Đàn ông và ước mơ về sự bình đẳng hạnh phúc

Ngày 20/3 hàng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Năm 2021, Việt Nam đã vượt qua Bhutan để trở thành nước có chỉ số hạnh phúc thứ 5 thế giới và thứ 2 tại châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những tiêu chí hạnh phúc là sự bình đẳng giữa người với người, giữa nam và nữ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

 Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Nam giới Tiên phong ở Đà Nẵng.

Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Nam giới Tiên phong ở Đà Nẵng.

“Muốn tự tử” vì gánh nặng trụ cột

Thế nhưng ở Việt Nam, bên cạnh phụ nữ thì đàn ông có phải chịu định kiến giới không? Bất ngờ khi câu trả lời là có. Đó chính là quan niệm đã gần như trở thành chuẩn mực xã hội rằng đàn ông phải mạnh mẽ, phải kiếm được tiền, phải là trụ cột cho gia đình… Quan niệm này không những làm sai lệch nhận thức của nam giới, gây áp lực cho nam giới, mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Viện Nghiên cứu phát triển xã hội từng thực hiện một nghiên cứu về một số tiêu chí liên quan đến đàn ông và kết quả cho thấy tài chính và sự nghiệp được coi là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới. Gần 1/4 nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp.

Điều đáng lo ngại, những áp lực này có thể gây tác động bất lợi lên sức khỏe tâm thần của nam giới, đặc biệt là nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị. Đã có gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử, tỷ lệ này tăng tới 5,4% (tỷ lệ cao nhất) trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18-29.

Sự mặc định này đã và đang buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng, tạo ra những khắc chế đối với bản thân người đàn ông và người khác mà việc hạn chế quyền năng của phụ nữ, làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống là một ví dụ.

“Có rất nhiều người đàn ông khi ở ngoài xã hội thì phát biểu hùng hồn và tỏ ra rất hiểu biết về bình đẳng giới, nhưng khi về nhà thì như một ông “vua con”. Về thực chất, quan niệm đàn ông phải mạnh mẽ, phải trụ cột đã củng cố ưu thế và đặc quyền của nam giới đối với phụ nữ, hạn chế các cơ hội nâng quyền tự chủ về kinh tế của phụ nữ và biện minh cho sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tại nơi làm việc cũng như trong gia đình và ngoài xã hội” - TS Khuất Thu Hồng , Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội nhấn mạnh.

Điều chỉnh cán cân để cùng sống vui

Rõ ràng rằng cũng như phụ nữ, đàn ông đang phải chịu nhiều áp lực về định kiến giới và họ cũng cần được xã hội điều chỉnh lại cách đánh giá, nhìn nhận, hay nói cách khác là quan niệm “lệch chuẩn tích cực” để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới hiện nay ở Việt Nam.

Đây cũng là mục tiêu của Diễn đàn “Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới”, do Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới (GBVNet) vừa tổ chức tại Hà Nội. Đây là diễn đàn đầu tiên ở Việt Nam đặt ra vấn đề gỡ bỏ áp lực định kiến giới đang đè nặng lên nam giới.

Gỡ như thế nào? Gỡ ra sao? Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ những quan niệm mang tính mặc định đã và đang buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng và tạo ra những khắc chế đối với bản thân người đàn ông.

Và vô hình trung hạn chế quyền năng của phụ nữ, làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới. Để giải quyết vấn đề thì chính đàn ông phải trở thành nhân tố chính thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới thay vì phụ nữ như xã hội vẫn thấy và nghĩ xưa nay.

Tháng 8/2013, Dự án Câu lạc bộ Nam giới Tiên phong được thực hiện tại Đà Nẵng. “Vì cho rằng đàn ông nhiệm vụ chính là kiếm tiền, trụ cột gia đình nên rất nhiều nam giới, kể cả những người có trình độ cao thường phản đối gay gắt việc đàn ông làm việc nhà, ví dụ như đi chợ, nấu nướng và giặt giũ.

Trước kia tôi thường la hét và tức giận khi vợ tôi làm điều gì mà tôi không đồng ý. Sau khi tham gia Câu lạc bộ Nam giới Tiên phong, tôi đã chia sẻ công việc nội trợ với vợ mình, trong khi trước đó tôi để cho vợ mình làm nhiều hơn. Tôi cũng kiểm soát và hạn chế sự tức giận của mình” - ông Trương Văn Khang ở phường Hòa Cường Bắc, thành viên Câu lạc bộ Nam giới Tiên phong tại Đà Nẵng cho biết.

Từ chia sẻ này có thể thấy thái độ của nhóm nam giới ở đô thị về nam tính, hôn nhân, gia đình, phụ nữ và bình đẳng giới đang chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Khảo sát cho thấy có tới 38,8% nam giới đô thị trong tuổi 18-29 chia sẻ việc nấu ăn với vợ so với 24,4% nam giới ở độ tuổi từ 60 trở lên.

Tại Diễn đàn, Mạng lưới Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới ở Việt Nam đã được thống nhất thành lập. Đóng vai trò đồng tổ chức Diễn đàn và nêu sáng kiến thành lập mạng lưới, TS Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, nhiều nam giới Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng, để không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh phát triển mới, họ cần phải tham gia nhiều hơn vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới cùng với phụ nữ, cùng chia sẻ những áp lực và cơ hội thành công trong cuộc sống.

“Đó là lý do chính khiến chúng tôi đi đến ý tưởng thành lập mạng lưới. Tôi mong muốn nhiều nam giới hưởng ứng ý tưởng này để trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, mỗi người đàn ông đều được đồng hành và sẻ chia với mẹ, với vợ, với con gái, với các chị em gái và các đồng nghiệp nữ cũng như các bạn nữ của mình” – TS. Trần Kiên chia sẻ.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/dan-ong-va-uoc-mo-ve-su-binh-dang-hanh-phuc-578462.html