Dân số TPHCM chiếm 50% dân số vùng Đông Nam bộ

Theo kết quả sơ bộ từ dữ liệu Tổng điều tra dân số của TPHCM, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019, thành phố có 2.558.914 hộ với 8.993.082 người. Với số dân nêu trên, TPHCM trở thành địa phương đông dân nhất cả nước và chiếm 50% dân số vùng Đông Nam bộ.

TPHCM có số dân đông nhất cả nước. Ảnh: T.D

TPHCM có số dân đông nhất cả nước. Ảnh: T.D

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do UBND TPHCM tổ chức ngày 11/10.

Trong đó, đáng chú ý, trước đây phần lớn dân số tập trung ở các quận trung tâm, nội thành gây nhiều hệ lụy đi kèm khi cơ sở hạ tầng không theo kịp dân số. Trước tình hình trên, lãnh đạo TPHCM có nhiều chương trình giãn dân ra ngoại thành. Kết quả, từ 2009 – 2019, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn lại tăng nhanh. Trong đó, tốc độ tăng dân số bình quân của khu vực nông thôn của thành phố là 4,47%/năm, khu vực thành thị là 1,77%/năm.

Cụ thể, tốc độ tăng dân số cao thuộc về huyện Nhà Bè với 7,16%/năm, sau đó là huyện Bình Chánh với 5,18%/năm, thứ ba là huyện Hóc Môn với 4,40%/năm. Điều đáng chú ý, tốc độ tăng dân của các quận – huyện mới đều tăng cao qua từng giai đoạn. Đơn cử, năm 1999 dân số của huyện Bình Chánh chỉ có 332.089 người, sau khi huyện Bình Chánh tách ra thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đến nay tổng dân số của quận – huyện này gần 1,5 triệu người, tăng 4,5 lần. Tương tự, sau khi huyện Hóc Môn tách thành huyện Hóc Môn và quận 12 tốc độ dân số cũng tăng 4,7 lần.

Lý giải về nguyên nhân TPHCM có tốc độ gia tăng dân số nhanh, ông Võ Thanh Sang – Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, TPHCM tập trung nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế nên kéo theo nhu cầu lớn về lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, dân số đang có xu hướng giảm ở quận trung tâm và nội thành, tăng nhiều ở các quận vùng ven, quận mới, tăng cao ở các huyện. Đây được xem là xu thế tất yếu của các thành phố lớn khi quỹ đất ở khu vực thành thị không còn nhiều, vì vậy các dự án sản xuất kinh doanh, nhà ở điều chuyển về vùng ven, nông thôn.

Gắn liền với quy mô dân số, thành phố cũng đang lo về vấn đề nhà ở. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, thời gian qua kinh tế thành phố phát triển ổn định, tuy nhiên thành phố vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm...

Đặc biệt, tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh. Theo tính toán, cứ 5 năm thành phố tăng khoảng 1 triệu dân. Như vậy, trung bình 1 năm tăm thêm 200 ngàn người. Lãnh đạo thành phố yêu cầu, các sở ngành xem xét để phát triển nhà ở trước áp lực dân số đông. Liên quan đến vấn đề nhà ở, Cục Thống kê TPHCM cho biết, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn chênh lệch không quá lớn. Khu vực thành thị từ 16,5m2/người lên, 19,1m2/người, khu vực nông thôn từ 19,3m2/người lên 20,4m2/người.

Cục Thống kê thành phố khẳng định, điều kiện nhà ở của người dân đã cải thiện trong những năm qua. Đa số các hộ dân cư tại thành phố đang sống trong các nhà kiên cố và bán kiên cố, chỉ một bộ phận không nhỏ các hộ dân cư hiện đang sống trong nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ.

Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một bộ phận hộ đang sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 6m2/người, tương ứng khoảng 188.815 hộ dân cư (663 ngàn người). Thậm chí, có tình trạng 3 – 4 người sống trong 6m2.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/dan-so-tphcm-chiem-50-dan-so-vung-dong-nam-bo-113156.html