Dân Thủ Thiêm trong khu 4,3 ha muốn an cư trên nơi ở cũ

Cuối buổi đối thoại với các hộ dân Thủ Thiêm trong khu 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2), chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong Thay đã mặt lãnh đạo thành phố trong các thời kỳ 'tận đáy lòng mình chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm'. Tuy nhiên, nguyện vọng và cũng là đề nghị mà nhiều người dân cần đó là được an cư trên nơi ở cũ...

Hơn một tháng sau khi Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sáng 18.10, lãnh đạo UBND TP.HCM lần đầu đối thoại người với người dân nơi đây. Chủ trì cuộc gặp đối thoại với người dân là ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM. Ngoài ra, cùng ngồi bàn chủ tọa còn có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND thành phố TP.HCM và ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng ban Tiếp công dân TW.

Đông đảo người dân tụ tập, đề nghị được vào dự cuộc tiếp xúc với lãnh đạo UBND TP.HCM. Ảnh: Phú Thọ

Mặc dù thông tin từ trước, rằng Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ gặp gỡ, đối thoại với người dân và hôm nay là người dân ngoài ranh quy hoạch để lãnh đạo TP.HCM xin ý kiến về 11 vấn đề liên quan về chính sách bồi thường, nhưng đông đảo người dân ở các phường khác cũng đã có mặt từ sớm và đề nghị được vào dự. Và như dự kiến, chỉ có đại diện 30 hộ dân khu 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An) - được xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm - mới được vào. Điều này dẫn đến việc hàng chục người cầm băng rôn la hét phản đối, xô đẩy hàng rào bảo vệ, hoặc chặn đầu các ôtô biển xanh... khiến cả khu vực trước Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận 2 náo loạn. Cảnh sát và lực lượng chức năng quận 2 đã dựng hàng rào dã chiến để khu biệt đám đông, lập lại trật tự. Khung cảnh này tái hiện lại hình ảnh cách đây gần năm tháng, khi Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương có buổi làm việc với một số hộ dân đại diện đang khiếu kiện liên quan đến đất đai dự án Thủ Thiêm.

Trong khi đó, bên trong hội trường, đây là một trong những dịp hiếm hoi đông đảo người dân khu phố 1 được gặp nhau đông đủ đến vậy, sau những ngày tản cư vì nhà cửa họ tan nát, gia đình phải ly tán vì những "trận càn" cưỡng chế của chính quyền...

Chưa tìm được bản đồ, căn cứ vào đâu để xác định ranh 4,3ha?

Cuộc đối thoại mở đầu với ít phút mang tính thủ tục, khi ông Nguyễn Long Tuyền - Chánh Thanh tra TP.HCM, điểm lại kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Do khán phòng hạn chế số người nên nhiều người dân được bố trí ghế ngồi ở tầng trệt, theo dõi cuộc đối thoại được truyền trực tiếp qua loa và màn hình tivi. Đông đảo phóng viên cũng được bố trí phòng tác nghiệp riêng, chỉ một ít phóng viên được vào dự trực tiếp.

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An, quận 2), một trong những căn nhà còn sót lại trên đoạn đường Lương Định Của sau trận càn cưỡng chế. Ảnh: Trung Dũng

Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, đại diện tổ công tác giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách, hỗ trợ đền bù, cho biết đang khẩn trương rà soát pháp lý từng trường hợp nhà đất có phát sinh khiếu nại ở Thủ Thiêm.

Chủ tịch UBND quận 2 thông tin, tới thời điểm này vẫn chưa xác định được cụ thể có bao nhiêu hộ dân nằm trong khu 4,3 ha. Lý do ông Hưng đưa ra là, vì trước đây, bản đồ quy hoạch được cho là kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng (phê duyệt Thủ Thiêm vào năm 1996) là bản đồ vẽ tay, chưa có tọa độ xác định cụ thể. Ranh vẽ trong bản đồ trước đây cũng chỉ mang tính tương đối. Để có thể xác định được ranh chính xác tuyệt đối, phải có tọa độ cụ thể. Để làm rõ vấn đề này, cần thời gian và sự phối hợp giữa TP.HCM và các bộ ngành Trung ương mới có thể xác định được ranh giới, cắm mốc và làm cơ sở để tính toán cụ thể ranh giới 4,3 ha ở vị trí nào, trong khu vực đó có bao nhiêu ô phố, bao nhiêu hộ dân...

Tuy nhiên, về phương án tổng thể đền bù nhà đất bị ảnh hưởng liên quan đến khu đất 4,3 ha, theo như ông Hưng chia sẻ thì tổ công tác đã tính toán theo nguyên tắc hoán đổi đất. Trong khu 4,3 ha này, có nhiều loại hình sở hữu nhà đất: nhà sở hữu tư nhân, nhà sở hữu nhà nước, sử dụng đất công (chia thành loại có hợp đồng và không có hợp đồng thuê). Mỗi loại hình sở hữu có một phương án cụ thể riêng nên khi được HĐND TP.HCM thông qua sẽ triển khai.

Còn thông tin lúc điều hành cuộc đối thoại, ông Phong cũng cho biết, UBND TP.HCM đã có kế hoạch triển khai, thành lập hai tổ công tác để giải quyết chính sách hỗ trợ bồi thường cho người dân. Có 11 vấn đề cần giải quyết, trong đó 10 vấn đề liên quan đến các hộ dân trong ranh, một vấn đề với các hộ ngoài ranh. Theo ông Phong, các nội dung đang được gấp rút triển khai vì theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, các vấn đề phải thực hiện trước ngày 30.11.

Về thực hiện đo đạc, lập, thẩm định, ký duyệt bản đồ xác định ranh giới phần đất khoảng 4,3ha, UBND TP đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác do giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường đứng đầu. Sở này đã rà soát các tiêu chí xác định ranh và có văn bản xin ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - môi trường. Sau khi có bản đồ được duyệt, UBND quận 2 xác định cụ thể số hộ dân bị ảnh hưởng.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận 2 là vậy, nhưng người dân lại nghĩ khác. Ông Nguyễn Văn Thạch mở đầu cho tiếng dân bằng việc đặt vấn đề: "Chính quyền căn cứ từ quyết định nào, bản đồ nào để xác định ranh khu đất 4,3 ha nằm ngoài ranh?". Bằng những lập luận chậm mà chắc, người đàn ông từng là trưởng ban điều hành khu phố 1, xã đội trưởng phường Bình An, tự tin: "Nói thì hơi nâng tầm quan điểm chứ ở nơi này có khi từng mét đất chúng tôi cũng biết rõ". Để chứng minh điều mình nói, ông Thạch cùng một số người dân trưng ra bản đồ, chỉ dẫn rành rọt từng lô đất, dãy nhà ở khu phố 1.

Nhà bị cưỡng chế, lao đao đủ nghề trong cuộc mưu sinh, và "bị cắt chức, chỉ còn khai trừ Đảng là họ chưa dám làm thôi", ông Thạch hiểu được sự phẫn uất, cảm được cảnh cùng cực và nhìn ra được nguyện vọng của những người đồng cảnh ngộ với mình: "Tôi đề nghị thành phố không làm tình hình căng thẳng thêm. Tại sao lãnh đạo không gặp hết người dân bị ảnh hưởng mà chỉ chọn một số người đại diện như thế này. Lãnh đạo đừng sợ dân, chúng tôi bảo đảm sẽ giữ trật tự. Dù bị cắt hết chức vụ nhưng tôi đảm bảo tôi nói bà con sẽ nghe, sẽ trật tự để thảo luận".

Ông Thạch khẳng định toàn bộ khu phố 1 đều nằm trong 4,3 ha, đồng thời còn cho biết, rất muốn cuộc tiếp xúc cử tri sắp tới sẽ được gặp Bí thư Thành ủy TP.HCM để nêu các ý kiến với tư cách là người trong tổ chức, về trách nhiệm chính trị liên quan đến Thủ Thiêm.

Cám ơn ông Thạch vì những thông tin chứng tỏ là người am tường và gắn bó với vùng đất này từ rất lâu rồi, ông Phong còn đề nghị giám đốc sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM khi phối hợp bộ Tài nguyên và môi trường trong quá trình đo đạc xác định ranh quy hoạch thì cần lắng nghe ý kiến ông Thạch: "Trên tinh thần phải vì quyền lợi của người dân. Đối với dân là không có tính toán, phải hết lòng vì quyền lợi người dân." - ông Phong chỉ đạo.

Ông Nguyễn Văn Thạch bật khóc khi kể lại câu chuyện của mình tại buổi gặp mặt. Ảnh: Zing

Tiếp lời ông Thạch là một người dân có nhà bị cưỡng chế khác - ông Lê Văn Lung. Ông Lung là một trường hợp đặc biệt khi xuất hiện với tư cách là người dân có nhà - đất trong khu 4,3 ha, đồng thời đại diện cho nhiều hộ dân khác trong hành trình khiếu nại, khiếu kiện lâu nay. Ông Lung khẳng định: "Bà con chúng tôi đi khiếu nại, tố cáo bao nhiêu năm nay, ở trên đơn chúng tôi đứng tên là người dân 5 khu phố thuộc 3 phường (khu phố 5, 6 phường An Khánh; khu phố 1, 2 phường Bình Khánh; khu phố 1 phường Bình An). Bà con chúng tôi chưa hề có khiếu nại riêng nào cho khu vực 4,3 ha là nằm ngoài ranh. Bà con chúng tôi khiếu nại, tố cáo là cho dân cả 5 khu phố thuộc 3 phường".

Ông Lung cho hay về mặt tính chất, kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ không phải là kết luận để giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo theo đúng như nội dung tố cáo của ông và bà con. Ông Lung còn phân tích: "Theo trình tự giải quyết khiếu nại và tố cáo, thì những đơn từ của bà con chúng tôi đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thụ lý đơn, và chỉ đạo cho lãnh đạo Thanh tra chính phủ phối hợp các bộ, ngành TW phải tiếp xúc làm rõ những nội dung tố cáo khiếu nại. Kiến nghị là của người dân 5 phường nhưng công bố trong kết luận chỉ giải quyết riêng cho phần đất 4,3 ha, đó là điều bất hợp lý".

Chưa hết, ông Lung cũng phản biện lại ý kiến của Chủ tịch UBND quận 2 về vấn đề ranh quy hoạch, vì "một khi không xác định được ranh theo Quyết định 367/QĐ-TTg (4.6.1996), nghĩa là không tìm được bản đồ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ thời ấy phê duyệt, thì Thanh tra Chính phủ lấy cơ sở nào để đối chiếu với quy hoạch chi tiết 1/2000, để biết rằng phần đất đó nằm ngoài ranh quy hoạch (theo Quyết định 367)?". Theo ông Lung cách đây 10 năm thanh tra thành phố đã kết luận các hộ dân khu phố 1 nằm ngoài ranh nhưng vẫn đập phá, cưỡng chế: "Mặc dù bà con chúng tôi kêu cứu, khiếu nại khắp nơi nhưng không ai nghe. Diện tích 4,3 ha này không phải đến ngày hôm nay mới phát hiện. Những vị quan chức thành phố, quan chức quận 2 thời gian đó phải chịu trách nhiệm việc đập phá nhà cửa, khiến chúng tôi tha phương mười mấy năm nay".

Ông đề nghị với những người dân đã nhận tiền đền bù, nhiều người đã sinh sống ở nơi khác thì chính quyền cần xây dựng phương án giải quyết, đền bù như thế nào cho phù hợp. Riêng những bà con đấu tranh, không nhận tiền đền bù cho đến ngày hôm nay thì cứ thực hiện như quan điểm của Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 vào chiều 20.6.2018, rằng: Nếu đất ngoài ranh thì không phải di dời.

Dân muốn an cư trên nơi ở cũ

Nguyện vọng được trở về, an cư trên nền đất cũ tại khu phố 1 của ông Lung đã chạm được tâm tư của nhiều người dân khác. Người may mắn giữ được nhà sau "trận càn" cưỡng chế, hay cất căn chòi tạm mong muốn được tiếp tục an cư tại nơi ở cũ thì đã đành, có những người vì bức bách hoặc ấm ức phải nhận tiền đền bù và tha phương, nay cũng muốn trả lại tiền để về lại mảnh đất cũ của mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, người phụ nữ từng xuất hiện trong bài viết Người ở lại Thủ Thiêm, đăng tải trên Người Đô Thị, khẳng định: "Chúng tôi đi đấu tranh vì lẽ phải chứ không chống đối chính quyền. Thông báo của Thanh tra Chính phủ chỉ là báo cáo kiểm tra chứ hoàn toàn không phải là thanh tra toàn diện dự án đô thị mới Thủ Thiêm như nguyện vọng của chúng tôi. Chính quyền đừng áp đặt nữa, người dân chúng tôi không còn gì để mất". Bà Phượng cho biết nguyện vọng của bà cũng như nhiều hộ dân không phải đi đòi 4,3 ha.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng chỉ vào vị trí căn nhà của bà trên bản đồ treo trên vách. Sau khi bị cưỡng chế, bà dựng lều cắm chốt giữ đất, mãi sau này mới cất được cái chòi tôn. Ảnh: Trung Dũng

Địa chỉ B26/9 đường Lương Định Của (khu phố 1, phường Bình An, quận 2) từng là tổ ấm của gia đình bà Phượng. Đến lần cưỡng chế thứ ba, ngôi nhà thành bình địa. Gia đình tan tác. Chồng con chia nhau tá túc nhà bà con. Riêng bà quyết định ở lại, quẩn quanh trên cái nền ngổn ngang gạch vụn. Rồi gian chòi quây tôn, nền rải đá dăm, nội thất không có gì đáng giá. Cái ghế bố vừa làm chỗ ngả lưng, vừa làm chỗ ngồi khi có khách ghé thăm. Chồng bà cũng được liệm trên cái ghế bố này. Ông qua đời tháng 10.2016. Nguyện vọng trút hơi tàn trên mảnh đất của chồng bà không thực hiện được. Đám ma làm tại nhà bà con bên quận Gò Vấp. Xe hòm đi thẳng ra nhà thiêu. Người đã khuất không kịp “nhìn” ngôi nhà của mình lần cuối...

"Việc thu hồi sai một miếng đất, cưỡng chế một căn nhà là lấy đi cuộc đời, một thế hệ của cả một gia đình. Nếu đã giải quyết thì phải gặp người dân, chứ đừng áp đặt. Hiện nay không có bản đồ quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất, khi xử lý phải theo luật pháp, chứ không phải theo chỉ đạo. Nói nhà tôi nằm ở đâu, phải có bản đồ cho tôi xem. Đừng căn cứ vào cái không có để thu nhà, đập phá nhà người dân... Đừng dùng quyền lực nữa. Chính quyền dùng quyền lực thì chỉ làm cho người dân phẫn uất, mà phẫn uất thì không còn sợ gì nữa. Hãy giải quyết theo đúng luật pháp", bà Phượng bày tỏ.

Bà Lê Thị Kim Diện, một người dân bị cưỡng chế nhà, phải ấm ức rời xa khu Thủ Thiêm, tiếp lời: "Ngày đó, nếu gia đình tôi không đi thì bị cưỡng chế". Bà cũng nêu quan điểm người dân thực sự không muốn chống đối chính quyền, chỉ muốn cuộc sống yên ổn. Bà từng gia nhập nhóm dân mất đất đi đấu tranh đòi quyền lợi. Cũng thời điểm này do gia đình kinh doanh, làm ăn thua lỗ. Khi đồng ý chuyển đi, nhà bà được chính quyền quận đưa ra hai lựa chọn trong bảng chiết tính: hoán đổi một căn chung cư 47,26 m2, nếu không đồng ý được đền bù 727 triệu đồng. Biết là bị ép nhưng cùng cực quá, sợ bị chủ sợ siết nợ nên đã đồng ý và số tiền này chỉ đủ để thanh toán nợ nần. "Nay biết được tin nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch, tôi xin được trả tiền lại cho chính quyền và nhận lại đất của mình ở trước đây. Chính quyền làm sai thì phải sửa sai", bà Diện đề nghị, đồng thời xin được gửi năm bộ hồ sơ của 5 hộ dân khác với những đề đạt nguyện vọng tới lãnh đạo thành phố.

4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, nằm tại góc đường Lương Định Của - Trần Não - đường 34 - đường 35. Ảnh: Zing

Bà Lê Thị Cẩm Vân, tự nhận cũng là một "nạn nhân" của khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp thêm vào mạch tự sự người dân vì áp chế phải ra đi: "Năm 2013 tôi và chồng (thượng tá công an - PV) đồng tình ký giấy đồng ý nhận tiền đền bù vì nghĩ đều là đảng viên, phải chấp hành trước, khiếu nại sau. Mà cho dù không chấp hành cũng bị cưỡng chế nhà. Chồng tôi cũng vì phẫn uất, khổ tâm vì chuyện này mà tai biến, mấy lần nhập viện. Sau đó chồng tôi đành quyết định đồng ý nhận tiền, nhưng bảo lưu quyền khiếu nại nếu trường hợp sau này đất của nhà tôi không nằm trong ranh khu đô thị mới.

Tôi đã từng tự tin, và nay còn tự tin hơn nữa là nhà tôi không thuộc trong ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nguyện vọng duy nhất là chúng tôi được lấy lại đất của mình, không đồng ý hoàn đổi gì cả. Đồng thời phải bồi thường cho gia đình tôi tổn thất về tinh thần trong những năm qua. Trong thời gian cưỡng chế, Đảng ủy phường Bình An liên hệ với Đảng ủy nơi chồng tôi công tác đề nghị giám sát một thời gian rất dài, và cũng vì những phẫn uất, khổ tâm đó mà chồng tôi phải nghỉ hưu sớm, rồi đau bệnh và mất." Bà vân cũng cho biết, nhiều người hàng xóm của bà trước đây vì nhiều lý do phải nhận tiền ra đi, nay họ có chung nguyện vọng là được trở về an cư trên mạnh đất cũ ở khu phố 1...

Chủ tịch UBND TP.HCM xin lỗi người dân Thủ Thiêm

Sau gần ba giờ đối thoại và lắng nghe ý kiến của đại diện các hộ dân, trong phần phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định Khu đô thị mới Thủ Thiêm được xác định là công trình trọng điểm của thành phố nên trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực và cố gắng để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư với mong muốn làm sao thúc đẩy phát triển khu đô thị này. Tuy nhiên ông Phong cũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình đầu tư xây dựng dự án Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố đã có một số vi phạm thiếu sót khuyết điểm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ảnh ưởng đến quyền lợi của một số ngời dân trong địa bàn, nhất là người dân trong khu 4,3 ha ở khu phố 1 (phường Bình An).

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, trao đổi với những người dân khu phố 1 phường Bình An. Ảnh: Dân Sinh

Ông Phong thừa nhận UBND thành phố nhận thấy một số ngành có liên quan đã thiếu lắng nghe và chưa thể hiện thái độ cầu thị, chưa kịp thời giải quyết khiếu nại kiến nghị của người dân tới nơi tới chốn để kéo dài tâm ký bất an, hoài nghi của một số hộ dân: "Thay mặt lãnh đạo thành phố trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian qua khi thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm, xin chia sẻ những hy sinh của những gia đình, hộ dân vì sự phát triển của thành phố mà phải rời nơi gắn bó từ tấm bé. Tôi rất xin lỗi!", ông Phong nói.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cũng cam kết, từ các sai phạm trên thành phố đã xây dựng ngay kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp của người dân, nhà đầu tư, xử lý trách nhiệm những tổ chức cá nhân sai phạm: "Những sai phạm của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm khắc".

Khẳng định "thành phố sẽ có phiên họp HĐND bất thường giải quyết chính sách cho người dân Thủ Thiêm", ông Phong đồng thời cũng cho biết dự kiến đầu tháng 11, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục gặp gỡ để lắng nghe các trường hợp khác.

"Việc xác định ranh, đo đạc sẽ thực hiện sao cho bà con đồng ý. Sẽ còn nhiều cuộc tiếp xúc nữa, và sẽ thông tin tới bà con. Thành phố đã sai rồi, xin lỗi rồi và đang sửa sai. Những gì chưa làm được, các bác cứ nói, chúng tôi lắng nghe, thu thập thông tin, không áp đặt", Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp chi sẻ. Ảnh: Trung Dũng

Phát biểu tại cuộc đối thoại, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận vấn đề Thủ Thiêm, bà cũng như Chủ tịch UBND thành phố đã nghe mọi người trình bày nhiều năm nay: "Đối với vấn đề Thủ Thiêm cô bác đã có ý kiến từ nhiều năm nay rồi. Tôi về đây ứng cử bảy năm đã nghe cô bác nói vấn đề này". Nhận thiếu sót với người dân về việc chậm trễ giải quyết khiếu nại, tố cáo, bà Quyết Tâm cam kết: "Hôm nay tôi dự với đồng chí chủ tịch UBND thành phố với tinh thần lắng nghe, ghi nhận toàn bộ ý kiến của cô bác cũng như giám sát quá trình mà UBND thành phố sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và sự chỉ đạo của ban thường vụ."

Bà Tâm thông tin: "Có ý kiến cô bác cho rằng một số đồng chí trước đây là lãnh đạo quận 2, chỉ đạo việc thu hồi đất ở quận 2, bây giờ thành phố giao cho giải quyết vấn đề của quận 2 thì liệu có khách quan không? Hôm nay tôi khẳng định, lãnh đạo phải thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Tập thể ban thường vụ Thành ủy, đứng đầu là đồng chí Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân hiện nay đang theo dõi toàn bộ sự việc. Tinh thần của Bí thư thành ủy là giải quyết nhanh, trên tinh thần lắng nghe, thảo luận với người dân. Khi đã thống nhất được với người dân phương án để khắc phục hậu quả như Chính phủ khẳng định là cái gì làm sai thì phải sửa, cái gì thuộc về ngân sách của thành phố để giải quyết vấn đề này thì HĐND thành phố sẽ tổ chức những kỳ họp để xin ý kiến".

Một lần nữa, Chủ tịch HĐND TP.HCM khẳng định: "Đây là vấn đề thành phố nhận thức là đã làm sai rồi. Ai làm sai người đó sẽ chịu trách nhiệm nhưng cán bộ đương nhiệm phải chịu trách nhiệm giải quyết và có tập thể giám sát vấn đề này và lãnh đạo chỉ đạo. Và tất nhiên cô bác cũng là những người giám sát xem quá trình giải quyết vụ việc, vấn đề nào cô bác chưa đồng ý thì chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp tục thảo luận.

Việc giải quyết cho bà con chính quyền hiện tại phải có trách nhiệm và đang được lãnh đạo quyết tâm thực hiện. Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm nhưng chính quyền hiện tại phải chịu trách nhiệm khắc phục vấn đề này, không đổi lỗi cho ai hết", bà Tâm cho biết.

Song Ngô

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dan-thu-thiem-trong-khu-4-3-ha-muon-an-cu-tren-noi-o-cu-15912.html