'Đàn ông Hàn Quốc khiến cả nước xấu hổ'

Nhận xét về bài viết chỉ trích vấn nạn bất bình đẳng giới ở xứ kim chi trên tờ New York Times, một khán giả chia sẻ: 'Đàn ông Hàn Quốc khiến cả nước xấu hổ'.

"Park Na Rae dùng búp bê nam để nô đùa, và giờ cô ấy bị buộc tội quấy rối tình dục. Nam giới Hàn Quốc khẳng định họ cảm thấy bị xúc phạm bởi hành động của nữ diễn viên, trong khi đó những người ủng hộ Park Na Rae cho rằng cô là nạn nhân của vấn đề tiêu chuẩn kép ở nước này", tác giả Mike Ives, Kim Yoo Mi và Yoo Young Jin mở đầu bài viết đăng trên New York Times ngày 12/5.

Trong bài báo, ba tác giả đã mượn chủ đề vụ lùm xùm quấy rối tình dục của Park Na Rae để mở rộng ra chủ đề trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới tại Hàn Quốc. Bài viết đã vấp phải ý kiến trái chiều của khán giả xứ kim chi. Nam giới Hàn Quốc chỉ trích tác giả theo phong trào nữ quyền quá đà, trong khi đó, phần đông ý kiến (và chủ yếu là phụ nữ) đồng ý với quan điểm của New York Times.

 Park Na Rae bị cáo buộc quấy rối tình dục.

Park Na Rae bị cáo buộc quấy rối tình dục.

Park Na Rae kích động phụ nữ?

Vụ việc nổ ra khi chương trình tự sản xuất của nữ diễn viên hài Park Na Rae xuất hiện cảnh đùa giỡn nhạy cảm của cô với một con búp bê hình dáng nam giới. Nữ diễn viên đặt tay búp bê vào khoảng giữa hai chân của búp bê và nói những từ ngữ mang hơi hướm tình dục.

"Theo tiêu chuẩn của hài kịch phương Tây, phân đoạn trên - được lên sóng hồi tháng 3 - có lẽ không khiến khán giả khó chịu, nhưng lại gây ra tai tiếng lớn ở đất nước của Park Na Rae là Hàn Quốc. Hàng loạt nam giới buộc tội cô quấy rối tình dục, cảnh sát cũng vào cuộc điều tra", New York Times viết.

Vụ bê bối đã gây xôn xao dư luận trong nhiều tuần và hủy hoại sự nghiệp của Park Na Rae. Những người ủng hộ nữ diễn viên hài cho rằng tình hình chỉ trích, phản ứng kịch liệt nam giới dành cho cô là hình ảnh minh họa rõ ràng nhất cho vấn nạn tiêu chuẩn kép trong xã hội Hàn Quốc.

Theo nữ giới xứ kim chi, nam giới nước này thường xuyên khoe khoang về các cuộc chinh phục tình ái, các hành động quấy rối, cat-call như một trò đùa thường ngày, hoặc thậm chí coi những hành vi trên là chiến tích đáng tự hào. Trong khi đó, nếu phụ nữ dám đề cập đến chuyện tình dục ở nơi công cộng, họ sẽ bị ghét bỏ, chỉ trích, thậm chí bị phạt.

Jamie Suk (26 tuổi) - quản lý mảng digital marketing của một công ty lớn tại Seoul (Hàn Quốc) - chia sẻ với New York Times: "Nam giới coi việc nhắc đến vấn đề tình dục là chuyện rất 'ngầu', nhưng phụ nữ lại phải tìm cách giấu tất cả".

Jamie Suk khẳng định bản thân cũng nhận thấy hành vi của Park Na Rae là "thô lỗ, dù chỉ là động tác giả trên búp bê", nhưng rõ ràng những lời chỉ trích của đàn ông Hàn Quốc và cuộc điều tra của cảnh sát nhắm vào cô là "không công bằng đến mức trắng trợn".

Sự nghiệp của nữ diễn viên hài bị hủy hoại sau scandal quấy rối tình dục bằng búp bê.

“Nếu Park Na Rae bị cảnh sát điều tra, thì mọi hành vi tương tự hoặc tệ hơn cũng phải bị điều tra như thế", cô gái 26 tuổi bày tỏ sự bức xúc.

Mo Hyun Joo - nhà nhân chủng học chuyên nghiên cứu các vấn đề giới tính và văn hóa trong thời đại kỹ thuật số - cho rằng tiết mục của Park Na Rae (đã bị xóa khỏi YouTube sau khi gây tranh cãi) gây chấn động mạnh vì đã gợi ý, kích động phụ nữ Hàn Quốc tự do theo đuổi các xung động tình dục của bản thân.

Tất nhiên, rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc cũng cho rằng hành động của Park Na Rae là vượt quá giới hạn và đáng bị chỉ trích. "Nhưng phụ nữ cũng cho rằng đàn ông trong nước đã phản ứng quá đà. Nhìn vào những sai lầm, những trò đùa và thành kiến ăn sâu vào não của đàn ông về phụ nữ, cả trên mạng và ngoài đời, liệu họ có quyền buộc tội Park Na Rae hay không?", Mo Hyun Joo tiếp tục chia sẻ quan điểm với phóng viên của New York Times.

Vấn nạn bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc

Lee Won Jae - giáo sư của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc - đã nghiên cứu và chỉ ra rằng những lời chỉ trích thậm tệ nhắm vào Park Na Rae không đến từ những thành viên nam của các trang web có tư tưởng cực đoan, mà trái lại, chủ yếu là nam giới trưởng thành và phát triển trong môi trường xã hội văn minh.

Giáo sư Lee cho biết Hàn Quốc là một trong những quốc gia trả lương theo giới tính, và khoản chênh lệch tiền lương giữa nam giới và nữ giới rất lớn. Và đàn ông Hàn Quốc thường xuyên cảm thấy bị đe dọa bởi các phong trào bình đẳng giới, hoặc phong trào đấu tranh vì nữ quyền, dù Tổng thống Moon Jae In luôn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.

Phụ nữ Hàn Quốc nhiều lần tổ chức biểu tình phản đối bất bình đẳng giới.

Theo bài viết, đàn ông Hàn Quốc có xu hướng sợ phụ nữ được đối xử bình đẳng, sẽ cạnh tranh về công việc và nhận được nhiều quyền lợi hơn trong xã hội cũng như trong hôn nhân.

Lee Won Jae chia sẻ về cách suy nghĩ phổ biến của nam giới Hàn Quốc ngày nay: “Tại sao mọi người lại quay sang ủng hộ nữ giới? Nhìn tôi đây: Tôi phải đi nghĩa vụ quân sự đấy, họ (nữ giới) làm gì được cho tôi không?".

Phân biệt giới tính và bất bình đẳng giới là vấn đề tồn tại nhiều năm ở Hàn Quốc. Các vụ án gắn camera ẩn theo dõi, chụp trộm thân thể phụ nữ hay ép buộc phụ nữ trở thành nô lệ tình dục đều xuất phát từ tư tưởng phụ nữ là "chiếu dưới" và không có quyền liên tiếng trong xã hội.

Quấy rối tình dục, bạo hành thể xác và tinh thần xuất phát từ tư tưởng coi thường phụ nữ xuất hiện khắp nơi ở Hàn Quốc, từ vùng quê nghèo đến thủ đô hoa lệ, từ ngành giải trí đến giới chính trị.

Cựu thị trưởng thành phố Seoul Park Won Soon từng bị cấp dưới tố cáo hành vi quấy rối tình dục, ông này sau đó đã tự tử. Chính quyền thành phố Seoul phải lên tiếng xin lỗi vì vụ việc trên, đồng thời thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, giúp đỡ phái nữ.

Trong ngành giải trí, vụ án cưỡng hiếp và quay lén cảnh quan hệ tình dục của Jung Joon Young và Choi Jong Hoon đã quá tai tiếng, không ai không biết. Nhiều sao nam khác cũng từng bị chỉ trích vì có những lời nói, hành động mang tính quấy rối tình dục phụ nữ khi xuất hiện trên truyền hình hay chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng không nhiều người bị chỉ trích đến mức phải có sự can thiệp của cảnh sát như trường hợp của Park Na Rae.

Với trường hợp của Park Na Rae, báo chí Hàn Quốc đưa tin cảnh sát điều tra nữ diễn viên đã được quy định khi có khiếu nại. Tuy nhiên, New York Times lấy ý kiến từ OpenNet - tổ chức phi chính phủ chuyên ủng hộ quyền riêng tư trên Internet tại Hàn Quốc - và khẳng định hành vi của cô không cấu thành tội quấy rối tình dục, theo chính sách do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đặt ra.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn gây ra luồng tranh cãi trái chiều lớn. No Cut News đã trích dẫn nội dung do Kim Yoo Mi, Yoo Young Jin viết trên New York Times, bài đăng này nhận được 826 bình luận, trong đó phần lớn là chỉ trích quan điểm sai lệch của nam giới.

Jung Joon Young và Choi Jong Hoon bị phạt tù vì hành vi cưỡng bức phụ nữ.

"Vụ tranh cãi (về Park Na Rae) khiến vấn đề phân biệt giới tính và ghét bỏ phụ nữ ở Hàn Quốc được đưa tới tận Mỹ. Tại sao họ lại yêu cầu cảnh sát điều tra vụ này? Và sau đó các nước khác sẽ nhìn người Hàn Quốc một cách lạ lùng và tự hỏi sao cảnh sát lại điều tra một nữ diễn viên hài làm trò cười với búp bê trong video đăng trên kênh riêng đấy", một khán giả bình luận trong bài đăng trên No Cut News.

Một khán giả khác nêu quan điểm: "Điều khiến tôi thấy buồn cười là đàn ông không bao giờ bình luận dưới những bài viết về những gã bị bắt quả tang quấy rối tình dục phụ nữ. Nhưng hiếm hoi mới có một bài về nữ giới quấy rối, họ lên tiếng và làm ầm ĩ phía dưới. Và tệ hơn nữa là họ không đóng góp, phân tích gì, ngoài việc chỉ ra tác giả là phụ nữ và thường đấu tranh vì nữ quyền".

Khán giả khác thậm chí nhận định: "Đàn ông Hàn Quốc khiến cả nước xấu hổ".

Hậu trường cú xoay váy dạ hội của Khánh Vân Sau đêm bán kết Miss Universe 2020, Hoa hậu Khánh Vân đã tung ra video hậu trường ghi lại cảnh tập luyện của cô với bộ váy dạ hội có tên "Hừng đông".

Nghiêm Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-ong-han-quoc-khien-ca-nuoc-xau-ho-post1215898.html