Dân sẵn sàng nếu có chính sách hợp lý

Hiện tại Hà Nội có gần 1500 chung cư cũ, trong đó có nhiều dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân. Thế nhưng, do chưa có chính sách thỏa đáng nên dù biết mình đang sống trong tình trạng nguy hiểm nhưng nhiều hộ gia đình vẫn nhất quyết 'bám trụ' lại nơi 'miệng tử thần này'

Chậm trễ trong việc cải tạo

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, hiện nay Thành phố có gần 1500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 đến 5 tầng được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước.Những chung cư cũ này tập trung chủ yếu ở 7 quận nội thành Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàng Mai, Cầu Giấy và Thanh Xuân. Đến nay, nhiều nhà chung cư cũ xuống cấp, nhưng con số đã được cải tạo, xây dựng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số những chung cư cũ chưa được xây mới hiện nay, còn có đơn nguyên được Hà Nội đưa vào danh sách gây nguy hiểm đến tính mạng người dân bất cứ lúc nào.

Điển hình như khu tập thể G6A (Thành Công, Ba Đình) được thành phố Hà Nội xác định mức độ xuống cấp ở cấp độ D, cấp độ rất nguy hiểm và phải di dời 49 hộ dân ra khỏi chung cư này. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện công tác di dời, chỉ mới 29 hộ đồng ý chuyển đến lô E, khu đô thị Yên Hòa, 20 hộ dân còn lại vẫn chưa chịu chuyển đi.

Việc cải tạo các khu chung cư cũ gặp nhiều khó khăn do chưa cân bằng được lợi ích giữa các bên Nhà nước – doanh nghiệp – người dân

Lãnh đạo quận Ba Đình cũng tạo điều kiện chuyển con em các hộ dân này đến các trường học gần chỗ ở mới. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn nhất định không chịu di dời. Những hộ dân này cho rằng, việc kiểm định chất lượng chung cư là chưa chính xác và đề nghị thành phố lựa chọn một đơn vị độc lập để kiểm định lại. Việc này đã được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận và sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

Không chỉ khu G6A, 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đang được các quận của thành phố Hà Nội tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại. Từ nhiều năm trước, thành phố đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn với nhiều nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều vướng mắc. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có hơn 20 chung cư cũ đã và đang được xây dựng mới, chiếm khoảng hơn 1%.

Hà Nội cũng thừa nhận việc cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ đến nay vẫn còn chậm. Nguyên nhân được cho là do vướng Quy hoạch chung Thủ đô, định hướng dân số khu vực nội đô lịch sử phải giảm từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu, hạn chế xây dựng nhà ở cao tầng.

Việc cải tạo các chung cư cũ là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, phải tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư, cần thực hiện chính sách xã hội hóa theo phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc cân bằng bài toán lợi ích giữa các bên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Có như vậy, việc di dời người dân, tiến độ cải tạo chung cư cũ mới có thể nhanh chóng hoàn thành.

Mặt khác trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu và có ý định đầu tư cải tạo chung cư cũ nhưng đều vướng phải nhiều thủ tục, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong cải tạo chung cư cũ một phần là do thiếu quy định cụ thể hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ, không quy định phân cấp cho cấp quận, nên không phát huy được sức mạnh tự chủ của các cấp trong việc cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ.

Nghị định 101 của Chính phủ ban hành ngày 20/10/2015 quy định quy trình về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ phải được tiên hành cụ thể như: Sau 12 tháng khi Sở Xây dựng tỉnh, thành phố đăng kết quả kiểm định các chung cư cần xây dựng lại, cư dân trong các khu chung cư đó tiến hành họp để lựa chọn nhà đầu tư. Phải có trên 51% các chủ sở hữu căn hộ đồng ý thì thỏa thuận giữa hai bên mới được tiến hành. Sau đó 12 tháng, chủ đầu tư không thỏa thuận được với các chủ sở hữu căn hộ thì Sở Xây dựng mới thay mặt cư dân để thẩm định năng lực của nhà đầu tư và cho phép chủ đầu tư tiến hành bước tiếp theo.

Như vậy, phải mất 2 năm doanh nghiệp mới tiếp cận được với dự án. Đó là chưa kể những vướng mắc khác về giấy tờ nhà, giá đền bù và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khi tiến hành giải tỏa, đền bù.

Ngoài ra, theo quy địnhđể xây dựng, cải tạo chung cư cũ phải có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu hợp pháp. Do vậy, nếu không có sự đồng thuận của đa số người dân thì dự án không thực hiện được.

Mặt khác, do các khu chung cư này hầu hết đều nằm ở các quận nội thành, thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán nên những chủ sở hữu căn căn hộ tầng 1 đòi hỏi nhiều về quyền lợi, không ủng hộ dự án. Nhiều trường hợp đã có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Dân sẵn sàng đi ngay nếu có chính sách hợp lý

Dễ dàng nhận thấy, chủ trương cải tạo các khu chung cư cũ đã có từ lâu thế nhưng cho đến nay việc tiến hành cải tạo mới chỉ ở mức đếm trên đầu ngón tay. Với những chính sách chưa thỏa đáng trong việc đền bù, giải tỏa, thời gian trở về... khiến cho người dân dù biết đang sống trong nguy hiểm vẫn nhất quyết không chịu rời đi.

Bà Lan Anh, một người dân ở khu tập thể Giảng Võ chia sẻ: “Di dời chúng tôi đến một nơi quá xa như vậy, bao giờ mới được trở về? Trước đó đã có những hộ gia đình bên khu tập thể Thành Công chấp nhận di dời nhưng bao nhiêu năm rồi đã được trở về đâu? Gia đình chúng tôi cả 3 thế hệ đều sinh sống ở đây, di dời chúng tôi đi không hẹn ngày về trong khi con cháu chúng tôi đều đang học tập ở Giảng Võ thì phải làm thế nào?”

Cũng nói về lý do chưa chịu di dời, bà Đào Thị Duyên sống ở tại nhà A1 Giảng Võ cho biết: “Những hộ gia đình ở tầng 1 hầu như đều sử dụng mặt tiền để kinh doanh, đây là nơi họ mưu sinh, kiếm sống, việc đền bù cho họ giống như những nhà khác là không thỏa đáng. Chung cư được cải tạo, xây mới lại rồi, vị trí nhà nào phải nhận đúng vị trí ấy, chứ nhà người ta đang kinh doanh buôn bán ở tầng 1 lại bị chuyển lên tầng 2 thì không ai chấp nhận cả. Còn đôívới những hộ gia đình khác, liệu cải tạo rồi diện tích phòng có được mở rộng hay không? Còn vẫn ở với cái diện tích nhỏ như chuồng chim như vậy thì cải tạo để làm gì? Mong muốn của người dân chỉ có vậy, nếu đưa ra chính sách hợp lý thì chúng tôi sẵn sàng đi ngay, chẳng ai muốn sống ở một nơi nguy hiểm luôn rình rập cả.”

Trên khía cạnh pháp lý, ông Phan Tiến Duy - Tổng Giám đốc Công ty tư vấn luật DLS Việt Nam cho rằng, cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đang gặp khó khăn vì vẫn chưa tìm được sự cân bằng lợi ích 3 bên giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. "Người dân bao giờ cũng đặt ra những yêu cầu rất cao như phương án đền bù tốt nhất, địa điểm tạm cư gần nhất và thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Còn doanh nghiệp thì ngược lại, vì là người làm kinh doanh nên chúng tôi phải xây dựng các phương án đền bù, tạm cư sao cho ít chi phí nhất. Và tất nhiên, chuyện tiến độ thì ai nấy cũng đều muốn nhanh cả, sớm ngày nào thì giảm được chi phí ngày đấy" – ông Duy chia sẻ.

Việc cải tạo các chung cư cũ là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, phải tìm được giải pháp hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư, cần thực hiện chính sách xã hội hóa theo phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc cân bằng bài toán lợi ích giữa các bên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Có như vậy, việc di dời người dân, tiến độ cải tạo chung cư cũ mới có thể nhanh chóng hoàn thành.

Lê Thắm – Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dan-san-sang-neu-co-chinh-sach-hop-ly-81147.html