Dân số Việt Nam: Vừa 'vàng' đã già hóa

Già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng dân số chưa cao... là những thách thức trong công tác dân số hiện nay mà Việt Nam phải đối mặt.

Chính sách dân số của Việt Nam chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Ảnh: Ngọc Hải.

Còn đó nhiều thách thức

Nước ta chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng (số lượng người trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc) từ năm 2007. Từ đó đến nay, sau hơn 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhìn nhận của các chuyên gia cũng khẳng định, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh hơn rất nhiều các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình cho biết, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta đã đạt 10%, tức là bước vào giai đoạn già hóa. Ở nhiều nước, để trở thành nước có dân số già phải mất 50 đến 70 năm, thậm chí cả trăm năm, nhưng theo dự báo, Việt Nam, chỉ mất khoảng 27 năm. "Dù tốc độ già hóa nhanh nhưng Việt Nam lại chưa có sự chuẩn bị tốt để thích ứng một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy giá trị cho người cao tuổi", ông Tân nói.

Ngoài ra, theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, dù đang ở thời kỳ "dân số vàng" nhưng chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn rất nhiều hạn chế. Theo đó, nhu cầu việc làm tăng nhưng sức bền, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, sức khỏe của một bộ phận người Việt vẫn còn nhiều vấn đề do công tác dự phòng bệnh tật chưa tốt.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, mỗi năm có tới hàng trăm triệu lượt người khám, chữa bệnh tại bệnh viện, trung tâm y tế và phòng khám đa khoa. Hiện cả nước có khoảng 2,6 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, theo số liệu được cung cấp bởi Vụ Bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế, hiện nay số trẻ bị dị tật bẩm sinh đang chiếm từ 1,5- 2%, tức là hiện có khoảng 22.000 - 30.000 trẻ em có bệnh tật bẩm sinh do chưa làm tốt công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Một thách thức nữa trong công tác dân số mà Việt Nam đang gặp phải đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Điều tra biến động dân số 2016 cho thấy, tỷ số chênh lệnh giới tính khi sinh ở nước ta duy trì ở mức 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái và tại thời điểm tháng 6/2017 là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao. Tỷ số này tăng liên tục trong 5 năm từ 115,3 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2009) tăng lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2014). Nếu tình trạng này tiếp tục không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường.

Bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, vấn đề không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực gặp phải đó là chênh lệch giới tính khi sinh. Thực tế này sẽ làm cho các nước trong khu vực phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng.

Chuyển trọng tâm công tác dân số

Nhận định những thách thức cũng như tầm quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 về Công tác dân số trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt trong công tác dân số là “Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”. Đồng thời, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Nghị quyết của Trung ương Đảng cũng nhấn mạnh, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện mục tiêu xuyên suốt nêu trên, nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế để bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; tập trung truyền thông vào các vấn đề như duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu “dân số vàng”, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Theo ông Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và trẻ em, để khắc phục những hạn chế trong công tác dân số nâng cao chất lượng dân số thì nền kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao… phải thay đổi theo. Riêng đối với thế hệ tương lai, cần kiểm soát chất lượng dân số ngay từ khi còn là bào thai. Thậm chí, trước đó phải chú ý sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân cho những người chuẩn bị làm cha, làm mẹ. Đối với những đối tượng có nguy cơ cao thì bắt buộc phải có chứng nhận sức khỏe hoặc được tư vấn trước khi kết hôn, tránh sinh ra đời những em bé không khỏe mạnh, mắc dị tật.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dan-so-viet-nam-vua-vang-da-gia-hoa.aspx