Dân tộc nào xây dựng tháp Chàm?

Ngoài hệ thống tháp Chàm nổi tiếng, đồng bào dân tộc này còn sở hữu nhiều di sản văn hóa độc đáo.

Người dân tộc xây dựng tháp Chàm

Hỏi:

Người dân tộc nào xây dựng tháp Chàm?

A. Dân tộc Ê Đê

B. Dân tộc Gia Rai

C. Dân tộc Chăm

D. Dân tộc Nùng

Đáp án:

C. Dân tộc Chăm

Tháp Chàm (đền tháp Chăm/Chămpa) là một trong những di sản nổi bật nhất của người dân tộc Chăm.

Theo Cổng thông tin điện tử Ủy ban dân tộc, cộng đồng người Chăm sinh sống ở miền Nam Trung Bộ từ rất lâu, từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ. Khoảng thế kỷ 17, người Chăm xây dựng được cả một Vương quốc Chăm Pa.

Tháp Chàm (Ảnh: Topsao).

Tháp Chàm (Ảnh: Topsao).

Trang phục truyền thống của người Chăm

Hỏi:

Trang phục truyền thống của người Chăm có điểm gì đặc biệt?

A. Khăn phủ trên đầu

B. Không có khăn phủ đầu

C. Trang phục màu đen

D. Không có gì đặc biệt

Đáp án:

A. Khăn phủ trên đầu

Trang phục của phụ nữ Chăm hầu hết có khăn phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, quấn theo lối chữ nhân, hoặc quàng từ đầu rồi phủ kín vai.

Cả phụ nữ và nam giới người Chăm đều quấn váy tấm. Đàn ông mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy, đàn bà mặc áo dài chui đầu. Chiếc áo này gồm 4 mảnh vải ghép dọc theo chiều đứng của thân người, ngoài ra còn có hai mảnh nhỏ ghép hai bên sườn. Có hai loại áo dài, một loại dài đến đầu gối, một quá gối, có hàng khuy bấm hoặc nút đính khi mặc bó sát eo hông.

Phụ nữ trẻ người Chăm mặc áo dài phủ chùm gót chân, ôm sát thân người khi mặc, phủ chùm lên váy, hai bên hông có một đường may mở ngay eo hông. Áo thường có màu xanh lục, hồng hay chàm.

Trong những chiếc áo dài, quấn váy tấm, phụ nữ Chăm đội mâm cơm, chiếc lu, nồi đất, lu nước... trên đầu di chuyển khắp nơi trong sinh hoạt hàng ngày. Hình ảnh quen thuộc này đã đi vào điệu múa dân gian của người Chăm (múa đội nước), được đồng bào yêu thích.

Trang phục truyền thống của người Chăm (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển).

Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm

Hỏi:

Địa danh nào dưới đây gắn liền với nghề làm gốm truyền thống của người Chăm?

A. Làng gốm Bát Tràng

B. Làng gốm Bàu Trúc

C. Làng gốm Chu Đậu

D. Làng gốm Thanh Hà

Đáp án:

B. Làng gốm Bàu Trúc

Làm gốm là một trong những nghề thủ công truyền thống của người Chăm (cùng với nghề dệt lụa tơ tằm), trong đó nổi tiếng nhất là gốm Bàu Trúc.

Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận) được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm.

Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông từ chối làm quan triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch).

Nét độc đáo của nghề làm gốm nơi đây là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao. Ở nhiều nơi, người ta dùng bàn xoay để nặn gốm, còn các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm với mẫu mã phong phú. Vật liệu làm gốm của người Chăm là loại đất sét được lấy bên bờ sông Quao, đem về đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được trộn vào tùy thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Gốm Bàu Trúc do đó hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác.

Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng.

Gốm Bàu Trúc (Ảnh: Tin tức du lịch).

Đám cưới của người Chăm

Hỏi:

Trong đám cưới của người Chăm, gia đình bên nào sẽ chuẩn bị lễ vật và đi hỏi cưới?

A. Gia đình nhà trai

B. Gia đình nhà gái

C. Chùa của người Chăm

D. Đền của người Chăm

Đáp án:

B. Gia đình nhà gái

Cộng đồng người Chăm phần lớn sống theo chế độ mẫu hệ, con gái chịu tất cả những chi phí cho việc cưới hỏi người chồng về làm rể. Con cái khi sinh ra sẽ mang họ mẹ.

Theo tài liệu của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chàng trai Chăm sẽ chủ động trong việc tìm người bạn tình. Khi biết và có tình ý với cô gái, chàng trai sẽ đến nhà gái chào hỏi, trò chuyện và tán tỉnh cho đến khi cô gái hiểu được tâm ý, chấp nhận tình yêu của mình. Lúc này gia đình nhà gái sẽ nhờ người mai mối đến xin phép và chào hỏi gia đình chàng trai, để cho hai gia đình cũng như hai bạn tình được qua lại tìm hiểu. Ngoài việc hợp tính cách, có tình cảm yêu thương, yếu tố quan hệ cộng đồng và môn đăng hộ đối trong gia tộc, dòng họ mang tính quyết định trong hôn nhân của người Chăm.

Khi đã chính thức quyết định lấy nhau, gia đình nhà cô gái sẽ chuẩn bị lễ vật như bánh ít lá chuối, bánh bông lan truyền thống, nải chuối chín, rượu và thịt hay khô cá đuối để mời họ hàng hai bên cùng thưởng thức. Trưởng tộc họ nhà cô gái sẽ đại diện để xin gia đình và dòng họ nhà chàng trai định ngày cưới chính thức...

Lễ cưới của người Chăm (Ảnh: Youtube).

Tết lớn nhất của người Chăm

Hỏi:

Đâu là Tết lớn nhất của người Chăm?

A. Tết Nguyên đán

B. Tết múa nước

C. Lễ hội Ok Om Bok

D. Tết Păng-Katê và Păng-Chabư

Đáp án:

D. Tết Păng-Katê và Păng-Chabư

Hai lễ lớn nhất trong năm được xem như Tết của người Chăm là Păng-Katê (diễn ra vào ngày 1/7 theo lịch Chăm, tức khoảng tháng 9 dương lịch) và Păng-Chabư (ngày 16/9 theo lịch Chăm, tức vào khoảng tháng 2-3 dương lịch).

Păng Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông trang, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, cho nên phải cử hành vào buổi sớm. Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm nên được cử hành vào buổi chiều tối.

Khác người Kinh tập trung đón Tết trong một vài ngày, Tết của người Chăm kéo dài cả tháng tùy điều kiện của từng gia đình. Vào sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể người dân tề tựu về ba nơi hành lễ tại tháp Chàm, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp. Các thầy Cả sư, phó Cả sư, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mai rùa) vừa xướng văn tế lễ, những bà Bóng sẽ dâng rượu và múa mừng.

Ngày mồng 2 Tết dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi cho đến ngày hết Tết đến lượt mọi người tổ chức ăn uống từ nhà này sang nhà khác. Bữa cỗ mời khách có đủ thịt (người Chăm theo đạo Bà la môn kiêng thịt bò, người Chăm theo đạo Hồi kiêng thịt lợn), bánh, hoa quả... Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ nên bạn bè, hàng xóm đều có thể đến chung vui thoải mái. Thời gian này, người Chăm còn tổ chức nhiều trò chơi, như: múa quạt, đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.

Tết của người Chăm (Ảnh: Lao động).

Nguyễn Trang

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/dan-toc-nao-xay-dung-thap-cham-78285.html