'Dân số và Phát triển' bước ngoặt lớn cho chính sách dân số của Việt Nam

Xây dựng và thực hiện chính sách dân số mới mà trọng tâm là 'Dân số và Phát triển' là một chủ trương mới và rất lớn của Đảng. Thực hiện điều này thực sự là một bước ngoặt lớn cho chính sách dân số của Việt Nam kể từ năm 1961.

Tuyên truyền chính sách dân số đến người dân

Tuyên truyền chính sách dân số đến người dân

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết: Trong 55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, bản chất của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình là một cuộc vận động lớn với hai giải pháp về chuyên môn là truyền thông và cung cấp dịch vụ. Công tác truyền thông đã được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các kênh truyền thông, tạo được sự đồng thuận của xã hội. Các dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình được mở rộng về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ từ Trung ương tới cơ sở.

Nhờ đó, ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được những thành tựu nổi bật. Việt Nam đã khống chế được tỷ lệ tăng dân số, đạt và duy trì ổn định mức sinh thay thế. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm giảm, quy mô dân số nước ta hiện nay là khoảng 93 triệu người, dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuổi thọ người Việt Nam đã tăng từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73,3 (năm 2015). Kết quả giảm sinh đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và làm tăng GDP, cải thiện đời sống nhân dân.

Chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và Phát triển” là bước ngoặt trong chính sách dân số của Việt Nam

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến chuyển rõ rệt về cơ cấu dân số và những áp lực về nâng cao chất lượng dân số đồng đều giữa các vùng miền, ngành Dân số có xu hướng mới là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Để hiểu được tại sao nước ta cần chuyển hướng chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển thì cần điểm qua một số đặc điểm mới, nổi bật của dân số nước ta hiện nay và xu hướng biến đổi đến giữa thế kỷ.

So với thời điểm hoạch định chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình (1961), dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới, khác biệt chưa từng thấy. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực gồm:

Mục tiêu của chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là giảm sinh đã đạt được một cách vững chắc.

Do sớm nhận thức được tác động tiêu cực của sự gia tăng dân số nhanh, ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành chính sách với mục tiêu giảm mức sinh, thường được gọi là Chính sách Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Nhưng trong vài thập kỷ qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức sinh thay thế (những năm 1965-1969, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,8 con thì đến năm 2005, chỉ còn 2,1 con và được giữ vững cho đến nay). Có thể nói mục tiêu mà chính sách DS-KHHGĐ theo đuổi suốt nửa thế kỷ qua đã đạt được.

Dân số tăng chậm lại nhưng sẽ đạt 100 triệu dân vào năm 2025

Theo dự báo, Dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại (giai đoạn 2009 - 2019, bình quân hằng năm khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 106-107 triệu vào giữa thế kỷ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, thứ 8 ở châu Á và thứ 14 trên thế giới. Mật độ dân số đạt 274 người/km2, cao gấp hơn 5 lần mật độ dân số thế giới (53 người/km2).

Có thể thấy: Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn, mật độ dân số rất cao. Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng…

Cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh, Việt Nam đang trong giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng”

Năm 2006 Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “vàng” khi “tỷ lệ dân số trong độ tuổi (15-64) đạt khoảng từ 66% trở lên, tức là khoảng 2/3 dân số trong độ tuổi có khả năng lao động”. Dự báo dân số cho thấy, thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” của Việt Nam kéo dài khoảng 40 năm, tức là sẽ kết thúc khoảng gần giữa thế kỷ này. Cơ cấu dân số “vàng” mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao.

Dân số Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa và Việt Nam sớm trở thành nước có dân số già

Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” vào năm 2012, khi tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% tổng dân số và sẽ trở thành nước có “dân số già” vào khoảng năm 2032, khi tỷ lệ này chạm “ngưỡng” 20%. Những đặc điểm trên làm trầm trọng thêm những thách thức về an sinh xã hội cho người cao tuổi trong quá trình phát triển.

Chính sách dân số phải gắn với chính sách phát triển nhằm tránh sự phát triển thiếu cân đối.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng tăng và đã ở mức nghiêm trọng. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 thì tỷ số này là 110,6 trai/100 bé gái. Năm 2015 đã tăng lên 112,8 riêng vùng Đồng bằng sông Hồng lên tới 120,7 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này nếu không được cải thiện thì đương nhiên sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững về mặt xã hội.

Tỷ lệ dân thành thị thấp nhưng di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh

Năm 2014, tỷ lệ dân đô thị của thế giới là 53%. Các nước đã phát triển 78%, châu Phi thấp nhất cũng đạt 40%. Tỷ lệ này ở Việt Nam mới chỉ đạt 33%. Tuy nhiên, công nghiệp hóa và kinh tế thị trường đang thúc đẩy di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động - yêu cầu cao nhất của Việt Nam trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, tích tụ dân số với mật độ rất cao cũng dẫn tới tắc ách giao thông, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, đắt đỏ, làm chậm quá trình phát triển.

Chất lượng dân số tăng nhưng chưa cao

“Chỉ số phát triển con người” (HDI) là một thước đo chất lượng dân số. Năm 1992, HDI của Việt Nam là 0,486 - xếp thứ 120 trong 174 nước so sánh. Năm 2014, HDI tăng lên 0,666 - xếp thứ 116 trong 188 nước so sánh. Rõ ràng, chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao.

Việc kế hoạch hóa phát triển ở Việt Nam còn ít chú ý đến xu hướng biến đổi dân số

Mặc dù, dân số Việt Nam trong nửa thế kỷ qua biến đổi nhanh nhưng các kế hoạch hóa phát triển còn ít tính đến xu hướng biến đổi này. Chẳng hạn, do mức sinh giảm, từ năm học (1997-1998) đến năm học (2013-2014), chỉ riêng số học sinh Tiểu học giảm gần 3 triệu, tức là giảm 29% nhưng điều này chưa được tính đến trong kế hoạch phát triển giáo dục một cách đầy đủ.

Những vấn đề dân số nổi bật, mới phát sinh như: “cơ cấu dân số vàng”, “dân số già”, “mất cân bằng giới tính khi sinh”, “di cư và tích tụ dân số”, “chất lượng dân số chưa cao”... đang đòi hỏi được giải quyết nhằm nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Nhận thức được những đặc điểm và những xu hướng mới, khác biệt của dân số nêu trên, ngày 4/1/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Trong đó,“Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số” và “cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Việc chuyển trọng tâm này nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”. Kết luận 119-KL/TW chỉ rõ các nội dung gồm: Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tận dụng cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với quá trình già hóa dân số; Điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số.

Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào 01 nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với nhiều nội dung hơn, phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Ở đây cần lưu ý, chúng ta chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới.

Rõ ràng, xây dựng và thực hiện chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và phát triển” là một chủ trương mới và rất lớn của Đảng. Thực hiện điều này thực sự là một bước ngoặt lớn cho chính sách dân số của Việt Nam kể từ năm 1961. Đồng thời đòi hỏi nỗ lực lớn trong việc đổi mới tư duy về chính sách dân số và triển khai thực hiện./.

Đỗ Thoa - ĐCS

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dan-so-va-phat-trien-buoc-ngoat-lon-cho-chinh-sach-dan-so-cua-viet-nam-557712.html