Dân trực tiếp bầu Chủ tịch Đà Nẵng: Người ủng hộ, người e ngại hình thức

Đề xuất dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND, các cựu chức Đà Nẵng có 2 luồng ý kiến, người ủng hộ cho rằng như vậy là mở rộng dân chủ, người e ngại đó chỉ là hình thức.

Trả lời VTC News, Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng ủng hộ đề xuất thí điểm dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Theo tôi đây cũng là cách để mở rộng dân chủ. Thật ra ý tưởng này không mới. Sinh thời, khi còn giữ chức Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh cũng từng đề xuất ý tưởng này. Nếu đề xuất này được Quốc hội chấp nhận, cử tri cùng lúc sẽ bầu HĐND và bầu Chủ tịch UBND”, ông Tiếng nói.

Ông Bùi Văn Tiếng cũng đề xuất thêm: “Sau khi đắc cử, Chủ tịch UBND vừa được cử tri trực tiếp bầu được quyền giới thiệu danh sách các ứng viên để Hội đồng nhân dân bầu giữ chức phó chủ tịch UBND”.

Nếu được Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm lần thứ 2 mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ giảm được một số công chức do không còn tổ chức HĐND ở các quận và các phường, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền thuế mà người dân đóng góp vào ngân sách thành phố.

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng.

Nhưng đó cũng chưa phải là điều chủ yếu mà Đà Nẵng được hưởng lợi từ việc thí điểm này. Điều thuận lợi chủ yếu là mô hình chính quyền đô thị sắp thí điểm cho phép chính quyền Đà Nẵng quản lý thành phố một cách “đô thị” hơn, phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lý của một đô thị - thường đòi hỏi phải tập trung và thống nhất trên cả địa bàn”, ông Tiếng nói.

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng phân tích thêm, một thuận lợi cũng rất đáng kể nữa là khi Đà Nẵng được phép thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó có động thái chủ tịch UBND cấp trên được trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch UBND cấp dưới - do không tổ chức hội đồng nhân dân cùng cấp để bầu, sẽ tạo điều kiện để Chủ tịch UBND Hoàng Sa được bổ nhiệm hợp pháp, chính danh, góp phần vào công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa bằng các giải pháp hòa bình.

Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng ủng hộ đề xuất người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng.

Theo ông Quốc, hiện nay chúng ta vẫn cứ làm thử nghiệm cho từng vùng, từng miền theo yêu cầu của địa phương, đó là giải pháp tình thế. Nhưng cần phải sớm có cái chung và trong cái chung ấy, quan trọng nhất là làm sao nâng được chất lượng về hệ thống dân chủ chứ không phải đi vào số lượng.

“Bây giờ đã giao số lượng ít nhưng phải có quyền lực thực sự. Mà một trong những quyền lực của người dân tốt nhất chính là trực tiếp bầu cử, để người dân bỏ phiếu, người dân chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình”, ông Quốc nói.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc dân chủ là cả một quá tình tập dượt, tiếp cận, rồi phải từ nhận thức của người dân: “Chúng ta không lấy chuẩn của ai được, nhưng càng để cho người dân được thực hiện quyền bầu cử trực tiếp thì càng tốt. Cũng như dư luận xã hội bây giờ càng ngày càng có vai trò quan trọng đối với việc điều chỉnh hành vi của những cán bộ”.

Ông Lê Tự Cường, Chủ tịch CLB Thái Phiên, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Đà Nẵng.

Không đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên, nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Đà Nẵng còn nhiều băn khoăn.

“Theo tôi, đó chưa hẳn là phương án tốt. Thật sự người dân không hiểu nhiều về công tác cán bộ và không đủ điều kiện đánh giá cán bộ để quyết định việc mình bầu nó chính xác không”, ông Cường nói.

Ông Lê Tự Cường cho rằng, nếu cho nhân dân bầu thì biết ông A, ông B... thế nào mà bầu.

Ông Cường còn cho rằng, những vị lãnh đạo sai phạm bị xử lý trong thời gian qua cho thấy họ sai phạm sau khi đã có chức.

Khi đã có chức, lòng tham nó mới phát sinh nhưng tổ chức quản lý lỏng lẻo nên họ có cơ hội để thực hiện dẫn đến sai phạm. Vì vậy, công tác hậu quản mới là mấu chốt”, ông Cường nhấn mạnh.

Các Đại biểu Quốc hội đề xuất thí điểm dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Về tổ chức một cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) gồm HĐND và UBND (quận và phường không tổ chức HĐND, UBND quận, phường chỉ gồm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường), ông Lê Tự Cường cho rằng đây không phải là chuyện mới.

Ông Cường nhắc lại, thực ra Đà Nẵng và 9 tỉnh, thành phố khác đã làm từ năm 2009 nhưng đến năm 2016 thì Quốc hội thông qua biểu quyết xóa bỏ, tổ chức lại HĐND cấp quận, phường.

Nguyên Trưởng Ban Dân vận Đà Nẵng nêu quan điểm: “Vấn đề là hiệu quả. Nếu tốt thì không chỉ riêng gì cho Đà Nẵng đâu mà cho cả nước. Anh làm thế nào đó mà nó hiệu quả hơn thì đó là đúng. Từ năm 2009 triển khai thì đã thấy có hiệu quả rồi, bởi thực sự HĐND cấp quận, phường vẫn rất nặng về hình thức”.

Trước đó, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Thảo luận về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị một cấp ở Đà Nẵng, đại biểu đề xuất thí điểm người dân bỏ phiếu bầu Chủ tịch UBND.

Vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền khi không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường được bàn thảo kỹ tại nghị trường.

Video: Kỳ họp Thứ 13 (bất thường) HĐND Đà Nẵng Khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021

XUÂN TIẾN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-nhanh-24h/dan-truc-tiep-bau-chu-tich-da-nang-nguoi-ung-ho-nguoi-e-ngai-hinh-thuc-ar548057.html