Đàn ông cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình

Thực tế, nam giới cũng chịu sự tấn công, giày vò từ chính người yêu, bạn đời. Họ gặp khó khăn khi tìm sự trợ giúp vì quan niệm 'Đàn ông phải mạnh mẽ'.

Zing trích dịch bài đăng trên DW, đề cập đến vấn nạn bạo hành gia đình đối với nam giới. Vì định kiến xã hội, các nạn nhân là đàn ông gặp nhiều khó khăn khi tìm sự giúp đỡ.

"Tôi muốn làm người hùng bảo vệ cô ấy" là những gì Tami Weissenberg - một chàng trai người Đức mạnh mẽ, tự tin - suy nghĩ trong lần đầu gặp mặt người sẽ trở thành bạn gái mình.

Khi nghe cô kể về việc từng bị bạn trai cũ đánh đập, Tami vô cùng xót xa. Anh mong bản thân sẽ là người chở che, chứng minh cho cô thấy không phải đàn ông nào cũng tệ bạc, vũ phu.

Nhưng không ai ngờ rằng Tami lại trở thành nạn nhân bạo hành gia đình, chịu giày vò về thể chất và tinh thần nghiêm trọng suốt 6 năm yêu đương. "Hóa ra tất cả chỉ là màn kịch để chiếm lấy lòng tin từ tôi", anh hồi tưởng.

 Tami Weissenberg chia sẻ câu chuyện bị bạn gái bạo hành suốt 6 năm bên nhau. Ảnh: Tagblatt.

Tami Weissenberg chia sẻ câu chuyện bị bạn gái bạo hành suốt 6 năm bên nhau. Ảnh: Tagblatt.

Mối quan hệ độc hại

Sau một thời gian tìm hiểu, cặp tình nhân chuyển về sống chung. Giữ đúng lời hứa, Tami trở thành chỗ dựa vững chắc cho bạn gái về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, đó là lúc câu chuyện tệ dần.

"Mọi thứ đảo lộn trong một kỳ nghỉ. Bạn gái tôi không hài lòng với khách sạn chúng tôi lựa chọn và từ chối trả tiền. Cô ấy lớn tiếng chửi rủa quản lý và muốn tôi đứng về phía mình. Tôi không muốn làm vậy nên ra xe đợi trước. Một lúc sau, cô ấy bước vào, tát tôi và bắt đầu la hét", chàng trai hồi tưởng.

Khi bình tĩnh lại, người phụ nữ ấy lý giải cơn thịnh nộ vừa rồi bằng tuổi thơ thiếu vắng tính thương của cha mẹ. Tami tin lời người yêu và tự nhủ: "Chuyện này sẽ không bao giờ lặp lại. Mình phải luôn đứng về phía cô ấy".

Vài năm trôi qua, mức độ phụ thuộc về mặt cảm xúc từ hai phía ngày càng sâu sắc. Tami luôn đặt mong muốn của bạn gái lên hàng đầu, tuân theo mọi quy định do cô đặt ra. "Hễ làm trái ý, cô ấy lập tức đánh vào đầu tôi. Tôi cảm thấy mình như kẻ hầu trong nhà".

Tami Weissenberg chịu sự giày vò về tinh thần và thể chất từ người bạn gái. Ảnh: News & Star.

Dù thực hiện mọi thứ theo lời người yêu, Tami vẫn gặp rắc rối. Gần đây nhất, Weissenberg phải nhập viện trong tình trạng gãy xương, cơ thể có nhiều vết trầy xước.

Dẫu vậy, anh vẫn không hề phản kháng. "Tôi quá sợ hãi và xấu hổ. Mỗi ngày, tôi cẩn thận đáp ứng yêu cầu của bạn gái từng chút một. Tôi không có thời gian để cảm thấy cô đơn hay suy nghĩ về hoàn cảnh của mình".

Thậm chí, người phụ nữ này còn kiểm soát các mối quan hệ xã hội của bạn trai. Để tránh người ngoài phát hiện chuyện bạo hành, cô yêu cầu Tami phải cắt đứt liên lạc với mọi người, kể cả gia đình anh.

Tami kể rằng những trận đòn anh phải hứng chịu chưa phải điều kinh khủng nhất. "Cô ấy từng đứng trước mặt tôi trong trạng thái khỏa thân, tự tra tấn bản thân mình và hét lên đau đớn. Khi tôi đang bần thần chưa hiểu chuyện gì thì cô ấy dừng lại, mặc quần áo và rút ra một chiếc máy ghi âm bỏ túi".

Hóa ra, đó là chiêu trò buộc Tami giữ kín hành vi bạo lực của cô. Chàng trai cảm thấy hoàn toàn tê liệt: "Tôi rất hoảng loạn, không dám vượt quá giới hạn. Tôi sợ mất thể diện ngoài xã hội, mất việc làm, bị coi là kẻ bạo hành gia đình".

Nam giới cũng là nạn nhân

Tami không phải người đàn ông duy nhất chịu giày vò về thể chất và tinh thần từ người yêu, bạn đời. Thống kê của chính phủ Đức cho thấy mỗi năm, nước này có khoảng 26.000 nam giới là nạn nhân bạo hành gia đình.

Thực tế, đàn ông thường được xã hội quan niệm là những con người "mạnh mẽ", "tự tin", "nam tính". Vì vậy, họ dễ cảm thấy xấu hổ hoặc chịu ánh nhìn xét nét nếu tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo hành.

"Vấn nạn bạo hành với nam giới thường được truyền thông mô tả với thái độ châm biếm. Quan niệm 'đàn ông phải mạnh mẽ' khiến họ gặp khó khăn để thoát khỏi cảnh bị điều khiển, đánh đập", Elizabeth Bates - nhà nghiên cứu tại ĐH Cumbria (Anh) - nói.

Theo nghiên cứu thí điểm năm 2004 của Bộ Các vấn đề gia đình Đức, cứ 6 nam giới thì có một người từng bị bạn tình bạo hành. 10% số đó cho biết từng bị tát, đá hoặc ném đồ đạc vào người. Đáng nói, hình thức bạo hành phổ biến nhất là giày vò tinh thần.

Nam giới có xu hướng bị bạn đời bạo hành tinh thần hơn thể chất. Ảnh: Getty.

"Nạn nhân là nam giới thường ít bị tấn công thể chất hơn nữ giới. Đối phương có thể kiểm soát mối quan hệ xã hội hoặc nhục mạ nạn nhân", Ralf Puchert, tác giả nghiên cứu, nhận định.

Xu hướng này không hề hiếm gặp trên thế giới. Thống kê tại Mexico cho thấy 25% nạn nhân bạo hành gia đình là đàn ông. Ở Kenya, Nigeria hay Ghana, nhiều nam giới bị bạn đời đánh đập, chửi rủa vì không có việc làm. Vì là đàn ông - trụ cột gia đình trong quan niệm xã hội, họ rất ít khi nhận được sự cảm thông, hỗ trợ khi rơi vào tình cảnh này.

Để thay đổi điều này, Man-o-Mann, đường dây nóng dành riêng cho nạn nhân là nam giới tại Đức, đã được đưa vào hoạt động. "Họ cần một nơi an toàn để giãi bày cảm xúc của mình", Andreas Haase, tổng đài viên, chia sẻ.

Kể từ đó, Man-o-Mann nhận được hàng chục cuộc điện thoại hàng tuần. "Không ít vị khách nói rằng họ không dám chia tay vì sợ người yêu sẽ tấn công kinh khủng hơn thế. Nhiều người thậm chí không hay biết mình đang bị bạo hành", Haase nói thêm.

"Đào tẩu" khỏi mối quan hệ

Ý nghĩ trốn thoát khỏi mối quan hệ độc hại này đến với Tami Weissenberg một cách tình cờ. "Hôm đó, tôi hơi đau họng nên xin tan làm sớm. Thế nhưng thay vì về nhà, tôi quyết định lái xe tới nơi khác và không bao giờ quay lại nữa".

Tami Weissenberg quyết định tẩu thoát khỏi mối quan hệ độc hại và thành lập nhóm hỗ trợ cho nam giới đồng cảnh ngộ. Ảnh: Tagblatt.

Sau đó, Tami thành lập nhóm xã hội với tên gọi "Weissenberg", chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho nam giới bị bạo hành gia đình. Anh hiện đã tìm thấy nửa kia lý tưởng để đồng hành cùng mình.

Đặc biệt, Tami không hề cắt đứt liên hệ với bạn gái cũ hay lên tiếng chỉ trích cô. "Những mất mát trong quá khứ đẩy cô ấy trở thành con người của ngày hôm nay. Cô ấy sợ hãi cảm giác không được chú ý, yêu thương", anh giải thích.

Tami khẳng định bạo hành gia đình không phải cuộc tranh luận về giới tính. Dù phụ nữ có nguy cơ bị tấn công nhiều hơn, song đàn ông không phải trường hợp ngoại lệ. Bằng việc làm của mình, anh mong muốn nâng cao nhận thức xã hội và thách thức định kiến giới đối với phái mạnh.

"Chặng đường này còn rất dài", Tami nhận xét.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-ong-cung-la-nan-nhan-cua-bao-hanh-gia-dinh-post1163176.html