Dân phản ứng trả phí giao thông bằng tiền lẻ: Chỉ còn cách đối thoại

Chỉ có đối thoại và lắng nghe trên cơ sở thỏa mãn quyền lợi của các bên mới là chìa khóa dẫn tới thành công trước bất kỳ một sự thay đổi nào.

Tôi cứ băn khoăn tự hỏi vì sao tài xế những ngày gần đây đi qua Trạm thu phí Cai Lậy lại sẵn sàng chịu mất thời gian, tổn hao nhiên liệu… để đếm từng đồng tiền lẻ trả nhân viên thu phí.

Chắc chắn sự việc này sẽ không dừng lại khi tài xế và những người phụ trách việc thu phí tuyến đường này chưa tìm được tiếng nói chung. Hai phía đều có những lý lẽ của mình. Tài xế cho rằng phí cao, chủ đầu tư tuyến đường này thì cho rằng không thể so với nơi khác vì trạm Cai Lậy thu phí chỉ trong vòng 6 năm so với các trạm khác là 20 năm.

Tiền lẻ được tài xế bỏ trong chai nhựa. Ảnh: Một thế giới

Rõ ràng nhà kinh doanh muốn thu hồi vốn nhanh, trong khi đó, lái xe, lại phần lớn là những người kiếm ăn từng ngày. Bữa nay chủ thuê chở chạy trên tuyến này, nhưng mai họ lại nhận được đơn hàng chạy tuyến khác nên chuyện thu phí trong thời gian bao nhiêu năm họ không quan tâm. Họ chỉ biết giá thu phí ngày hôm nay như vậy quá cao. Đây chính là điểm nghẽn khiến cả hai bên chưa có được sự đồng thuận.

Câu chuyện tiền lẻ ở trạm thu phí Cai Lậy khiến tôi nhớ tới văn hóa sử dụng đồng tiền và văn hóa biểu tình mà chính tôi chứng kiến tại Đức.

Đức là quốc gia văn minh ở châu Âu nhưng hình như tại các siêu thị họ vẫn thích sử dụng tiền mặt? Một lần ở siêu thị điện máy Media Markt tôi có mua mấy thứ lặt vặt cỡ vài chục Euro. Lúc thanh toán tôi moi trong túi ra mớ tiền giấy hơi nhàu nhĩ vì không để trong ví.

Nhân viên thanh toán có vẻ hơi khó chịu huơ huơ nắm tiền giấy đó lên cao và nói gì đó bằng tiếng Đức vẻ giễu nhại với đồng nghiệp thu ngân, sau đó cho vào máy tuốt qua tuốt lại cho thật phẳng cố tình để tôi nhìn thấy. Tôi không dám chắc nhưng có lẽ với người Đức khi đưa ra một mớ tiền lộn xộn quăn queo như thế là một biểu hiện thiếu tôn trọng. Còn trong luật lệ tiền tệ thì không biết thế nào.

Một bữa khác xuống tàu điện ngầm ở một ga trung tâm tôi thấy cái bảng thông báo rất to, được in đẹp, rõ ràng, như PR cho một sản phẩm nào đó nhưng đọc thì hóa ra thông báo ngày mai nhân viên chạy tàu sẽ đình công không chạy tàu từ mấy giờ đến mấy giờ, do đó hành khách lưu ý tránh khoảng thời gian đó ra nếu không muốn ảnh hưởng tới công việc cá nhân.

Như vậy xét về bản chất sự phản ứng của nhân viên chạy tàu ở Đức mà tôi gặp hôm nào và cánh tài xế trả bằng tiền lẻ ở Trạm thu phí Cai Lậy giống nhau, đều là thể hiện sự bất bình trước một quyết định nào đó, nhưng khác ở phương thức. Một bên văn minh, lịch sự; một bên bất chấp, cùn, chấp nhận thiệt thòi cho bản thân, sẵn sàng tước đi quyền lợi của người tham gia giao thông khác đang ùn ứ phía sau.

Không thể nói những tài xế trả tiền lẻ ở Trạm thu phí Cai Lậy vừa qua không có tổ chức. Họ có tổ chức nhưng liên kết lỏng lẻo, trong một phạm vi hẹp và có tính nhất thời, cục bộ. Họ -những tài xế này- khác hoàn toàn với những nhân viên chạy tàu đình công mà tôi gặp ở Đức ở một khía cạnh vô cùng quan trọng là nhân viên chạy tàu ở Đức sinh hoạt trong một nghiệp đoàn có tổ chức chặt chẽ, có người đại diện để phát đi tiếng nói có trọng lượng với chính quyền hoặc với giới chủ.

Vì không có (hoặc chưa có) tiếng nói của người đại diện nên tình trạng lái xe trả tiền lẻ - một cách phản ứng thể hiện sự không đồng tình – khi qua trạm thu phí ở Cai Lậy mới kéo dài trong nhiều ngày qua. Thực ra là hành động trong sự bế tắc và không hề biết kết cục sẽ thế nào.

Tôi cho rằng sự việc lùng bùng ở Trạm thu phí Cai Lậy chỉ có thể được giải quyết thông qua công nghệ và đối thoại. Tuy nhiên giải pháp công nghệ sẽ mang tính cưỡng bức, còn đối thoại sẽ có tính thuyết phục và thể hiện tinh thần win-win hơn rất nhiều.

Qua sự việc trên tôi mới càng ngộ ra vì sao trước mỗi sự thay đổi nào đó trong công tác quản lí, điều hành, sản xuất… ở các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại các quốc gia tiên tiến thì họ đều có giám đốc truyền thông và đích thân người chủ phải có tài khoản mạng xã hội để truyền đi những thông điệp cho sự thay đổi sắp tới của đơn vị mình. Giám đốc truyền thông phải nỗ lực hoạt động hết công suất để là cái ăng-ten thính nhạy nhất, thu và phát đi tất cả những tín hiệu liên quan tới sự thay đổi.

Nói tóm lại, chỉ có đối thoại và lắng nghe trên cơ sở thỏa mãn quyền lợi của các bên mới là chìa khóa dẫn tới thành công trước bất kỳ một sự thay đổi nào, dù nhỏ như cải cách hay to lớn vĩ đại như một cuộc cách mạng. Sự phản ứng của cánh tài xế về mức phí ở Trạm thu phí Cai Lậy, dù bé tí ti, nhưng để giải quyết thỏa đáng, triệt để và tâm phục khẩu phục có lẽ cũng chỉ còn giải pháp đối thoại và lắng nghe mà thôi./.

Ngô Thiệu Phong

Nguồn VOV: http://vov.vn/blog/dan-phan-ung-tra-phi-giao-thong-bang-tien-le-chi-con-cach-doi-thoai-657569.vov