Dấn thân, cống hiến hết mình

Dấn thân, cống hiến, nỗ lực hết mình để tạo ra các tác phẩm báo chí hay, góp phần ngăn chặn cái xấu, lan tỏa cái đẹp, nhân rộng điều hay lẽ phải là trách nhiệm của tập thể Báo Người Lao Động, để luôn xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc

Ngày 21-6, lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV năm 2019 và lễ trao Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38 năm 2020 cùng diễn ra tại TP Hà Nội và TP HCM, đúng dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2020).

Trong ngày hội chung của đội ngũ những người làm báo, Báo Người Lao Động vinh dự được góp mặt 1 tác phẩm đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV và 8 tác phẩm đoạt Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho các tác giả và tập thể Báo Người Lao Động đã nỗ lực hết mình để có những tác phẩm hay, có sức lan tỏa lớn, hiệu ứng tác động xã hội cao, được đông đảo bạn đọc ủng hộ.

Phóng viên Lâm Huỳnh Tấn Nguyên và Võ Hoàng Triều của Báo Người Lao Động (từ trái qua, hàng đầu tiên) được trao giải nhất với tác phẩm “Câu chuyện về ông chủ “ATM” gạo”. Ảnh: TẤN THẠNH

Phóng viên Lâm Huỳnh Tấn Nguyên và Võ Hoàng Triều của Báo Người Lao Động (từ trái qua, hàng đầu tiên) được trao giải nhất với tác phẩm “Câu chuyện về ông chủ “ATM” gạo”. Ảnh: TẤN THẠNH

Với tập thể Báo Người Lao Động, tác phẩm - chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIV và giải nhất Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38) là một công trình đặc biệt. Chia sẻ tại buổi giao lưu trong lễ trao Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhìn nhận có theo chân ngư dân ra khơi xa, đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mới thấy sự thiêng liêng, cần thiết hơn bao giờ hết những lá cờ Tổ quốc trên đường biên của đất nước. Ở đó, mỗi con tàu gắn cờ Tổ quốc là một "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam. Chương trình hình thành từ đó và đến nay, sau một năm triển khai, đã trao và ký kết trao hơn 100.000 lá cờ Tổ quốc cùng thuốc men, vật tư y tế cho ngư dân 12 tỉnh, thành có biển, 3 tỉnh có đường biên giới trên bộ. Sắp tới đây, chương trình tiếp tục đưa cờ Tổ quốc đến ngư dân 28 tỉnh, thành có biển; phối hợp với lực lượng Hải quân đưa cờ Tổ quốc ra 33 đảo, điểm đảo, 15 nhà giàn ở thềm lục địa phía Nam. "Tập thể Báo Người Lao Động quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa để chương trình lan tỏa sâu rộng, góp phần tạo ra phong trào lớn, khơi dậy lòng yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân" - ông Tô Đình Tuân bày tỏ.

Hội đồng Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38 đánh giá hầu hết tác phẩm đoạt giải báo chí năm nay phản ánh đa dạng, có chiều sâu trên tất cả lĩnh vực. Trong đó, nhiều tác phẩm khơi dậy và phát huy tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, tình cảm tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, các giới, kiều bào, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển TP HCM - TP văn minh - hiện đại - nghĩa tình. Tác phẩm - chương trình "Lắng nghe người dân hiến kế" (giải khuyến khích Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38) là một công trình tập thể đầy tâm huyết của Báo Người Lao Động với mong muốn làm cầu nối để bạn đọc hiến kế vì sự phát triển của TP HCM. Công trình tập thể này đã tạo ra được diễn đàn lớn, thu nhận được 74 bài viết cùng 115 chia sẻ, ý kiến, hiến kế quý báu của bạn đọc, giới chuyên gia ở các lĩnh vực cải cách hành chính, quy hoạch đô thị, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục... Lãnh đạo UBND TP HCM đánh giá cao, ghi nhận các hiến kế của bạn đọc do Báo Người Lao Động tập hợp qua công trình này.

Mỗi tác phẩm báo chí được kết tinh từ trí tuệ tập thể và sự sáng tạo, dấn thân của mỗi cá nhân. Và để có được những tác phẩm báo chí tiêu biểu, nhất là trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, vai trò cá nhân, sự dấn thân của mỗi nhà báo càng rõ nét. Với nhà báo nữ, chỉ có tình yêu nghề mãnh liệt, khát khao cống hiến mới giúp họ vượt qua khó khăn, bất chấp rủi ro, hiểm nguy để thực hiện tuyến đề tài này. Trong nhóm tác giả thực hiện loạt bài điều tra "Thâm nhập thế giới làm đẹp" (giải ba Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38), nữ phóng viên trẻ Trần Thái Ý Linh đã mất gần 2 tháng đóng vai người học việc để thâm nhập các cơ sở làm đẹp "chui". "Cứ mỗi lần giáp mặt với các đối tượng xăm trổ, bảo kê, dắt mối, nói thật tôi rất sợ. Đến khi loạt bài khép lại, tôi vẫn chưa thôi ám ảnh về những cuộc phẫu thuật kinh hoàng trong các "lò" đào tạo này. Sau khi tác phẩm được đăng, chúng tôi còn nhận không ít lời đe dọa đến tính mạng. Nhưng vì độc giả, vì sức khỏe, sinh mạng con người nên chúng tôi không chùn bước" - chị Trần Thái Ý Linh chia sẻ.

Bày tỏ niềm vui khi tác phẩm "Câu chuyện về ông chủ "ATM" gạo" đoạt giải nhất Giải Báo chí TP HCM lần thứ 38, nhà báo Hoàng Triều bộc bạch: "Dấn thân, cống hiến, nỗ lực hết mình để tạo ra các tác phẩm hay nhằm định hướng dư luận, ngăn chặn cái xấu, lan tỏa cái đẹp, nhân rộng điều hay lẽ phải là trách nhiệm của nhà báo".

Với 8 tác phẩm tiêu biểu được vinh danh, Báo Người Lao Động xem đây là nguồn động viên to lớn, là động lực, quyết tâm để tiếp tục làm tốt chức phận của mình, xứng đáng với sự tin cậy của bạn đọc.

DUY QUỐC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dan-than-cong-hien-het-minh-20200622010423641.htm