Đàn sếu không về

Nghe điều này thật buồn phải không chị? Với người dân quê em, sếu không chỉ là một loài vật quý hiếm trong sách đỏ mà còn là biểu tượng của sự đẹp đẽ, bình yên nơi làng quê Đồng Tháp mười. Cũng là đời sống tuổi thơ của bao đứa trẻ sinh ra từ làng. Vậy mà, năm nay sếu không về…

Buồn quá chị Hân ạ,

Buồn quá chị Hân ạ,

Giờ đã sang tháng 1 rồi mà không thấy con sếu nào về vườn Quốc gia Tràm Chim. Khoảng vài chục năm trước, ở xứ bưng biền này sếu nhiều vô kể, cứ sáng sớm tinh mơ, khi bà con dậy ra đồng đã nghe tiếng gáy vang cả không gian. Người dân quê em vẫn gọi những chú sếu đầu đỏ là con xéo, hạc. Những con sếu thân sám bạc óng ánh với chiếc cổ trụi lông nhuốm đỏ có sức hút đến kỳ lạ.

Và nếu được một lần ngắm những vũ điệu thần tiên của đàn sếu dưới ánh hoàng hôn, em tin chị sẽ khó có thể cầm lòng bởi nó đẹp và bình yên tựa như chốn thiên đường hay cổ tích nào vậy. Những vũ điệu ấy cứ đẹp mãi trong suốt tuổi thơ em…

Vùng đất ngập nước và nhiễm phèn có rất nhiều củ năng. Mùa nước nổi củ năng chìm sâu, phải đợi đến mùa khô mới nhú trên ruộng. Vậy nên cứ cuối đông, đầu xuân, khi cánh đồng năng dồi dào cho củ cũng là lúc đàn sếu di cư từ Campuchia về. Đến tháng 4, 5 mưa nhiều, cũng là lúc củ năng vơi cạn, đàn sếu lại bay đi. Người quê em vẫn bảo sếu đầu đỏ chính là sứ giả của môi trường, chúng hiền hòa, chung thủy, đoàn kết, đi đâu cũng có nhau. Sếu còn báo hiệu cho con người biết được sự thay đổi khí tượng, thời tiết, nắng mưa... để tạo điều kiện cho công việc đồng áng, nên nó rất gần gụi với bà con.

Khi em gọi điện về hỏi mẹ, năm nay sao sếu về muộn thế? Giọng mẹ buồn, bà bảo, giờ này chắc đàn sếu không về nữa rồi. Người quê mình cứ ngóng mãi những cánh chim hiền hòa ấy.

Chị ạ, các nhà khoa học giải thích rằng, những năm gần đây sếu ngày càng ít về Tràm Chim là do thay đổi từ sinh thái đất ngập nước theo mùa, nước ra vào tự nhiên thành môi trường sinh thái ao hồ khiến đồng cỏ năng bị thu hẹp, suy thoái không thể tạo củ. Còn theo ông Nguyễn Đức Tú, Điều phối viên chương trình nước và đất ngập nước thì nguyên nhân sếu đầu đỏ không về là bởi mất sinh cảnh trong toàn bộ vùng phân bố của các quần thể; việc quản lý sinh cảnh không phù hợp khiến nguồn thức ăn của sếu không phát triển...Và sự mất mát này là không thể khôi phục lại được. Sếu không về vì mất sinh cảnh và nguồn thức ăn.

Nghe điều này thật buồn phải không chị? Với người dân quê em, sếu không chỉ là một loài vật quý hiếm trong sách đỏ mà còn là biểu tượng của sự đẹp đẽ, bình yên nơi làng quê Đồng Tháp mười. Cũng là đời sống tuổi thơ của bao đứa trẻ sinh ra từ làng. Vậy mà, năm nay sếu không về…

Hồng Lam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-seu-khong-ve-549359.html