Đan Phượng, Hà Nội: Sau 3 năm giao đất xây nhà máy, vì sao người dân vẫn mòn mỏi chờ nước sạch?

Đan Phượng là huyện nằm cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 20km nhưng hiện nay vẫn có hơn 50% trên tổng số hộ dân chưa có nước sạch để sử dụng. Đáng chú ý, 3 năm trước người dân ở đây đã giao đất cho chủ đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch nhưng đến thời điểm hiện tại, công trình vẫn chỉ là một bãi đất trống.

Công trình rộng 203.987m2 đến thời điểm này vẫn chỉ là một bãi đất trống. Ảnh: Huy Hoàng

Công trình rộng 203.987m2 đến thời điểm này vẫn chỉ là một bãi đất trống. Ảnh: Huy Hoàng

Người dân “dài cổ” mong nước sạch

Đan Phượng là huyện trực thuộc Thủ đô, dân số tới hơn 160.000 người nhưng có tới nửa số hộ dân vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Để có thể sử dụng được nguồn nước giếng khoan này đòi hỏi người dân phải xây dựng nhiều hệ thống lọc liên hoàn và phải lọc từ 2 đến 3 lần mới có thể sử dụng. Tuy nhiên, chi phí để có thể đầu tư được một hệ thống lọc này cũng tốn cả chục triệu đồng nên không phải hộ dân nào cũng có thể đầu tư.

Ngày 17/8/2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành Quyết định số 4036/QĐ-UBND về việc phê duyệt tổng mặt bằng nhà máy nước mặt sông Hồng, tỷ lệ 1/500 (giai đoạn 1) tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng). Đất nông nghiệp dù là sinh kế của bà con nơi đây nhưng vì mục đích dân sinh thiết thực nên các hộ dân đều đồng tình giao đất nhận đền bù để xây dựng nhà máy nước sạch.

Tuy nhiên, sau 3 năm tính từ thời điểm giao đất, dự án vẫn chỉ là một bãi đất trống. Người dân không chỉ lo lắng vì chưa có nước sạch mà còn trăn trở về việc liệu đất của mình có bị sử dụng sai mục đích hay không(?). Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hào (người dân thôn Tổ, xã Liên Hồng) cho biết: “Khi thành phố có quyết định xây nhà máy nước sạch, chúng tôi rất mừng. Dù biết đất nông nghiệp là sinh kế của chính mình nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giao đất và tất cả đều đồng thuận. Tuy nhiên đến nay cả cách đồng vẫn chưa có dấu hiệu thi công khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Hơn nữa, khi giao đất chính quyền cũng nói là năm 2019 có nước thì chúng tôi mới giao”.

Còn bà Đoàn Thị Hoàng (người dân xã Liên Hồng) cũng bày tỏ: “Ngày trước chúng tôi lọc bể cát, than tự chế đến lần thứ hai mà nước vẫn vàng khè. Bây giờ, có máy lọc cũng phải mua về lọc đi lọc lại mới sử dụng được. Tôi sống ở đây lâu lắm rồi, giờ có cả con cháu mà không biết đời mình có được sử dụng nước sạch hay không. Chỉ mong nhanh chóng để con cháu đỡ khổ, chúng tôi nhanh chóng giao đất thì các cơ quan liên quan làm nhà máy nước cũng phải làm việc có trách nhiệm”.

Không chỉ người dân xã Liên Hồng, những người trực tiếp giao ruộng đất của mình để xây dựng dự án mà cả vạn người dân huyện Đan Phượng cũng đang ngóng chờ những giọt nước sạch đầu tiên đến tay mình sử dụng.

Chủ đầu tư “đói vốn”?

Đường ống nước sẽ đi từ Liên Hồng qua 3 xã và đến Bắc Từ Liêm.

Trao đổi về vụ việc chậm thi công nhà máy nước huyện Đan Phượng tại địa bàn xã Liên Hồng, ông Nguyễn Quý Mạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho rằng: “Nhà máy nước xây dựng tại xã Liên Hồng là dự án được Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng và Công ty TNHH nước sạch Hà Nội phối hợp thi công. Trong đó, Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng là chủ đầu tư. Về phía trách nhiệm của huyện, chúng tôi đã hoàn thành trách nhiệm từ năm 2016. Ngày 2/12/2016, chúng tôi đã bàn giao xong 203.987m2 của 502 hộ dân. Về vấn đề giải phóng mặt bằng, được sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân nên giải quyết rất nhanh. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là do chủ đầu tư. Trong tất cả các cuộc giao ban với thành phố thì Chủ tịch UBND thành phố cũng đã có những yêu cầu cụ thể về tiến độ xây dựng nhà máy nước của đơn vị thi công và tuyệt đối không được ngừng thi công”.

Ông Mạnh cho biết thêm: “Về vấn đề đường ống dẫn đến nhà máy nước, đường ống này chạy qua các xã Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung, Tân Lập dẫn đến quận Bắc Từ Liêm. UBND TP Hà Nội cũng đã hoàn thành các thủ tục bàn giao đất để từng bước giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhà máy vẫn phải là công trình ưu tiên xây dựng trước sau đó mới tiến hành xây dựng đường ống”.

Nêu rõ về việc kiến nghị của nhiều hộ dân tại xã Liên Hồng, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch HĐND xã Liên Hồng cho biết: “Không chỉ người dân mà tất cả các lãnh đạo cũng đều mong chờ dự án này sớm triển khai vì đây là một trong những tiêu chí nâng cao trong xây dựng nông thông mới, đồng thời đảm bảo yếu tố chất lượng dân sinh. Về ý kiến phản hồi của người dân, chúng tôi đều nắm bắt. Mong mỏi của người dân là chính đáng. Dù rất quyết liệt, nhưng hiện nay, Đan Phượng cũng chỉ có thể đảm bảo nước sạch cho 50% hộ dân. Tuy nhiên, về trách nhiệm của huyện, chúng tôi cũng đã làm đến cùng, nhưng vướng mắc chủ yếu nằm tại chủ đầu tư. Hiện nay, chủ yếu đến từ vấn đề thiếu vốn”.

Rõ ràng, trăn trở của người dân là có cơ sở khi đã giao đất nhưng vẫn không có nước sạch để sử dụng. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề dân sinh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của bà con khi mà đất thu hồi là đất nông nghiệp. Ba năm qua và cả thời gian tới, người dân Đan Phượng vẫn khắc khoải trong nỗi mong chờ nguồn nước sạch.

Huy Hoàng - Thu Hiền

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dan-phuong-ha-noi-sau-3-nam-giao-dat-xay-nha-may-vi-sao-nguoi-dan-van-mon-moi-cho-nuoc-sach-20190405200721263.htm