Đàn 'trâu vua' của Kù Cao Khải

Họa sĩ Kù Kao Khải có biệt danh 3K. Tên cúng cơm của anh là Cù Cao Khải (sinh năm 1978). Nhưng khi xuất hiện cách đây 8 năm với cái tên Kù Kao Khải, anh đã đoạt giải nhất với cụm tượng 'Chuyện quê 1' (2013). Sau đó tác phẩm này còn được giải Nhì (không có giải Nhất) trong triển lãm điêu khắc toàn quốc 10 năm (lần thứ 6). Kể là sự lạ. Ngày ấy tôi đã phi xe máy về Kim Tân (Ninh Bình) quê anh.

Giáo làng kể chuyện “Quê”

Từ thành phố Ninh Bình về làng Kim Tân huyện Kim Sơn chừng 45 cây số. Nơi đó chính là vùng đất khai hoang thuở danh sĩ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đến đây dẫn dắt mọi người đắp đê lấn biển. Nay nhà cửa đã mọc lên san sát nhưng Kim Tân và các làng ven đê vẫn là vùng đất còn hổn hển với hơi thở biển cả. Mênh mang sông nước với những làng vạn chài. Và tôi không hiểu vì sao Kù Kao Khải lại bỏ phố về lại nơi hẻo lánh này. Anh dạy học ở trường làng và lập xưởng vẽ.

Tôi đến tận trường cấp hai Kim Sơn tìm Khải. Không ngờ lúc đó anh đang cùng học trò quét vôi tường rào và trồng hoa chuẩn bị đón tết. Tôi lấy làm thú vị khi gặp một anh chàng nhìn có vẻ bặm trợn với gương mặt vuông vức và xù xì với chòm râu quai nón đen nhánh. Từ đó một già một trẻ quấn quýt hẹn hò cho đến nay. Anh nói cho tôi biết sẽ theo đuổi đến tận cùng những “Chuyện quê” ở vùng biển Kim Sơn.

 Trẻ em thích thú cưỡi “trâu vua”.

Trẻ em thích thú cưỡi “trâu vua”.

Có lần tôi nghe nói Khải không giao thiệp với ai, tập trung sáng tác. Khu vườn tượng của Khải xuất hiện một cái chuông lớn (cao 2.5m). Biểu tượng chuông là hình con cá gầy guộc trơ xương được treo trong một khung gỗ. Hai bên thành khung gỗ anh tạc những gương mặt ngư dân và nông dân với những nỗi lo toan cùng với ống khói và cống xả nước thải. Đó là một giá chuông báo động về sự hủy hoại môi trường.

Tiếng chuông thỉnh lên sự phẫn nộ và kêu cứu của người lao động đang sống trong nỗi sợ hãi. Hãy cứu lấy biển cả. Đó là chủ đề toát lên từ tác phẩm. Đây cũng là điêu khắc “Chuông” mà Kù Kao Khải đoạt giải Nhất năm 2017 của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó tác phẩm này còn đoạt giải Ba (không có giải nhất) trong triển lãm toàn quốc năm 2020. Tính đến nay họa sĩ Kù Kao Khải đã có tới 16 giải thưởng.

Họa sĩ Kù Kao Khải cưỡi “trâu vua”.

Lại nghe nói năm trước anh vào Đà Nẵng thực hiện một cuộc sắp đặt “vĩ đại” với đề tài “Bám biển”. Đó là tác phẩm sắp đặt lớn nhất từ trước đến nay. Một con tàu bị bỏ hoang được trục vớt ngoài biển Quảng Nam. Và cây đèn biển hoen rỉ được dinh về. Rồi những con cá khổng lồ bằng gỗ nữa cùng những con trai làm ngọc đầy biểu cảm.

Toàn sắt vụn và gỗ tạp được gom về và Kù Kao Khải đã kể những chuyện quê với tâm cảm rất nhân văn. Anh có biệt tài tưởng tượng mỗi khi vớ được những thanh gỗ hay những khung sắt bị bỏ rơi. Có năm anh dùng gỗ tạp đục con gà, con cá, con tôm, cua. Lại có năm anh khắc chuột đẫm sắc màu dân gian cùng những câu chuyện cổ tích. Dần dần những “Chuyện quê” của anh đã thổi những vấn đề bức xúc của cuộc sống hiện đại.

Con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp

Mới đây tôi lại được chứng kiến Kù Kao Khải làm đàn trâu với chủ đề “Trâu vua” từ tích trò chơi cưỡi trâu, phất cờ lau đánh trận của vua Đinh Bộ Lĩnh khi còn nhỏ. Đây là quê anh nên hình ảnh con trâu luôn hiển hiện và trở nên thân thiện. Tôi sực nhớ đến hình ảnh Nguyễn Công Trứ cưỡi bò rong chơi trên phố. Ngài đã được dân Kim Sơn thờ sống để tỏ lòng biết ơn ngài đã làm nên vùng đất bao la này.

Danh sĩ Nguyễn Công Trứ có những câu thơ để lại trên đất biển: “Ngồi buồn mà trách ông xanh. Khi vui muốn khóc khi vinh lại cười. Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Một khí phách ngang tàng và rong chơi đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn Kù Kao Khải. Dự án vườn “Trâu vua” (2021) của anh đang được hoàn thành. Vẫn là anh, một phong cách ghồ ghề, táo bạo.

Một số tác phẩm của họa sĩ Kù Kao Khải.

Hiện anh có tới mươi tác phẩm trâu được bày tại vườn nhà. Anh hồ hởi khoe đã gửi gắm được những ý tưởng độc đáo khi đục tượng. Đó là những con trâu đánh giặc và là đầu cơ nghiệp mang hơi thở thời đại. Anh thủng thẳng nói những quan niệm của ông cha vẫn còn hữu nghiệm rằng: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy thật là khó thay”. Anh nói biểu tượng “Trâu vàng” đã là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của dân tộc ta. Nó là linh vật được tôn vinh trong Sea Games 22. Chính vì thế, năm nay Kù Kao Khải tập trung khai hội xuân bằng đàn “Trâu vua”.

Tôi không ngờ Kù Kao Khải lại thuộc nhiều ca dao và tục ngữ về con trâu đến thế. Anh nói đó là những nét văn hóa dân gian được nhập hồn vào tác phẩm. Trong đó còn phải kể đến những hình ảnh trâu trên tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) và tranh làng Sình (Huế) luôn luôn gợi mở cho anh thể hiện những đường nét linh hoạt khi đục gỗ. Mỗi bố cục là một ý tưởng gắn với đời sống hiện đại và tâm linh. Đặc biệt chất liệu khi làm tượng anh đã kết hợp giữa gỗ với sắt và đá rất hiệu quả. Đó là những tác phẩm có chiều sâu trong kết cấu của hình tượng.

Đáng chú ý, tôi có cảm giác có sự chuyển động trong từng “Trâu vua”. Sự biến động này làm ngôn ngữ điêu khắc của Kù Kao Khải đẫm chất dân gian. Đó là khi các cậu bé có thể ngồi lên như trẻ chăn trâu và đọc sách. Chúng có thể thổi sáo và dong chiếc diều trên bãi biển cùng với những con nghé dễ thương này. Khi đến bên con trâu còn đang thủng thỉnh bên gốc chuối, Kù Kao Khải đọc mấy câu ca dao cổ: “Trâu ơi! Ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/ Cày cấy vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công…”. Nhìn anh, tôi ngỡ như một nông dân đang cặm cụi tạc những con trâu để cày trong khu vườn nhà mình.

Điều thú vị ở đàn trâu của Kù Kao Khải không thấy sự chậm chạp nặng nề cho dù đã dùng các chất liệu không hề nhẹ, nhất là khi dùng cả khối đá hay khung sắt làm thân mình trâu. Đặc biệt vẻ đẹp của những chiếc sừng trâu đã được thể hiện đúng với những quan niệm dân gian khi chọn trâu: “Sừng to móng hến” hoặc “Sừng to mở rộng là trâu đặc dụng”. Chính vì thế cặp sừng của “Trâu vua” nào cũng to rộng và thẳng. Đó là sự thể hiện của sức mạnh mà ông cha ta đã từng dùng trâu tham gia trong trận chiến. Đàn trâu trong vườn tượng của Kù Kao Khải thể hiện sự sinh động hóm hỉnh qua nụ cười và hiền từ qua đôi mắt thấm đẫm hồn quê.

Hầu hết các “Trâu vua” đều cao gần như trâu thật; nhất là cặp sừng trâu bao giờ cũng kiêu hùng to và rộng. Ví dụ như “Trâu vua” 6 của anh có kích thước: (150cmX65cm) và cao tới 135 cm. Bức tượng nào cũng được thiết kế linh hoạt với các khớp có thể chuyển động. Kù Kao Khải quan niệm tác phẩm sẽ hoàn chỉnh khi có người tham gia với trò chơi cùng “Trâu vua”. Người xem sẽ là một thành phần của tác phẩm. Chính vì thế những tác phẩm điêu khắc sắp đặt “Trâu vua” rất cuốn hút. Đó là sự mới lạ trong phong cách nghệ thuật Kù Kao Khải.

Lạc nhà nắm đuôi chó/ Lạc ngõ nắm đuôi trâu

Thật bất ngờ Kù Kao Khải đọc kể cho tôi câu chuyện về mười bức tranh trâu trong đạo phật. Đó là “Thập mục ngưu đồ” chỉ vẽ con trâu và chú bé mục đồng. Hình ảnh với những tư thế và tâm trạng khác nhau để họa lại tiến trình hành thiền trong cuộc sống. Trâu là biểu tượng gắn kết với triết lý phương Đông và đời sống nông nghiệp Việt hàng ngàn năm qua. Bộ “Trâu vua” của Kù Kao Khải đã ra đời trên cơ sở đó. Anh nói đây cũng chính là trâu vàng với ý nghĩa cao quý và trác việt trong triết lý khi nói về chòm sao Ngưu sao Đẩu.

Lát sau đến bên con trâu sắt của mình, Kù Kao Khải vuốt cặp sừng trâu rồi tâm sự, chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm, biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Vậy nên ở một số vùng quê còn có tục lệ vào giờ giao thừa người ta xem trâu đứng hay trâu nằm. Hoặc người nông dân còn xem trâu quay đầu vào trong hay ra ngoài để biết năm đó sẽ làm ăn ra sao. Sau đó anh vỗ vào cặp sừng tượng trâu rồi đọc câu ca dao: “Trâu to ngà, càng già đường kéo”.

Nhìn đàn “Trâu vua” với ánh mắt hiền từ cùng với hàm răng cười bên những cành hoa đào; tôi ngỡ như chúng đang chuẩn bị vào lễ “Tịch điền” mà vua Lê Đại Hành đã cày ruộng bên chân núi Đọi Tam ngày nào. Đó cũng chính là khởi đầu cho những mùa xuân hạnh phúc với hình ảnh con trâu rất được con người tôn trọng và yêu thương.

Vương Tâm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/dan-trau-vua-cua-ku-cao-khai-629096/