Đàn tế hơn 600 tuổi nguyên vẹn nhất Việt Nam

Đàn tế Nam Giao gắn liền với sự ra đời của vương triều Hồ. Đây là đàn tế còn lại nguyên vẹn nhất và có thể được xem là quý giá nhất Việt Nam hiện nay.

 Đàn Nam Giao hay đàn Nam Giao nhà Hồ là một di tích thuộc di sản thế giới Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia, đây là nơi hàng năm triều nhà Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.

Đàn Nam Giao hay đàn Nam Giao nhà Hồ là một di tích thuộc di sản thế giới Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia, đây là nơi hàng năm triều nhà Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.

Đàn Nam Giao nay thuộc địa giới hành chính xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía đông nam. Di tích này cách TP Thanh Hóa khoảng 45 km về phía tây bắc theo quốc lộ 45.

Theo sử sách, năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ và lập kinh đô mới Tây Đô. Vua Hồ Quý Ly có con trai trưởng Hồ Nguyên Trừng - người luôn đưa ra nhiều kế sách hay và miệt mài với việc đúc súng Thần công để chiến đấu chống ngoại xâm. Còn con trai thứ Hồ Hán Thương - người lại đưa ra các chính sách liên quan đến tâm linh. Năm 1402, Hồ Hán Thương xây dựng Đàn tế với ý nghĩa linh thiêng tế thần Trời, thần Đất. Đàn tế có diện tích hơn 2 ha, nằm trên núi Đún Sơn, xã Cao Mật xưa (nay là xã Vĩnh Thành).

Với sự tác động của thời gian, khí hậu, con người, đàn Nam Giao dần trở thành phế tích, bị quên lãng trong lòng đất qua nhiều thế kỷ. Khu di tích đàn Nam Giao được phát hiện, đưa vào thống kê từ những năm 80 của thế kỷ XX.

Năm 1990 cụm di tích lịch sử văn hóa gồm đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng (Tường Vân), chùa Giò (Nhân Lộ) và đàn tế Nam Giao thuộc xã Vĩnh Thành được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Những bí ẩn của đàn Nam Giao Tây Đô bắt đầu được hé lộ từ năm 2004 cho đến hiện nay qua kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ. Tháng 10/2007, đàn Nam Giao được công nhận là di tích khảo cổ cấp Quốc gia. Từ năm 2004 đến năm 2016, đàn Nam Giao Tây Đô đã qua 4 lần nghiên cứu khai quật với tổng diện tích 18.000 m2. Việc nghiên cứu vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên phần lớn kiến trúc chính với quy mô và cấu trúc của di sản đã được nhận diện.

Dấu tích con đường Thần đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn. Trước kia, con đường chính này dẫn Vua cùng các triều thần đứng đầu Triều đình tiến về nơi linh thiêng nhất để làm lễ tế.

Ngay trên con đường Thần đạo, Cung Vua nằm bên trái, hiện vẫn chưa khai quật hết. Tương truyền, Vua phải qua Cung trước 7 đến 10 ngày để trai giới (nghỉ ngơi, ăn chay, đánh cờ và tĩnh dưỡng) trước khi lễ tế diễn ra. Nghĩa là, chỉ khi vua trở thành một vị vua "chay tịnh" mới có thể hành lễ. Điều đó mới cầu được "thiên thời, địa lợi, nhân hòa, quốc thái, dân an". Còn ngược lại, năm đó sẽ hạn hán, mất mùa, đói khát kéo dài triền miên. Trong ảnh, đàn tế chính hình tròn, có đường kính 4,7 m - nơi tế thần Trời, thần Đất theo quan niệm Trời tròn - Đất vuông của vũ trụ.

Vì sự linh thiêng đó, hiện ngự nơi cao nhất của Đàn tế có 2 bài vị để du khách về thắp nén hương tưởng nhớ tới kinh đô tráng lệ một thời của Việt Nam. Hai bài vị khắc tên chữ Hán với tiêu đề Hạo Thiên Thượng Đế (thờ Trời) và Hoàng Địa Kỳ (thờ Đất).

Quá trình khai quật, nhà khảo cổ cũng tìm ra Giếng Vua, còn gọi Ngự Dục, Ngự Duyên. Giếng hầu như còn nguyên vẹn, gồm 9 thành bậc, sâu 5,6 m, có kết cấu ngoài vuông giữa tròn.

Giếng được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng. Ở độ sâu khoảng 10 m so với nền đàn trung tâm, các nhà khảo cổ đã tìm ra mạch nước của giếng cổ. TS Trần Anh Dũng - người trực tiếp tham gia khai quật và tôn tạo giếng cho hay khi xưa giếng được xây để phục vụ cho việc tế gia và trai giới trước khi làm lễ tế.

Cùng với các di tích kiến trúc, nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hiện vật thuộc nhiều loại hình và chất liệu, phản ánh trình độ kỹ thuật và mỹ thuật thời đại như gạch bìa có hình dáng khối hộp chữ nhật, chiếm số lượng nhiều nhất.

Ngoài ra, các loại ngói lá đề có số lượng khá phong phú. Thân lá đề hình chiếc lá, riềm hình răng cưa, hai mặt in nổi hình rồng 4 chân, ngực tỳ xuống phần cuống, thân uốn hình sin. Đuôi rồng ở phần mũi lá đề. Miệng rồng nhả ngọc, mào hình tam giác bay, bờm hình sin, bay về phía sau cổ, chân trước vuốt râu.

Theo TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, cho đến thời điểm này, đây là đàn tế Nam Giao còn lại nguyên vẹn nhất và có thể được xem là quý giá nhất Việt Nam. Cùng với các di tích khác, đàn Nam Giao đã hợp thành một quần thể kiến trúc đặc trưng của triều Hồ. Di sản đã góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế xã hội của triều Hồ. Đàn tế Nam Giao đã góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc và đưa tổng thể di tích Thành nhà Hồ trở thành Di sản Thế giới.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397. Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất. Nơi đây từng được xem là kinh đô, trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại, công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Dấu tích nền móng của cung điện xưa kia giờ vẫn đang ẩn mình đâu đó dưới những ruộng lúa bãi ngô.

Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liêp Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thành cũng được CNN đánh giá là một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới.

Gia Hân - Nguyễn Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-te-hon-600-tuoi-nguyen-ven-nhat-viet-nam-post1176731.html