Dân số Việt Nam đang 'có vấn đề'

Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Nhưng việc triển khai thực hiện đến nay còn không ít vướng mắc.

Nơi giảm, nơi tăng

Đánh giá về thành tựu của công tác dân số trong thời gian qua, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Công tác dân số-KHHGĐ của đất nước ta trong 10 năm qua phải bảo đảm mức sinh thay thế là 2,1 con. Điều này khẳng định, công tác dân số đã bảo đảm cho đất nước có cơ cấu dân số hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Quá trình phát triển dân số như vậy, tạo cho chúng ta một lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, giảm được thất nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới những năm qua.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Phải sớm nghiên cứu để ban hành Luật Dân số để đáp ứng yêu cầu.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Phải sớm nghiên cứu để ban hành Luật Dân số để đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, đến giai đoạn này, chúng ta đã bắt đầu nhận thấy những vấn đề bất cập: Chất lượng dân số, cơ cấu dân số, sự phân bổ dân số giữa các vùng miền, giữa đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa, đối với đô thị và các khu vực khác... Hiện nay tuổi thọ bình quân của nam ở nước ta là 72,1 tuổi; nữ là 82,3 tuổi; bình quân tuổi thọ là 76,6. Tuổi thọ này cao hơn so với thế giới, tuy nhiên, chất lượng dân số già của chúng ta “có vấn đề”.

Theo báo cáo của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, mỗi người già ở Việt Nam đang phải mang trong mình 3 loại bệnh. Điều này cho thấy, tuổi thọ bình quân của người dân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp. Cùng đó là tồn tại chênh lệch giữa mức sinh giữa các khu các vùng đang rất lớn.

Tốc độ tăng dân số ở nước ta có những vùng tăng rất cao, nhưng có những dân tộc có nguy cơ suy giảm dân số. “Tôi được biết, dân số của dân tộc Đan Lai ở Kon tum chỉ có mấy nghìn nhân khẩu, có dân tộc chỉ có mấy trăm người… Trong khi đó, có những vùng phát triển, dân số tăng vọt rất nhanh”. Chúng ta cần giải quyết 2 vấn đề, đó là tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hai vấn đề này đều gây tác động đến chất lượng dân số, cơ cấu dân số và sự phát triển dân số. Bên cạnh đó, thách thức lớn đối với Việt Nam là chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, giữa các vùng, đây là bước cản cho sự phát triển dân số; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh: khoảng 112 bé trai/100 bé gái. Điều này sẽ tác động sau 20 năm sau, chúng ta sẽ thiếu cơ cấu về dân số và dẫn đến vấn đề kết hôn và xây dựng gia đình của lớp thanh niên này. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải giải bài toán này sớm mới đáp ứng trong tương lai.

Vấn đề nữa là già hóa dân số. Cách đây 5 năm, những người từ 15 tuổi trở lên bước vào tuổi lao động từ có 1-1,2 triệu người, nhưng đến năm 2019, độ tuổi này chỉ còn khoảng 400.000 người. Mới đây, Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, trong 4 tháng đầu năm 2019, chúng ta giải quyết 440.000 chỗ làm việc mới, nhưng chỉ có 331.000 lao động bước vào độ tuổi lao động.

“Rõ ràng quy mô cung lao động đáp ứng cho cầu sử dụng bắt đầu mất cân đối. Tôi cho rằng, vấn đề thích ứng với già hóa dân số của chúng ta rất đáng lưu ý. Đến năm 2035, dân số của chúng ta khoảng cứ 4 người thì có 1 người già, và tỷ lệ phụ thuộc của chúng ta sẽ tăng khoảng 44%.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, đến năm 2047, dân số của Việt Nam sẽ bằng dân số của Nhật hiện nay. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực của Nhật Ban cũng đang rất cấp bách, hiện nay họ phải nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 - 74 tuổi. Nếu chúng ta không đi trước đón đầu, và không khắc phục những tồn tại trên thì dân số của chúng ta đến những năm 2030 dứt khoát có vấn đề” - ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.

Xóa sổ hệ thống dân số, Nghị quyết khó vào thực tế

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, ngoài việc khắc phục những thách thức trên trong công tác dân số, chúng ta còn phải làm cuộc cách mạng để làm sao chúng ta phải thay đổi vóc dáng, chiều cao, cân nặng, trí tuệ… Nghị quyết 21-NQ/TW chuyển dịch cơ cấu dân số chính là để đáp ứng yêu cầu mới về phát triển dân số của đất nước. Điều này sẽ giúp chúng ta đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp cho thị trường lao động, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với vị trí là cơ quan thực hiện chính sách ở địa phương, bà Trương Thị Kim Hoa - Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Nghị quyết 21-NQ/TW chuyển chương trình DS-KHHGĐ sang dân số phát triển ra đời là cơ sở pháp lý để cơ sở thực hiện các chương trình về dân số một cách cụ thể và hiệu quả hơn, góp phần mang lợi ích đến mỗi người dân, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, theo bà Hoa, khó khăn hiện nay là nhiều xã, phường, thị trấn gần như đã xóa sổ hệ thống dân số. Khi UBND các cấp không vào cuộc, những chương trình rốt ráo, thiết thực mà ngành dân số muốn triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

Nói về tổ chức bộ máy làm công tác dân số hiện nay, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách, Tổng cục Dân số-KHHGĐ giãi bày: Về tổ chức bộ máy, thách thức lớn nhất là khi chức năng nhiệm vụ thay đổi thì chúng ta phải căn cứ vào nội dung và tính chất của công việc để định hình tổ chức bộ máy. Hiện nay theo Nghị quyết 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập do sức ép của bộ máy quá lớn, dẫn đến cơ cấu của các ngành đều bị thu hẹp.

Thách thức lớn nhất chính là nhân lực, từ cấp lãnh đạo cho tới nhân viên. Định hình về nhận thức, kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo trước đây cần phải được đào tạo lại, cần thấm nhuần theo định hướng mới. Từ nhận thức cho tới hành vi đều đã thay đổi, nếu như chúng ta không thay đổi thì Nghị quyết 21-NQ/TW chỉ nằm trên giấy và không đi được vào cuộc sống.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, để đạt được những mục tiêu đề ra, cần triển khai đồng bộ hệ thống 7 giải pháp mà Nghị quyết đã xác định, bao gồm các giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; truyền thông thay đổi hành vi; xây dựng pháp luật và chính sách; củng cố và phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ; đầu tư và quản lý tài chính; củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hợp tác quốc tế.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, đến nay vẫn còn 30 tỉnh, TP chưa ban hành chương trình hành động; 32 tỉnh chưa ban hành kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới. Đây là một trong những khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu của công tác dân số trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, để đạt mục tiêu phát triển dân số, còn để tốt hơn thì phải thể chế bằng pháp luật. Đó là những văn bản có tính chất pháp quy cao nhất, yêu cầu mọi người phải thực hiện, làm theo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa 14, chúng tôi đã đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh là nâng Pháp lệnh Dân số thành Luật Dân số, nhưng ngay từ vòng đầu, Luật Dân số đã không đủ điều kiện để được đưa vào để thông qua.

“Nếu chúng ta muốn thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW chuyển từ DS - KHHGĐ sang dân số và phát triển, chúng ta đạt được mục tiêu chất lượng, cơ cấu dân số của chúng ta đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước, thì chúng ta phải sớm nghiên cứu để ban hành Luật Dân số để đáp ứng yêu cầu”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh. Vấn đề liên quan đến dân số nằm ở rất nhiều bộ, ngành khác nhau, vì vậy chúng ta cần có một cơ quan điều phối để tăng sự đồng nhất giữa các bộ ngành, để nỗ lực của các bộ, ngành về công tác dân số không triệt tiêu mà hỗ trợ lẫn nhau.

Trước đây, chúng ta chỉ giải quyết một việc là KHHGĐ thì vẫn còn có cơ quan điều phối. Và thiết nghĩ nó phải là cơ quan thuộc Chính phủ chứ không nên sắp xếp vào một bộ nào cả vì như thế hiệu quả sẽ không đạt được như mong muốn. Để giúp cho cơ quan điều phối thì chúng ta cần có cơ quan chuyên trách, có chuyên môn, có kinh nghiệm. Nếu giao công việc mà không có người có chuyên môn, người thực hiện thì cũng không đi tới đâu - ông Nguyễn Văn Tân trăn trở.

Việt Đan

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/dan-so-viet-nam-dang-co-van-de-150201.html