Dân Trung Quốc tẩy chay McDonald's, Starbucks?

Các hãng thức ăn nhanh của Mỹ như KFC, McDonald's hay chuỗi cà phê Starbucks… có thể bị sụt giảm doanh số tại thị trường Trung Quốc vì tâm lý 'bài Mỹ' của người tiêu dùng gia tăng.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ngày 27/8 dẫn đánh giá của các chuyên gia phân tích cho hay, tâm lý “tẩy chay” các sản phẩm Mỹ của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng có thể ảnh hưởng bất lợi đến các thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ tại thị trường đông dân nhất thế giới.

“Nhìn chung, đang có rủi ro lớn đối với các thương hiệu Mỹ tại Trung Quốc, nhất là những thương hiệu mang tính biểu tượng như Starbucks”, ông Shaun Rein, Giám đốc Công ty tư vấn China Market Research Group nhận định.

“Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cộng thêm chủ nghĩa dân tộc lên cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại, người tiêu dùng có xu hướng tẩy chay McDonald’s, Starbucks và chuyển sang các thương hiệu Trung Quốc”.

Trung Quốc vốn là thị trường quan trọng đối với các “đế chế” đồ ăn nhanh của Mỹ như Starbucks, KFC hay McDonald’s. KFC là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thị trường tỷ dân, với mạng lưới lên đến 8.200 cửa hàng trên toàn đất nước. Năm 2017, KFC đạt doanh thu 6,63 tỷ USD, chiếm 5,2% thị phần trong toàn thị thường đồ ăn nhanh.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng thờ ơ với các thương hiệu thức ăn nhanh của Mỹ?

McDonald’s, với doanh thu 3,14 tỷ USD, chiếm 2,4% thị trường. Kết quả nghiên cứu thị trường của Euromonitor International cũng cho thấy, một thương hiệu khác của Mỹ là Burger King chiếm 0,06% thị trường rộng lớn này. Qua đó, hãng Burger King đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, từ năm 1999 đến nay, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đã mở thêm 3.400 cửa hàng tại Trung Quốc. Hãng này đặt mục tiêu từ nay đến năm 2022 sẽ tăng thêm 600 cửa hàng mỗi năm và doanh thu tăng gấp ba lần so với năm 2017.

Tuy nhiên, kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ, doanh thu của các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh có chiều hướng chững lại và suy giảm. Doanh thu bán hàng quý II/2018 của Starbucks giảm 2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái doanh thu của hãng tăng 7%.

Quý II năm 2018, doanh thu bán hàng của chuỗi cà phê Starbucks tại Trung Quốc giảm 2%

Pizza Hut cũng gặp khó khăn, doanh thu của KFC cũng bất ngờ giảm khi các khách hàng trẻ chuyển hướng sang các thương hiệu trong nước, theo nhận định của Bloomberg.

Dù chưa có hãng nào công bố số liệu doanh thu chính thức song việc hoạt động kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi sự tẩy chay của người Trung Quốc là có thật. Theo các chuyên gia, người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng nghiêng về việc lựa chọn các thương hiệu trong nước do sự nổi lên của làn sóng dân tộc chủ nghĩa.

“Niềm tự hào dân tộc gia tăng là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển mạnh mẽ của các thương hiệu Trung Quốc. Năm 2017, các thương hiệu trong nước đã đóng góp khoảng 90% tăng trưởng doanh thu trên thị trường đồ ăn nhanh”, ông Jason Yu, Giám đốc nghiên cứu thuộc Kantar Worldpanel Greater China, phát biểu.

Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của các start-up nội địa, chẳng hạn như chuỗi cửa hàng Luckin Coffee tại Bắc Kinh. Để cạnh tranh với các thương hiệu nội địa, gần đây, Starbucks đã triển khai kế hoạch hợp tác với Ele.com, dịch vụ giao hàng của Tập đoàn Alibaba.

Chiến tranh thương mại chỉ càng khiến tư tưởng “bài Mỹ” thêm gia tăng trong tâm lý người tiêu dùng. Những thương hiệu Mỹ nổi bật như KFC không tránh khỏi việc bị người tiêu dùng “trút giận” khi Tổng thống Donald Trump sử dụng những biện pháp bảo hộ thương mại. Các chuyên gia nhận định, một số thương hiệu nội địa sẽ tận dụng cơ hội này để quảng bá sản phẩm của mình.

Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn rất chừng mực. Họ chỉ trích các chính sách của Chính phủ Mỹ chứ không phê phán các công ty Mỹ. Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây, nhiều người Trung Quốc tức giận vì họ thấy rằng đây không đơn thuần là cuộc chiến thương mại mà thực chất là chiến lược kiềm chế. “Ông Trump chỉ muốn có cớ để kiềm chế sự đi lên của Trung Quốc và những công ty Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn”.

Đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng Trung Quốc “trút giận” lên các sản phẩm nước ngoài trong bối cảnh xảy ra những căng thẳng về chính trị. Hồi tháng 7/2016, làn sóng tẩy chay các thương hiệu phương Tây ở Trung Quốc đã diễn ra sau khi Tòa án Trọng tài Quốc tế ở La Hay xử Philippines thắng trong vụ kiện liên quan đến Biển Đông. Khi đó, doanh thu của McDonald’s đã giảm 1%, trong khi trước đó vẫn tăng đều. Người dân Trung Quốc cho rằng Mỹ đã khuyến khích Philippines tiến hành vụ kiện.

Hàng chục cửa hàng của tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) tại Trung Quốc đã phải đóng cửa trong thời điểm diễn ra căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia

Còn vào tháng 9/2017, khoảng 80% trong số 112 cửa hàng Lotte Mart ở Trung Quốc đã phải đóng cửa trong hơn sáu tháng khi bị giới chức Trung Quốc thắt chặt thanh tra vệ sinh, an toàn còn người tiêu dùng thì tẩy chay. Lotte - tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc - đã mất hàng trăm triệu đôla Mỹ khi Bắc Kinh phản đối Seoul liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.

Tuy vậy, các “ông lớn” như Starbucks hay Burger King cho hay họ không cảm thấy quá lo lắng. Với những thương hiệu này, khi bước chân vào thị trường mới, họ đã lập kế hoạch kinh doanh cho cả 10 năm, thậm chí 20 năm. Họ hy vọng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm kết thúc trong vòng 6 - 12 tháng tới.

“Không miễn dịch hoàn toàn với các diễn biến địa chính trị song chúng tôi vẫn xác định kinh doanh dài hạn ở Trung Quốc”, đại diện Starbucks cho biết. “Trong 20 năm qua, chúng tôi đã đầu tư và làm việc chăm chỉ để giành được lòng tin của khách hàng Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư có liên quan tại đây”, vị này nói thêm. Trong khi đó, công ty sở hữu chuỗi nhà hàng Burger King cho biết trong thời gian tới, họ dự định mở hơn 150 cửa hàng cà phê tại Trung Quốc.

Thục Anh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/dan-trung-quoc-tay-chay-mcdonalds-starbucks-d2054561.html