Dân số Việt Nam 2019: Hơn 96 triệu người, đứng thứ 15 thế giới

Theo Tổng điều tra dân số, Việt Nam hiện có hơn 96,2 triệu dân, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, thứ 3 ĐNA và có tỷ lệ cư dân thành thị thấp hơn so với tốc độ đô thị hóa.

Sáng 11/7, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cuộc tổng điều tra dân số vào tháng 4/2019 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có kết quả sơ bộ được công bố nhanh chóng so với năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng cục Thống kê ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các quy trình thu thập, tổng hợp và xử lý số liệu.

“Nhờ việc áp dụng công nghệ, cuộc tổng điều tra đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và khoa học nhằm đưa ra những kết quả chính xác và cập nhật nhất”, Phó thủ tướng nhận định.

Dân số Việt Nam tăng hơn 10 triệu người so với 10 năm trước. Ảnh: Việt Hùng

Dân số Việt Nam tăng hơn 10 triệu người so với 10 năm trước. Ảnh: Việt Hùng

Dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới

Theo kết quả đánh giá sơ bộ tính đến 1/4/2019, Việt Nam hiện có hơn 96,2 triệu dân (với hơn 47,8 triệu nam giới và 48,3 triệu nữ giới). Với số dân này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).

So với kết quả điều tra dân số năm 2009, Việt Nam tăng hơn 10 triệu dân, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau 10 năm tính từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009, mật độ dân số của Việt Nam tăng từ 269 người/km2 lên 290 người/km2. Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước với 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam là 33 triệu, khu vực nông thôn 63,1 triệu người.

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số 2019. Đồ họa: Tổng cục thống kê

Sự phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế - xã hội cũng có sự khác biệt đáng kể. Theo đó, vùng đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất cả nước với 22,5 triệu dân, chiếm gần 23,4% dân số cả nước. Tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,3 triệu người, chiếm 21%.

Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số là 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.

Với hơn 47,8 triệu nam giới và 48,3 triệu nữ giới, chỉ số giới tính trung bình cả nước là 99,1 nam/100 nữ; khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ; khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên từng kết hôn là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ hoặc chồng chiếm 69,2%; ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1%; góa chồng hoặc vợ chiếm 6,2%. Ngoài ra, kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy nữ giới có xu hướng kết hôn sớm và phổ biến hơn nam. Tỷ lệ nam và nữ kết hôn từ 15 tuổi trở lên lần lượt là: 73,4% và 81,5%.

Tỷ lệ cư dân thành thị ở Việt Nam thấp hơn tốc độ đô thị hóa

Trong vòng 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị Việt Nam tính đến nay chiếm 34,4% và tăng 4,8% so với năm 2009.

Bản đồ phân bố dân cư ở Việt Nam với mật độ cao ở vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và đồng bằng Nam Bộ. Đồ họa: Tổng cục thống kê

Tỷ lệ này được đánh giá là ở mức thấp so với tỷ lệ dân cư thành thị ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á và có sự chênh lệch so với tốc độ đô thị hóa hiện nay ở nước ta (trên 38%).

Cả nước có 26,8 triệu hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Đây được đánh giá là giai đoạn có tỷ lệ tăng quy mô hộ gia đình thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Tính đến tháng 4/2019, toàn quốc còn khoảng 4.800 hộ không có nhà ở, trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có 1,8 hộ không có nhà.

Kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy quy mô dân số nước ta trong giai đoạn 2009-2019 tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước (1999-2009).

Dựa trên những kết quả thu thập được, Phó Thủ tướng chỉ đạo Tổng cục Thống kê phối hợp cùng các bộ ngành phân tích các kết quả chi tiết nhằm phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dan-so-viet-nam-2019-hon-96-trieu-nguoi-dung-thu-15-the-gioi-post965734.html