Dân tái định cư khổ sở vì chủ đầu tư thủy điện Đăk Đrinh chậm đền bù

Người dân tái định cư ở Kon Tum khổ sở vì chủ đầu tư thủy điện Đăk Đrinh chậm đền bù.

Đến nay đã gần 5 năm nhường nhà cửa, ruộng vườn cho công trình thủy điện Đăk Đrinh chuyển tới khu tái định cư, song cuộc sống của gần 200 hộ dân ở xã Đăk Nên, (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) vẫn vô cùng bấp bênh.

Cạnh cổng chào làng Xô Luông có nhiều ngôi nhà tái định cư bị bỏ hoang.

Cạnh cổng chào làng Xô Luông có nhiều ngôi nhà tái định cư bị bỏ hoang.

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh, thuộc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam vẫn chưa hoàn thành việc đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, dù thủy điện có tổng công suất 125MW này đã hoàn thành phát điện từ năm 2013.

Khu tái định cư làng Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có hơn 40 hộ dân. Sau gần 5 năm nhường nhà cửa đất đai cho thủy điện Đăk Đrinh chuyển tới đây, hiện cả làng chỉ còn 9 hộ bám trụ tại nơi ở mới. Những dãy nhà tái định cư vắng bóng người mặc cỏ dại trùm lấp tạo cảm giác hoang lạnh.

Bên trong một ngôi nhà tái định cư bị bỏ hoang ở làng Xô Luông.

Anh Đinh Văn Tối, một người dân làng Xô Luông còn bám trụ ở khu tái định cư trầm ngâm: 57 hộ dân làng Xô Luông quần tụ ngày nào giờ thành ly tán. Ngoài 11 hộ bất chấp nguy hiểm kiên quyết không chuyển tới khu tái định cư ngay từ ban đầu, hàng chục hộ đã nhận nhà tại nơi ở mới rồi cũng bỏ đi.

Anh Tối cho biết có nhiều nguyên nhân khiến người dân bỏ khu tái định cư tìm nơi khác sinh sống.

Dãy nhà tái định cư bị bỏ hoang ở làng Vương.

“Lý do nước uống là không có. Rồi đất đai làm cũng không có nên mấy người dân chạy về hết. Rẫy 1ha làm hết rồi bữa nay bên Tu Rét cấm không cho làm do là bên huyện, tỉnh không trả tiền cho họ”, anh Tối nói.

Không chỉ phải chịu đựng cuộc sống không bằng nơi ở cũ, có những mâu thuẫn tại nơi ở mới cũng đã nảy sinh. Đầu năm nay nhiều hộ dân ở làng Tu Rét có 84 ha đất nương rẫy địa phương thu hồi đã làm dấu theo phong tục của người Xơ đăng cấm các hộ tái định cư 2 làng Vương và Xô Luông sản xuất.

Ông A Tăng, Bí thư Chi bộ và cũng là già làng Tu Rét cho biết, đất này chính quyền địa phương thu hồi 4 năm trước để cấp cho hộ tái định cư. Cái bụng của người dân Tu Rét không muốn cấm bà con làng Vương, Xô Luông sản xuất nhưng chờ đợi quá lâu mà chưa được nhận tiền đền bù nên người dân Tu Rét bảo nhau làm vậy.

Người dân tái định cư thủy điện Đăk Đrinh mỏi mòn chờ đợi.

“Đất Nhà nước thu hồi lâu rồi. Riêng tiền hoa màu chi trả rồi. Tiền đất cứ hứa năm này năm sau hứa miết. Do đó là bà con bức xúc. Bức xúc của bà con không phải số ít mà là số nhiều. Do đó đến năm nay bà con tự nghiên cứu. Các hộ làm dấu cấm cho làng Vương, Xô Luông đừng phát lại để Nhà nước nghiên cứu tại sao dân làm thế?”, anh Tăng cho hay.

Việc gần 5 năm đã trôi qua mà Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Đrinh vẫn chưa hoàn thành bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đang để lại nhiều hệ lụy. Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Đăk Nên cho biết, đến nay vẫn còn những hộ dân chưa được nhận tiền hỗ trợ gạo ăn.

Đất sản xuất theo phương án mỗi hộ 2 sào lúa nước, tiền hỗ trợ tự khai hoang thêm 2 sào nữa cùng với 1ha đất rẫy thì hộ có hộ không.

Ông Ka Ngọc Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cám cảnh, bởi vậy một trong nhiều việc mà chính quyền xã Đăk Nên luôn rất vất vả kể từ khi di dân tới nơi ở mới, đó là duy trì an ninh trật tự địa bàn.

“Không có đất sản xuất thì họ cũng chẳng biết làm gì. Nếu mà không vận động, động viên họ sẽ mất an ninh trật tự tác động xấu trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội của xã”, ông Nguyên nói.

Sau rất nhiều lần UBND huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum làm việc với Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh cam kết trước ngày 20/10/2018 sẽ chuyển cho UBND huyện Kon Plông trên 57 tỷ đồng còn lại để bồi thường, hỗ trợ đối với những hạng mục cấp bách nhất. Thế nhưng đến nay hơn 5 tháng đã trôi qua số tiền mà huyện Kon Plông nhận được mới chỉ là trên 16 tỷ 700 triệu đồng.

Ông Trương Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, Phó Ban quản lý di dân huyện Kon Plông cho biết, không có tiền để hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ tái định canh, định cư như cam kết trước khi di dời, lòng tin của người dân tái định cư thủy điện Đăk Đrinh với chính quyền địa phương, với đơn vị làm công tác di dân ngày càng giảm sút.

“Người dân rất nhiều ý kiến kiến nghị với địa phương và địa phương cũng nhiều lần tuyên truyền, vận động hứa với người dân nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Do đó niềm tin của người dân đối với chính quyền có rất nhiều sa sút. Chính quyền mất niềm tin, người dân chịu thiệt thòi đó là người dân đã nhường đất nơi ở cũ, chấp nhận hy sinh không gian sống nơi ở cũ tái định cư. Tuy nhiên nơi ở mới chưa có đất sản xuất người dân không có công ăn việc làm dẫn đến an ninh trật tự cũng không được ổn định”, ông Minh cho hay.

Cách đây gần 5 năm việc vận động người dân di dời nhường đất cho dự án thủy điện Đăk Đrinh đã khó, thì nay việc vận động người dân định cư tại nơi ở mới còn khó hơn bội phần. Tình trạng hộ dân bỏ khu tái định cư tìm nơi khác sinh sống xảy ra ở cả 4 khu tái định cư của xã Đăk Nên.

Trong đó nhiều nhất là 2 làng Vương và Xô Luông số hộ bỏ đi tới hơn một nửa. Không có bàn tay con người những dãy nhà tái định cư bỏ hoang nhanh chóng xuống cấp. Đa số hệ thống nước sinh hoạt tự chảy cũng đã… tự hỏng khiến những hộ còn bám trụ phải đi hứng nước giọt sống qua ngày. Sau gần 5 năm nhường nhà cửa đất đai cho dự án thủy điện Đăk Đrinh, gần 200 hộ dân với trên 800 nhân khẩu ở xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vẫn đang phải sống khổ sở do những chậm trễ trong công tác bồi thường, hỗ trợ của chủ đầu tư dự án thủy điện./.

Khoa Điềm/VOV - Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/dan-tai-dinh-cu-kho-so-vi-chu-dau-tu-thuy-dien-dak-drinh-cham-den-bu-892765.vov