Dấn thân để kể câu chuyện đến cùng

'Không bỏ cuộc'- tác phẩm tôi dành nhiều thời gian, công sức nhất, cũng là tácphẩm mang đến cho tôi nhiều bài học quý giá nhất. nó không chỉ phản ánh quyết tâmcủa những nhân vật trong phóng sự, mà đó chính là tinh thần của ê kíp sản xuất khi đãkhông bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách gặp phải trong quá trình thực hiệntác phẩm.

Đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Chamalé Roai tháng 4/2019. Ảnh: TGCC

Đề tài từ những người lính

Tôi may mắn biết được đề tài khi Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Ninh Thuận tuyên truyền, vận động đồng bào người Raglai đồng ý cho quy tập hài cốt liệt sĩ vào tháng 7/2018 qua một phóng sự ngắn. Ấn tượng với hành trình bền bỉ, nhiều tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ ở đây và nhìn thấy tính mới của đề tài về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã thôi thúc tôi bắt tay ngay vào thực hiện tác phẩm này.

Bởi việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ thường khó vì thiếu thông tin. Còn ở Ninh Thuận sự khác biệt trong phong tục bỏ mả làm cho cái khó tăng gấp bội phần, nhiều gia đình biết vị trí nằm lại của liệt sĩ nhưng nhất quyết không cho cất bốc. Với người Raglai, cất bốc hài cốt là chuyện bất thường, không được phép do quan niệm ma quỷ và những điều không may thân nhân gia đình sẽ gặp phải.

Tác giả Phạm Khánh. Ảnh: TGCC

Dù đề tài có chi tiết mới, cần triển khai ngay, tuy nhiên để làm được tác phẩm này, không dễ dàng cho phép chúng tôi ghi hình. Một phần do điều kiện đi lại xa xôi và phần nhiều phải phụ thuộc vào thực tế các buổi đi tuyên truyền, vận động và nhất là sự đồng ý cho cất bốc hài cốt của thân nhân gia đình liệt sĩ.

Sau khi tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng về các trường hợp gia đình đang được vận động, chúng tôi đã quyết định chọn gia đình liệt sĩ Chamalé Roai ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận làm nhân vật chính cho phóng sự của mình. Đến thời điểm chúng tôi thực hiện tác phẩm cũng là một thời gian dài các đoàn đến vận động gia đình, tuy nhiên gia đình dứt khoát đồng ý. Do huyện Thuận Nam có 6 gia đình biết vị trí chôn cất liệt sĩ nên cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận xác định phải vận động bằng được gia đình liệt sĩ Chamalé Roai để làm gương trong cộng đồng... Lúc cùng đoàn đến nhà, lúc ghi hình trên nương, mãi đến tháng 4/2019, 4 người con của liệt sĩ Chamalé Roai mới đồng ý cho cất bốc hài cốt cha mình về nghĩa trang tỉnh.

Trèo đèo lội suối tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TGCC

Trèo đèo lội suối tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TGCC

Để có những thước phim chân thực

Nhiệm vụ vận động đã hoàn thành, nhưng với cán bộ, nhân viên Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận và ê kíp chúng tôi, đây mới chỉ giải quyết được một phần công việc. Một hành trình gian nan mới, hành trình vào rừng sâu cất bốc hài cốt liệt sĩ chính thức bắt đầu... Quãng đường hành quân bộ với gần 90km đường rừng và phải mang theo nhiều quân tư trang, lương thực và nhiều máy móc ghi hình là một thử thách lớn với chúng tôi.

Đã có những lo ngại từ chính cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận khi việc chúng tôi không theo nổi đoàn hay gặp vấn đề sức khỏe sẽ rất nguy hiểm giữa rừng sâu. Nhưng với chính tinh thần “Không bỏ cuộc” ê kíp chúng tôi quyết tâm lên đường để cố gắng ghi lại chân thực nhất hành trình gian nan, vất vả của đoàn tìm kiếm. Những ngọn núi cao, những con đường mòn vắng người qua lại... và cả những bữa cơm ăn vội, ngủ rừng với những cơn mưa rừng bất chợt khiến chúng tôi vô cùng vất vả và khổ sở.

Tôi không thể nào quên được những thời điểm leo lên những ngọn núi cao, đá lởm chởm, chỉ đi được vài chục mét đã phải nghỉ vì vai đau, thở không ra hơi, và những đêm rừng lạnh lẽo, có hôm tỉnh giấc từ 3h cho đến sáng. Nhưng chính những khó khăn đó đã giúp chúng tôi có được những khuôn hình sinh động, chân thực và có sức lay động nhất. Và cũng thật may mắn khi đến nơi liệt sĩ Chamalé Roai nằm lại, chỉ cách vài chục phân cả đoàn đã reo lên vì sung sướng khi thấy được những di vật của ông vẫn còn gần như vẹn nguyên sau 50 năm nằm lại nơi rừng hoang, đất lạnh...

Không bỏ cuộc. Ảnh: TGCC

Sau hành trình đi vận động và tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ Chamale Roai, chúng tôi cũng đã trực tiếp đi cùng đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận đến vận động gần 10 gia đình người đồng bào Raglai ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn và Thuận Nam. Sau hơn 1 năm theo đuổi đề tài, đến cuối tháng 10/2019, khi hoàn thành tác phẩm “Không bỏ cuộc”, chúng tôi đã 3 lần được chứng kiến và ghi lại khung cảnh xúc động, linh thiêng khi đưa các liệt sĩ trở về. Chính những cảnh quay chân thực đó đã giúp tác phẩm mang đến nhiều cảm xúc và thấy rõ hơn hành trình bền bỉ, giàu ý nghĩa mà cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận đã và đang thực hiện.

Với chúng tôi, khi hoàn thành phóng sự “Không bỏ cuộc” cũng muốn đóng góp sức nhỏ để lan tỏa những tấm gương gia đình Đảng viên, gia đình người dân tộc Raglai đã đi đầu làm gương trong cộng đồng. Bởi hiện nay, toàn tỉnh Ninh Thuận vẫn còn gần 500 hài cốt liệt sĩ là người đồng bào Raglai vẫn nằm lại đâu đó giữa núi rừng mênh mông trùng điệp.

Tôn trọng tín ngưỡng, phong tục của đồng bào, nhưng nếu đã biết vị trí các liệt sĩ an nghỉ mà không thể cất bốc thì đó lại là nỗi đau, nỗi day dứt, trăn trở rất lớn của những cán bộ, đảng viên làm công tác chính sách. Do vậy, từng ngày họ vẫn đang phải chạy đua với thời gian, sớm đưa các anh hùng liệt sĩ về bên đồng đội thân yêu, để các thế hệ con cháu đời đời ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống cho đất nước hòa bình, tươi đẹp hôm nay./.

Phạm Khánh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/dan-than-de-ke-cau-chuyen-den-cung-n19893.html