Dán tem 'giữ danh' cho vải thiều Thanh Hà

Còn giữ được cây vải tổ 200 năm tuổi, huyện Thanh Hà (Hải Dương) được coi là nơi khởi phát của nghề trồng vải thiều ở Việt Nam. Cây vải từng đóng góp tới 30% giá trị thu nhập ngành nông nghiệp của huyện. Thanh Hà đang nỗ lực bảo vệ thương hiệu vải thiều địa phương, đồng thời xúc tiến tiêu thụ vải cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Có tên mà vẫn bị “lợi dụng”

Vải thiều Thanh Hà là loại nông sản đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (từ năm 2007). Vậy nhưng trong hơn 10 năm qua, tên tuổi của loại đặc sản này vẫn bị “lợi dụng” khi người ta mang vải nơi khác đến gắn “mác” Thanh Hà để bán với giá cao.

Người dân Thanh Hà thu hoạch vải thiều. Ảnh: T.L

Huyện Thanh Hà có khoảng 6.702ha cây ăn quả, trong đó diện tích vải là 3.865ha, chiếm 35% diện tích đất nông nghiệp; diện tích vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính đạt 100ha. Năm 2017, giá trị thu nhập từ vải thiều đạt 800 tỷ đồng, năm 2018, dự kiến con số này là 1.000 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Thiện - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện cũng thừa nhận điều này và cho biết, ngay tại đất Thanh Hà, người ta cũng mang vải từ nơi khác đến bán dưới cái tên vải Thanh Hà, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đặc sản địa phương.

Ông Thiện chia sẻ, vải thiều Thanh Hà khi chín có vỏ màu hồng sáng, mỏng, gai lì, lớp vỏ lụa dai, hạt nhỏ, tỷ lệ phần thịt quả cao hơn. Vải thiều Thanh Hà có vị ngọt đậm, hương thơm mát đặc trưng; giữ hương vị lâu. Nét đặc trưng của sản phẩm này với vải nơi khác là độ giòn của cùi, cùi vải ráo, khi bóc không bị chảy nước.

Ông Đỗ Hoàng Thạch - Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Việt cũng nêu một thực tế, dù vải thiều Thanh Hà chính vụ chưa vào mùa nhưng nhiều nơi ở Hà Nội đã rao bán vải thiều Thanh Hà, điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến uy tín của loại đặc sản đã có tên tuổi hàng trăm năm.

Đây chính là lý do khiến năm nay, lần đầu tiên Công ty CP Tập đoàn An Việt sẽ phối hợp với UBND huyện Thanh Hà dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm vải Thanh Hà. Theo đó, tài khoản quản trị và mã truy xuất sẽ do 25 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của huyện khai thác sử dụng. Mỗi bộ mã có 2 mã truy xuất cho vải sớm, vải thiều và sử dụng mã QR để thực hiện truy xuất trên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản.

“Chỉ cần sử dụng phần mềm trên điện thoại thông minh là người tiêu dùng cũng có thể nhận biết sản phẩm vải này sản xuất ở đâu, giá cả ra sao... Lãnh đạo huyện sẽ đảm bảo sản phẩm vải được dán tem truy xuất nguồn gốc đạt chất lượng tốt nhất với nguồn gốc rõ ràng nhất” - ông Thiện nói.

Việc dán tem hiện tại tập trung dán vào các thùng hàng sản phẩm vải quả, túi đựng sản phẩm vải quả. Số lượng dán tem truy xuất nguồn gốc khoảng 20.000 - 25.000 tấn. Ông Thiện hy vọng, việc dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm vải thiều Thanh Hà chính hiệu, không còn tình trạng “mập mờ đánh lận con đen” như hiện nay.

Mở rộng sản xuất theo GlobalGAP

Theo ông Thiện, nét mới trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều của huyện Thanh Hà trong vụ này là, ngoài việc hướng đến thị trường truyền thống là Trung Quốc, huyện đang kết nối với các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ tại nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác.

Ông Thạch cho biết, bên cạnh việc phân phối sản phẩm tại các cửa hàng, siêu thị, năm nay An Việt sẽ tổ chức thêm các đợt bán hàng lưu động tại các khu chung cư; đồng thời tổ chức Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội nhằm đưa đặc sản vải thiều chính gốc phục vụ người dân Thủ đô với quy mô khoảng 100 gian hàng.

“Đặc biệt, năm nay chúng tôi đã ký hợp tác với một doanh nghiệp chuyên về kho lạnh để bảo quản quả vải lâu hơn khoảng 1-2 tháng, vừa giảm áp lực mùa vụ vừa giúp người tiêu dùng có thể thưởng thức vải thiều chính hiệu ngay cả khi mùa thu hoạch đã kết thúc” - ông Thạch nói.

Theo thống kê, Thanh Hà hiện có khoảng 4.000ha vải, sản lượng khoảng 35.000 tấn, điều đáng mừng là phần lớn diện tích vải đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có khoảng 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Mỹ.

“Các ngành chức năng của huyện luôn khuyến cáo người dân sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, bởi ngoài 6 chất cấm tuyệt đối không được sử dụng thì mỗi thị trường lại có những đòi hỏi khác nhau. Nếu như Mỹ quan tâm tới dịch hại và các loại thuốc phòng trừ dịch thì EU đặc biệt chú trọng tới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, kể cả những chất không bị cấm nhưng dư lượng vượt ngưỡng cho phép cũng bị loại bỏ” - ông Thiện cho biết thêm.

Để nâng cao chất lượng vải thiều, giúp sản phẩm thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính, huyện Thanh Hà đang chủ trương mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP lên khoảng 500ha, các diện tích còn lại đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Năm 2017, đã có nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm vải cho nông dân như Công ty Rồng Đỏ, Công tư Hưng Việt…, chủ yếu tiêu thụ tại TP.HCM và xuất khẩu đi Canada, Úc, Pháp… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 35-40 điểm thu mua vải của các hộ dân. Cũng trong năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Hà đạt 2.123 tỷ đồng thì riêng cây vải đóng góp 800 tỷ đồng với gần 21.000 tấn quả.

Dù còn quá sớm để nói về kết quả của vụ vải này vì còn phụ thuộc vào thị trường, nhưng ông Thiện dự báo, với giá vải như hiện nay, cộng với sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp trong việc liên kết tiêu thụ vải thiều, dự kiến Thanh Hà thu về khoảng 1.000 tỷ đồng từ cây vải trong năm 2018.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/dan-tem-giu-danh-cho-vai-thieu-thanh-ha-882958.html