Dân số Việt Nam đông thứ 15 trên thế giới

Hôm nay, ngày 11-7, Ngày Dân số Thế giới, Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, dân số Việt Nam ở thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 là 96.208.984 người.

Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippines. So với kết quả điều tra năm 2009, xếp hạng dân số Việt Nam trong Đông Nam Á không đổi và giảm 2 bậc trên bảng xếp hạng dân số thế giới, xếp thứ 13 năm 2009 xuống 15 năm 2019.

Kết quả tổng điều tra dân số công bố sáng 11.7

Số liệu công bố cho thấy trong tổng dân số 96.208.984 người, nam giới 47.881.061 người (49,8%), nữ giới 48.327.923 người (50,2%).

Sau 10 năm (2009-2019) quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số bình quân là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1989-2009, tăng khoảng 1,18 triệu người/năm.

Cũng trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm tăng gia tăng dân số ở thành thị với trên 33 triệu người, chiếm 34,4% dân số cả nước, dân số khu vực nông thôn là trên 63 triệu người, chiếm 65,6%. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm. Toàn quốc có trên 82 triệu người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và trên 14 triệu người dân tộc khác, chiếm 14,7% dân số.

Hai thành phố có mật độ dân số cao trong cả nước là Hà Nội 2.398 người/km2 và TP.HCM 4.363 người/km2. Mật độ dân số của 2 trung tâm kinh tế xã hội này cao gấp hơn 10 lần so với mật độ chung của cả nước.

Dân số là mẫu số chia của các bài toán kinh tế xã hội, trong đó ngành y tế cần xem xét đến dân số trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 -2030, nhiều chỉ tiêu liên quan đến mẫu số dân số như tỷ lệ bảo hiểm y tế, số giường bệnh, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ suất chết sơ sinh, tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ bà mẹ mang thai tử vong....

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kết quả tổng điều tra ghi nhận cả nước có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học không đi học giảm từ 16,4% (năm 2009) xuống 8,3% (năm 2019).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã thành công tốt đẹp, được công bố vào đúng ngày dân số thế giới. Đây là một trong 3 cuộc tổng điều tra lớn nhất, được tiến hành 10 năm/lần, là nguồn thông tin tin cậy về dân số và nhà ở, phục vụ yêu cầu thông tin của Đảng, Nhà nước ta, phục vụ việc xây dựng chính sách về dân số và nhà ở. Là dữ liệu để Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách phát triển trong thời gian tới. Cuộc tổng điều tra lần này nhờ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nên hoàn tất nhanh chóng, nhẹ nhàng và chính xác.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, kết quả điều tra dân số và nhà ở lần này phải được phân tích kỹ ở tất cả các mặt. Chúng ta phải tận dụng thời cơ của dân số vàng, nhưng vì Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, vì thế phải tránh được bẫy “chưa giàu đã già”.

“Những con số điều tra phải được phân tích kỹ để phục vụ cho việc hoạch định những chính sách trong thời gian tới. Trong đó có chính sách cho những người bị yếu thế. Tương tự là chính sách giải quyết các vấn đề về đô thị hóa, chính sách về nhà ở”, Phó Thủ tướng nói.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/dan-so-viet-nam-dong-thu-15-tren-the-gioi-d101792.html