Dân phản ứng mạnh, BOT Ninh An 'xuống nước'

Sau gần 3 giờ đồng hồ đối thoại căng thẳng giữa các tài xế, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) với Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả (chủ đầu tư BOT Ninh An), Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả buộc phải chấp thuận miễn 100% phí đối với xe loại 1 của 16 xã, phường trên địa bàn thị xã.

Trạm BOT Ninh An đặt tại xã Ninh Lộc gây nhiều bức xúc cho các tài xế và doanh nghiệp địa phương.

Nóng buổi đối thoại

Trước những phản ứng của các tài xế, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), sáng ngày 4/1, Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả (chủ đầu tư BOT Ninh An) đã có buổi đối thoại với đông đảo tài xế, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thị xã Ninh Hòa.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Trần Phúc Tự, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả cho biết: Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hòa là Chủ đầu tư dự án mở rộng QL1 đoạn Km1374+525 - Km1392 và Km1405 - Km1425+500 tỉnh Khánh Hòa, theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án có chiều dài gần 38 km với tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ tháng 1/2016 và thời gian thu phí hơn 21 năm và 6 tháng. Vị trí trạm thu phí tại Km1425+200, xã Ninh Lộc được Bộ GTVT phê duyệt từ khi lập dự án đầu tư và cũng được UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất trước khi xây dựng.

Tại buổi đối thoại, nhiều tài xế trên địa bàn thị xã Ninh Hòa bày tỏ bức xúc: Từ khi dự án BOT Ninh An đi vào hoạt động, người dân có xe trên địa bàn chịu thiệt thòi, nhất là việc trả phí khi qua trạm BOT Ninh An có nhiều bất hợp lý.

Theo quy định thì khoảng cách giữa các trạm BOT tối thiểu là phải 70 km nhưng từ trạm BOT Ninh An đến trạm BOT hầm đường bộ Đèo Cả chỉ có 65 km, đáng nói hơn là giá phí quá cao so với các trạm BOT khác. “Trước đây, chúng tôi đi ra đường làm lốp xe chỉ mất 50 nghìn đồng nhưng khi có trạm BOT này thì phải mất hơn 150 nghìn đồng vậy các anh nghĩ sao”, một tài xế bức xúc.

Ông Lê Ngọc Minh, chủ doanh nghiệp vận tải tại phường Ninh Hiệp bức xúc: Tôi có 20 đầu xe kinh doanh vận tại nội thị, mỗi ngày đi có mấy km những từ khi có trạm BOT Ninh An này thì mỗi tháng tôi phải mất 50 triệu tiền phí, 2 năm nay tôi mất gần 2 tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Minh, (người ngồi) chủ doanh nghiệp vận tải tại phường Ninh Hiệp bức xúc tại buổi đối thoại.

“Sao các ông làm BOT mà không làm thẳng cả đoạn đường mà làm đứt quảng để đơn vị khác chen vào giữa một đoạn rồi các ông kéo dài đoạn đường đầu tư vào tận trong Ninh Lộc để rồi di dời trạm từ xã Ninh An về xã Ninh Lộc nhằm “tận thu” cả quốc lộ 26 (đi Đắk Lắk), hay người dân vùng lân cận. Các ông yêu cầu tôi làm đơn xin miễn giảm tôi cũng đã làm nhưng các ông thất hứa không chịu miễn giảm cho xe tôi”, ông Minh bức xúc nói.

Ông Ngụy Thụy Điển, trú tại phường Ninh Hiệp thì quan tâm là tại sao trạm thu phí Ninh An lại thu cao hơn các trạm khác.

Chủ đầu tư phải “xuống nước”

Trước đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trước khi triển khai thu phí tại BOT Ninh An, chủ đầu tư và chính quyền địa phương thông báo đến người dân như thế nào, ông Vũ Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả cho biết: “Do thời điểm thông báo chủ trương miễn giảm phí qua BOT Ninh An đến người dân gặp bão lũ. Lúc đó BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cũng đang tắc. Chúng tôi cùng với địa phương cố gắng làm càng nhanh càng tốt, chứ không những người có quyền lợi bức xúc. Còn những người dân bị thiếu sót thì do đi vắng hay vì lý do gì đó. Bây giờ thiếu sót thì bổ sung, cập nhật định kỳ thôi”.

Trước áp lực từ các ý kiến của các tài xế, doanh nghiệp vận tải, ông Trần Phúc Tự, Tổng Giám đốc Công ty đành phải chấp thuận miễn giảm 100% đối với xe loại 1 của 16 xã trên địa bàn thị xã.

Quảng cảnh buổi đối thoại.

Theo đó, từ ngày 5/1, trạm thu phí BOT Ninh An trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) sẽ miễn phí qua trạm đối với ô tô loại 1 (gồm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng) đăng ký trên địa bàn 16 xã, phường thuộc thị xã Ninh Hòa.

Bên cạnh đó, Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa và các chủ doanh nghiệp, lái xe cũng thống nhất cùng đề nghị Bộ GTVT cho giảm 50% phí qua trạm BOT Ninh An đối với các ô tô từ loại 2 đến loại 4.

Ông Tự hứa là sau một tháng (tức là đến đầu tháng 2/2018) chủ đầu tư sẽ chính thức trả lời các doanh nghiệp, lái xe sau khi có ý kiến, quyết định của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, khi đã thống nhất phương án miễn giảm phí qua trạm thì tại biên bản làm việc được chủ đầu tư soạn lại có đoạn: “Trong các ngày 1, 2, 3/1/2018, các chủ phương tiện có bức xúc về vấn đề miễn giảm đã tập trung ở trạm gây ảnh hưởng đến quản lý vận hành trạm gây mất trực tự an ninh địa phương và ùn tắc nghiêm trọng… Đến nay, chưa có sự tham giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, do vậy tình hình tiếp tục căng thẳng dẫn đến xô xát - đánh nhau tại khu vực trạm thu phí”.

Điều này đã khiến các tài xế bức xúc. Sau khi được các tài xế phản ánh là không có chuyện đánh nhau hay xô xát thì ông Tự đã xóa đi phần đó.

Văn Nhất

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/atgt/dan-phan-ung-manh-bot-ninh-an-xuong-nuoc-tintuc390988