Đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi làm bố

Blogger Hoàng Minh Trí (bút danh Cu Trí) - tác giả tập tản văn châm biếm 'Cuộc đời tròn hay méo' (2015) một lần nữa trình làng 'đứa con tinh thần' thứ 2 mang tên 'Đàn ông trưởng thành không vô tâm'. Lần này, vẫn giọng văn tung tẩy, hài hước nhưng được tác giả xoáy sâu vào những giá trị sống như tình cảm gia đình, tình cảm giữa người với người trong bộn bề mưu sinh…

Cuốn sách “Đàn ông trưởng thành không vô tâm” của tác giả Hoàng Minh Trí

Cuốn sách “Đàn ông trưởng thành không vô tâm” của tác giả Hoàng Minh Trí

Theo lời Hoàng Minh Trí thì anh là một người đàn ông bình thản ăn năn, nhiều đức tính xấu xí rất khó chấp nhận; một ông bố nửa trẻ nửa già chấp chới bước vào ngưỡng tuổi 40 vẫn ham chơi, lười nhác. Rồi trong những lúc ngà say, anh nhận ra phận làm cha của mình, lại suy nghĩ, trưởng thành hơn, yêu thương… và viết. “Đàn ông trưởng thành không vô tâm” là cuốn sách nhỏ tập hợp những ghi chép vụn vặt đầy chất chứa tự sự rất đời thường ấy của anh.

Khi nào đàn ông trưởng thành (?)

Trong số những tạp văn mà Trí viết, anh dành nhiều câu chữ giản dị, rất đời nhưng đầy ắp tình cảm cho những đứa trẻ: “Đánh con”; “Nỗi buồn trẻ con”; “Con gái bé bỏng”; “Tản mạn chuyện cha con”; “Thời gian cho con”; “Anh hùng của con”... Hoàng Minh Trí giải thích: “Tôi là người đàn ông rất vô tâm, sự vô tâm ấy kéo dài năm này sang năm khác. Và chỉ đến khi tôi có con, tôi bắt đầu thay đổi nhận thức dần dần và tôi bỗng thấy, tôi lớn lên cùng con trai của mình”.

Đọc sách “Đàn ông trưởng thành không vô tâm” của Hoàng Minh Trí, có những câu văn mà Trí viết, ngắn thôi nhưng khiến sống mũi ta cay cay. Đàn ông không thể vô tâm được mãi, bởi đôi khi sự vô tâm làm tổn thương người xung quanh họ. Trí lý giải: “Thực chất cuộc sống hiện đại bây giờ, sự vô tâm của đàn ông càng lớn, bởi họ bị chi phối bởi rất nhiều thứ bên ngoài xã hội như công việc, kiếm tiền, khởi nghiệp…”.

Anh tâm sự: “Khi con tôi còn nhỏ, đối thoại giữa hai cha con không có nhiều. Nhưng khi con lớn lên con cãi, tôi nhìn thấy tuổi thơ của mình… tôi thấy cần có sự gắn kết gia đình, tất cả cùng sống trong vòng tròn”. Vòng tròn ấy ngày càng được bồi đắp, những người trong cùng tổ ấm quan tâm, che chở, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Cái cách mà Trí làm không khó, nhưng có thể đem lại cho con trẻ niềm vui và kỷ niệm, anh đưa con đi chơi, cùng con quan sát cuộc sống để cho con những trải nghiệm lý thú.

Dài ngắn đi qua nửa cuộc đời, những điều tốt xấu trong tâm hồn và cách hành xử của con người và xã hội, Trí viết ra thẳng thắn, không màu mè nhưng thấu đáo nếu nhận được sự đồng cảm của độc giả. Phần lớn, chuyện Trí băn khoăn đều đang hiện hữu hàng ngày trong mỗi gia đình.

Ví như những người lớn nhang nhác giống nhau, luôn cố gắng chu cấp cho lũ trẻ đủ đầy vật chất, cố gắng chỉ dạy cho chúng được thụ hưởng những thứ mà họ đã thiệt thòi thèm khát nhưng không được học khi còn nhỏ. Nhưng còn một thứ cần thiết khác, đó là sự thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, người lớn lại quên mất dạy cho con. Hay, “nếu cảm nhận được sự đau xót từ một cái tát thì chúng ta sẽ chẳng thể tát ai”.

Biết giữ lấy bàn tay…

Ngoài trẻ con, Trí còn dành tặng tình yêu thương cho phụ nữ, bởi lẽ, phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi. Anh chiêm nghiệm nhiều trong những dòng mình viết, người đọc chiêm nghiệm cùng anh và đặt câu hỏi làm thế nào để ấm êm hòa thuận trong hôn nhân là chuyện cực kỳ phức tạp. Có thể tồn tại nhiều cuộc hôn nhân tốt, nhưng về cơ bản không có cuộc hôn nhân nào dễ chịu.

Kinh nghiệm của người này có thể là thất bại của người khác. Nhưng nếu biết giữ lấy bàn tay, khi người này níu người kia cũng mềm lòng thì mọi cuộc hôn nhân đã có thể khác đi. “Suy cho cùng, ai cũng chỉ muốn được yên ấm trong một bàn tay mà mình tin tưởng”. Trách nhiệm yêu thương và giáo dục con cần vòng tay đủ đầy của cả cha lẫn mẹ. Trí khẳng định: “Một người đàn ông không biết lo cho gia đình mình sẽ không bao giờ có thể là một người đàn ông chân chính”.

Rất nhiều người thắc mắc, bén duyên với sách vở, Trí hy vọng điều gì? Hóa ra điều Trí mong lại rất dịu dàng, anh cười xòa: “Tôi muốn mỗi người đọc có thể nhận lại cho mình một kinh nghiệm, một sự giải thích nào đó, nhiều lúc chúng ta làm sai nhưng cũng không nhận thức là mình sai”.

* “Tôi là người đàn ông rất vô tâm, sự vô tâm ấy kéo dài năm này sang năm khác. Và chỉ đến khi tôi có con, tôi bắt đầu thay đổi nhận thức dần dần và tôi bỗng thấy, tôi lớn lên cùng con trai của mình”.

* “Khi con tôi còn nhỏ, đối thoại giữa hai cha con không có nhiều. Nhưng khi con lớn lên con cãi, tôi nhìn thấy tuổi thơ của mình… tôi thấy cần có sự gắn kết gia đình, tất cả cùng sống trong vòng tròn”.

Hoàng Minh Trí

Nguyễn Ngọc Trâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/dan-ong-chi-thuc-su-truong-thanh-khi-lam-bo/743406.antd