng đòn nặng vào xu hướng dân túy toàn cầu, nhắc nhở các nhà lãnh đạo tán thành quan điểm tương tự về nguy cơ vận mệnh chính trị của họ cũng có thể thay đổi.

Hans Vorländer, Giáo sư khoa học chính trị tại Ðại học Kỹ thuật Dresden (Ðức), cho rằng tất cả những tư tưởng coi trọng nền chính trị phân cực trên toàn cầu đều phải chịu thất bại và việc ông Trump “rơi đài” là tín hiệu rõ ràng. Nhưng số khác nhìn nhận thông điệp lớn nhất từ kết quả ông Trump thua cuộc không phải là việc nó thay đổi những người theo chủ nghĩa dân túy như thế nào, mà liệu diễn biến này có tạo động lực dẫn đến loại bỏ xu hướng trên hay không.

Chủ nghĩa “kiểu Trump”

Theo cây bút David Axelrod của CNN, chính Donald Trump đã “đánh bại” Donald Trump trong kỳ bầu cử vừa qua. Bởi nhiều cử tri cho biết, họ không thích cá tính cũng như cách ông Trump thường xuyên dùng Twitter để bày tỏ quan điểm và công kích những người bất đồng. Tuy vậy, phần lớn cử tri mặt khác vẫn ủng hộ chính sách của tổng thống.

Ðiều này được phản ánh qua việc ông Trump giành nhiều phiếu phổ thông hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào trong lịch sử Mỹ (gần 72 triệu phiếu), trừ đối thủ Joe Biden (xấp xỉ 77 triệu phiếu). Và kể cả khi ông phải rời khỏi Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng phải nhìn nhận sức mạnh của chủ nghĩa dân túy “kiểu Trump” đang giúp họ bảo vệ nhiều nghị sĩ đương nhiệm trong cuộc đua ở Quốc hội (ngày 11-11, đảng Cộng hòa đã vươn lên dẫn trước đảng Dân chủ với số ghế 49-48 tại Thượng viện). Thậm chí tỉ phú 74 tuổi có rời nhiệm sở vào năm sau, phong cách cùng quan điểm chính trị của ông được dự đoán vẫn lan tỏa mạnh mẽ và có thể tồn tại thêm một thời gian. “Ông Trump thua cuộc nhưng chủ nghĩa Trump thì không” - chuyên gia Steve Smith nhận định.

Trên phương diện quốc tế, chính trị gia Norbert Röttgen đang cạnh tranh ghế thủ tướng Ðức cho biết sức hút Trump sẽ tiếp tục phủ bóng thông qua cách Mỹ gắn kết với thế giới trong bối cảnh bất bình về kinh tế, xã hội và chính trị đang nuôi dưỡng các phong trào dân túy và bài ngoại ở nhiều quốc gia vẫn chưa thoái trào, thậm chí còn được củng cố sau đại dịch COVID-19.

Vì lẽ này, Giáo sư Timothy Garton Ash nghiên cứu về châu Âu tại Ðại học Oxford (Anh) cho rằng cần thận trọng để kết luận cuộc bầu cử Mỹ mở đầu cho sự kết thúc của chủ nghĩa dân túy. Có thể tại Ðông Âu, sự ra đi của ông Trump khiến những người theo phong trào này trong khu vực gặp nhiều trở ngại. Chính Thủ tướng Hungary Viktor Orban thừa nhận, chiến thắng của Tổng thống Trump nằm trong “Kế hoạch A” của Budapest và chính quyền vốn không có dự định sẵn nào cho “Kế hoạch B”. Nhưng xu hướng trên không thật sự đúng ở Ðức và những quốc gia Tây Âu khác, nơi chủ nghĩa dân túy và cánh hữu được xem là một hiện tượng “cây nhà lá vườn”, trong đó nhiều người tuy coi Tổng thống Trump là biểu tượng nhưng không trực tiếp gắn liền lợi ích chính trị của họ với lãnh đạo Mỹ.

Lập luận trên được phản ánh rõ qua trường hợp người đứng đầu phe cánh hữu Pháp Marine Le Pen. Thời điểm làn sóng ủng hộ ông Trump đang ở đỉnh cao vào năm 2017, bà Le Pen lại chịu thất bại nặng nề trước Tổng thống Emmanuel Macron. Nhưng hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy bà Le Pen đã sẵn sàng trở cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2022 khi ông Macron không được lòng dân và tiếp tục bị phản đối trong đại dịch COVID-19. Còn ở Ý, các đảng cực hữu vẫn tiếp tục đẩy mạnh nền tảng chính trị vốn xuất hiện trước khi ông Trump làm tổng thống và được dự báo tồn tại lâu hơn nữa.

Khảo sát do Reuters/Ipsos tiến hành từ ngày 7-11 đến ngày 10-11 cho thấy 79% số người được hỏi công nhận ông Biden đã thắng, chỉ có 13% cho rằng kết quả bầu cử chưa được quyết định, 3% cho rằng ông Trump thắng và 5% không có ý kiến. Kết quả cũng cho thấy hầu như tất cả các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và cứ 10 người ủng hộ đảng Cộng hòa thì có 6 người cho rằng ông Biden đã thắng cử.

MAI QUYÊN (Theo New York Times)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/dan-tuy-thoai-trao-a127355.html