Dân Pa Dí thu nhập hàng trăm triệu nhờ bán quýt ngọt qua mạng

Huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai được ví như mảnh đất "Trường Sa cạn". Bao đời nay, đồng bào dân tộc Pa Dí, Mông, Phù Lá sống nhờ bằng việc phát rừng làm nương rẫy, trồng ngô làm lương thực.

Đất có độ dốc lớn, nhiều đá lại thiếu nước, người dân địa phương đã tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, việc phát triển giống cây quýt bước đầu đã đem lại hiệu quả giúp nhiều hộ dân vùng biên cương này thoát cảnh đói nghèo.

Ở thôn Chúng Chải, Mường Khương có cả thảy 37 hộ dân, trong đó có 20 hộ là người Pa Dí. Kể từ năm 2005, trưởng thôn Pờ Chín Sài lặn lội đi tìm mua giống, học hỏi kỹ thuật chăm sóc để trồng cây quýt ngọt trên đồi cao.

Sau ba năm thấy bước đầu hiệu quả và đem lại thu nhập gấp nhiều lần trồng ngô, ông Sài mạnh dạn bỏ lúa ngô sang trồng quýt. Học tập trưởng thôn, 37 hộ dân khác tại thôn Chúng Chải bắt đầu chuyển đổi đưa cây quýt lên đồi cao.

Đến giờ, mỗi hộ dân ở thôn Chúng Chải đều có một vườn quýt riêng. Nhà ít 300 cây, nhà nhiều lên tới cả nghìn cây, mang lại thu nhập từ 30 - 400 triệu mỗi năm. Nhờ chuyển đổi trồng chuyên canh cây quýt, bà con ở Chúng Chải đã thoát nghèo nhanh chóng.

Gia đình chị Pờ Thị Sen, một trong những hộ có quy mô trồng quýt lớn nhất nhì thôn hiện đang có trong tay 6000 gốc quýt. Ban đầu, gia đình chị chỉ dám mua vài trăm gốc về trồng thử nghiệm. Không có tiền, chị liều đi vay mượn để mua cây giống.

Từ năm 2004 đến nay, hơn 2000 gốc của gia đình chị đã cho thu hoạch. Mỗi vụ cây quýt đã mang lại 20 tấn. Với giá bán 16.000 đồng/kg, ước tính mỗi năm chị thu về khoảng hơn 300 triệu đồng.

Cầm chiếc smartphone trên tay, chị Sen nhanh chóng cập nhật hình ảnh và giá thành sản phẩm lên trang Zalo, Facebook cá nhân thông qua sóng 4G Viettel. Kể từ ngày mạng về thôn bản, hình thức kinh doanh online cũng đã giúp lượng hàng bán ra tăng lên đáng kể.

"Hiện tại 1/3 số lượng đơn hàng bán ra là nhờ bán trên mạng, trong đó có đơn lên đến 7-8 tấn. Mình không thể đi xa quảng bá sản phẩm nhưng thông qua mạng Viettel vẫn có thể giới thiệu tới những khách hàng ở thành phố Lào Cai hay Hà Nội. Chỉ cần có người đặt hàng là mình lại đóng thùng rồi gửi qua đường ôtô".

Bán hàng qua mạng là điều trước đây không chỉ riêng chị Sen mà nhiều hộ dân khác ở thôn Chúng Chải chưa từng nghĩ tới. Ngoài ra, nhờ một lớp học "xóa mù chữ" của xã, giờ chị có thể nhanh chóng lên mạng tìm kiếm những thông tin hữu ích liên quan đến việc phát hiện sớm sâu hại trên cây quýt.

Chiếc điện thoại cũng không chỉ dùng để nghe gọi nữa mà còn là quyển sách cho chị thêm kiến thức hữu ích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

"Trồng cây sao cho ra quả to, mọng nước, vị ngọt, múi không khô cần phải có kỹ thuật chăm sóc từ khâu chọn giống, làm đất, vun gốc, tỉa cành,... Những cách thức chăm sóc như thế nào cứ tìm trên Internet là ra ngay" - chị Sen hồ hởi nói.

Đi qua bao mùa ngô xuống giá, lợn hơi thấp kỷ lục, giờ đây nhờ nghề nông gia đình chị Sen đã có mức thu nhập xếp vào hàng "triệu phú". Cái ăn đến giờ cũng không phải chạy lo từng bữa. Ngôi nhà xệp xệ ngày nào cũng đã được thay thế bởi ngôi nhà cao tầng sừng sững sát ngay sườn núi mờ sương.

Thậm chí, gia đình chị còn thuê thêm 3 nhân công cắt tỉa quýt mỗi ngày. Nếu số lượng 6000 gốc quýt trong thời gian tới phát triển theo đúng mong muốn, vợ chồng chị dự tính sẽ thuê thêm người làm và trả công theo tháng.

Chị Sen còn tính sẽ trồng thêm cả mận tam hoa, hồng giòn, bười đào để nâng cao thu nhập. Chị ước mơ cây quýt của thôn bản mình sẽ có mặt tại các hệ thống siêu thị trên toàn quốc và có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều mừng nhất không chỉ của riêng chị Sen mà còn của nhiều bà con khác trong địa phương là giống quýt thôn Chúng Chải đã được trồng theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cũng đã chính thức công nhận nhãn hiệu quýt Mường Khương. Ðó chính là tấm giấy thông hành để quýt ngọt xứ Mường có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Tính đến nay, Mường Khương đã có 348 ha quýt, trong đó có khoảng 100 ha cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt hơn 1.000 tấn, đem về cho đồng bào rẻo cao biên giới gần 20 tỷ đồng. Nhờ vậy đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện tốt hơn.

Từ năm 2017, Viettel đã phủ sóng 4G cho hầu hết xã, huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngay cả những vùng sâu vùng xa như Chúng Chải, Mường Khương. Nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ và mạng internet do Viettel cung cấp, bà con nông dân đã kịp thời cập nhật kỹ thuật canh tác và thay đổi phương thức kinh doanh, đem lại lợi nhuận cao hơn so với phương thức truyền thống.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/dan-pa-di-thu-nhap-hang-tram-trieu-nho-ban-quyt-ngot-qua-mang-490280.html