Dân tỉnh lẻ lo 'chạy' học cho con, mong bỏ 'rào cản' hộ khẩu

'Chạy' hộ khẩu, lót tay để xin học trái tuyến… là cách mà người dân ở quê ra thành phố sinh sống phải 'bấm bụng' làm, để có được một 'suất' cho con vào trường công lập.

Việc xin học cho con luôn khiến các ông bố bà mẹ lo lắng vì liên quan đến các thủ tục về hộ khẩu. Ảnh minh họa: Thảo Anh.

Nỗi lo dai dẳng của người “nhập cư”

Chị Thu Hương quê ở Xuân Trường (Nam Định) có 15 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

4 tháng nay, gia đình chị “chính thức được đoàn tụ” tại một căn phòng nhỏ, nằm tít sâu trong con ngõ trên phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội).

Dù 5 người phải ở chen chúc, nhưng bù lại được gần nhau.

Suốt 15 năm qua, gia đình chị Hương rơi vào vòng luẩn quẩn: Ở quê làm ruộng thì không đủ ăn. Lên thành phố, bố mẹ có công việc thì con cái lại khổ. Mà khổ nhất là chuyện xin học. Vì không có hộ khẩu, nên hai con đầu, đến tuổi đi mẫu giáo thì được học ở Hà Nội, lên lớp 1 đành gửi về quê “trăm sự nhờ ông bà”.

“Con gái cả vừa vào đại học. Thằng thứ hai do bố mẹ không ở gần kèm cặp, học hết lớp 9 là bỏ rồi” – chị nói.

Đứa thứ ba - đang 5 tuổi - chị đánh bạo đón lên Hà Nội, sau khi được “mách" bỏ 10 triệu là có thể “chạy” được một suất vào trường tiểu học công lập ở Hà Nội.

“Muốn xin được, người ta hướng dẫn tôi đi đăng ký tạm trú. Tôi có ra phường hỏi thủ tục và được hướng dẫn về xin xác nhận của công an xã ở địa phương.

Có được giấy xác nhận này, họ lại bảo tôi phải có bản sao giấy đăng ký kết hôn. Tôi lại nghỉ làm về quê để lấy. Lên đến nơi, họ tiếp tục yêu cầu thêm những giấy tờ khác, lằng nhằng mãi đến giờ vẫn chưa có được giấy tạm trú. Mỗi lần về quê như thế, tốn thêm tiền tàu xe.

Tôi đang tính nhờ một người quen cho con mình có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình họ. Hoặc làm theo lời của hàng xóm, “lót tay” cho cán bộ phường tiền uống nước để nhanh có được giấy tạm trú lo xin học cho con” – chị Hương buồn rầu.

Không riêng chị Hương, hàng vạn gia đình vốn xuất thân từ vùng quê (mà người thành phố vẫn gọi là dân tỉnh lẻ) hiện đang sinh sống và làm việc ở các đô thị, đều chịu chung nỗi khổ như thế.

Để xin học cho con, các gia đình không có hộ khẩu ở Hà Nội hay các đô thị lớn - dù đã mua được nhà, làm việc ở thành phố hàng chục năm - buộc phải lựa chọn giữa hai kịch bản: Bấm bụng “chạy” hộ khẩu, nhờ vả để xin học trái tuyến, hoặc cho con vào học trường tư thục với chi phí cao. Nếu không, họ đành gửi con về quê, gửi người thân chăm sóc.

Các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Cái khó “ló” cái nhiêu khê

Sổ hộ khẩu, từ một loại giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân, để quản lý về mặt dân cư, nhưng theo thời gian đã bị lạm dụng, trở thành một điều kiện để được sử dụng các dịch vụ xã hội. Cũng từ đó mà nảy sinh nạn nhũng nhiễu, tiêu cực.

Anh N.H.A (Thanh Trì, Hà Nội) vừa tốn gần 12 triệu đồng đưa cho “cò” để lo chuyển hộ khẩu ở quê lên Hà Nội, vì sang năm tới con anh vào lớp 1. Biết là tiếp tay cho tiêu cực, nhưng không còn cách nào khác.

Cầm cuốn sổ hộ khẩu được cấp trên tay, anh A bảo: “Có hộ khẩu, có nghĩa được đứng tên chủ quyền nhà, chủ quyền xe, thi lấy bằng lái xe, làm khai sinh cho con, xin cho con đi học. Còn nếu không có nó, chúng tôi thiệt thòi mà con cái cũng khổ”.

Thời gian qua, khi nghe thông tin bỏ sổ hộ khẩu, cùng với đó các bộ ngành đang rà soát bỏ các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, dân ngoại tỉnh vui như “mở cờ”. Họ mong mỏi bỏ các thủ tục liên quan đến hộ khẩu trong việc tuyển sinh đầu cấp, để mọi trẻ em mới được hưởng công bằng trong việc học tập.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

(Còn tiếp - Người thành phố cũng khổ vì hộ khẩu)

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/dan-tinh-le-lo-chay-hoc-cho-con-mong-bo-rao-can-ho-khau-577522.ldo