Dân Trung Quốc mê cổ phiếu công ty thịt heo hơn tập đoàn công nghệ

Trong khi nhiều mã cổ phiếu công nghệ thống trị thị trường chứng khoán Mỹ, dân Trung Quốc thích đổ tiền đầu tư vào cổ phiếu các tập đoàn thực phẩm - đồ uống.

Theo Bloomberg, cổ phiếu của nhóm đại gia công nghệ (Big Tech) như Apple, Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google), Facebook, Netflix... chiếm tới 20% giá trị chỉ số S&P 500 tại Mỹ. Ngược lại, Big Food (các tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm - đồ uống) lại là tâm điểm của giới đầu tư Trung Quốc.

Chỉ số tiêu dùng CSI của thị trường này năm 2020 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Giá cổ phiếu của Muyuan Foods - công ty chăn nuôi lợn lớn tại Trung Quốc - tăng 88% (định giá 72 tỷ USD).

Giá trị vốn hóa của hãng sản xuất nước tương Foshan Haitian Flavoring & Food lên đến 88 tỷ USD, cao hơn tập đoàn dầu khí nhà nước CNOOC (55,5 tỷ USD).

Thống kê của CICC cho thấy tính đến cuối năm 2020, đầu tư của các quỹ tương hỗ tại Trung Quốc vào ba nhà sản xuất rượu và đồ uống lớn - bao gồm Quý Châu Mao Đài, Ngũ Lương Dịch và Lư Châu - còn lớn hơn đầu tư vàoTencent Holdings và Meituan. "Ở Trung Quốc, Big Food lớn hơn Big Tech", Bloomberg nhận định.

Các nhà đầu tư Trung Quốc "say" cổ phiếu của Quý Châu Mao Đài. Ảnh: Baidu.

Các nhà đầu tư Trung Quốc "say" cổ phiếu của Quý Châu Mao Đài. Ảnh: Baidu.

Giá cổ phiếu một số nền tảng công nghệ tăng cao cũng nhờ kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm. Định giá của ứng dụng giao đồ ăn Meituan đạt tới 300 tỷ USD. Theo iResearch, doanh số thực phẩm tươi sống online tại Trung Quốc có thể đạt 127 tỷ USD vào năm 2023, cao gấp đôi so với năm 2020.

Từ trang trại chăn nuôi lợn cho đến hãng rượu, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Trung Quốc vượt qua ngân hàng về tỷ trọng trong chỉ số chứng khoán CSI 300. Giá cổ phiếu trung bình của các doanh nghiệp ngành F&B Trung Quốc tăng 60% trong năm 2020, theo Bloomberg.

Đối tượng mua ồ ạt cổ phiếu của các công ty ngành F&B Trung Quốc là những nhà đầu tư tổ chức (công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí...). Theo thống kê của Haitong Securities, các quỹ ở Trung Quốc đổ 11,8% tổng tiền mặt vào cổ phiếu F&B, tỷ lệ chỉ sau ngành y tế.

Các công ty F&B trở thành “con cưng” của giới đầu tư nhờ khả năng đảm bảo dòng tiền. Ví dụ, doanh thu của Foshan Haitian liên tục tăng trên 10% từ năm 2012, trong khi lợi nhuận tăng cao hơn.

“Mua cổ phiếu của Foshan Haitian giống như sở hữu trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất 10-20%”, một chuyên gia nhận định. Trong khi đó, giá rượu Mao Đài luôn trên đà tăng trong suốt thập kỷ qua, có lúc đạt 20% vào đầu năm 2018.

Foshan Haitian là nhà sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: Fortune.

Ngoài ra, ảnh hưởng từ thời tiết (hạn hán, lũ lụt) hay dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2019 cũng khiến các công ty sản xuất hàng tiêu dùng trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư Trung Quốc.

Giá thịt lợn tăng phi mã từ giữa năm 2019 kéo theo giá rau xanh và các nhu yếu phẩm tăng vọt. Trong khi đó, các công ty thực phẩm - dù bán hàng trực tiếp hay thông qua ứng dụng giao hàng trực tuyến - lại tránh được rủi ro giảm phát so với các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ bong bóng cổ phiếu thực phẩm - đồ uống tại Trung Quốc. Trong 4 ngày giao dịch gần đây, cổ phiếu của nhóm này trượt dốc 8,5% sau khi ngân hàng trung ương thắt chặt thanh khoản và tăng lãi suất.

Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu của ngành F&B Trung Quốc đang rất cao, hiện lên tới 33 lần.

Hương Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-trung-quoc-me-co-phieu-cong-ty-thit-heo-hon-tap-doan-cong-nghe-post1187142.html