Đàn ông Ai Cập xây đền, đàn bà La Mã xây bếp

Đàn ông Ai Cập xây đền, đàn bà La Mã xây bếp

Luxor – cố đô xưa cũ của Ai Cập, vốn được biết với cái tên Thebes. Khi người hồi giáo tới đây, họ thấy những lâu đài tráng lệ, những đền thờ nguy nga, những mộ phần lộng lẫy và cái tên Luxor ra đời (theo tiếng Ả Rập nghĩa là những lâu đài). Nằm ở thượng lưu sông Nile, nhờ ơn thần Amun, dân nơi đây sống khỏe mạnh bởi việc khai thác đá Alabaster và uống nước mía.

Để cảm tạ vị thần này, dân Luxor xây cho Amun không chỉ một đền mà cả một khu đền Karnak. Tôi nghĩ rằng Karnak theo tiếng Ả Rập nghĩa là choáng ngợp bởi đó là cảm giác đầu tiên khi bước chân đến đây. Là một thứ cha truyền con nối nên sự hoành tráng của Karnak là không thể chối từ. Có tới 11 đời Pharaoh xây đắp công trình này nên nó là thể thống nhất những nghệ thuật lộn xộn.

Cổng vào dang dở của Karnak

Cổng vào dang dở của Karnak

Người Ai Cập xây nhà rồi mới xây cổng

Khi xưa, dân Ai Cập thích xây nhà rồi mới xây cổng. Mặt trời đã bao lần mọc lặn trên thung lũng các nhà vua mà cổng thành của Karnak vẫn chưa hoàn thành và sẽ chẳng bao giờ hoàn thành. Tuy nhiên ẩn sau nó lại là cả một công trình đồ sộ, tinh xảo, đủ đầy. Đầu tiên là hàng tượng nhân sư đầu cừu, rồi khu sân rộng cùng những gian phòng nhỏ thờ thần Amun, vợ thần Mut và con trai – thần mặt trăng. Nơi cúng tế được dựng nên bởi những bệ đá Alabaster trắng sữa để dân thường tập trung khấn vái.

Hàng tượng nhân sư đầu cừu ở cổng vào Karnak

Nhiều thứ ở Karnak vẫn còn chưa hoàn thiện

Dân ở đây có thể cúng các vị thần hoặc các Pharaoh tôn kính. Bởi bên cạnh tượng thần Amun cùng vợ thì tượng Seti I, tượng Tutankhamun cũng hiện hữu. Nhưng, như hầu hết các công trình kì vĩ khác của Ai Cập, nơi hoành tráng nhất của đền phải dành cho Ramses II. Người ta bảo Ramses II là kẻ đánh cắp vinh quang ghê gớm nhất trong lịch sử, khi đi đến đâu ông cũng khắc cartouche của mình (cartouche là hình oval có các chữ tượng thể hiện tên hiệu của Pharaoh), thậm chí khắc đè lên người khác. Ở Karnak cũng thế, trong căn phòng to rộng với hơn 134 cái cột giống hình những cây sậy, xây dựng bởi Seti I, trần nhà cũng chi chít cartouche của con trai ông bởi Ramses II chính là người cho thi công trang trí. Căn phòng này vốn được xây dựng để làm nơi cho các Pharaoh biểu dương sức mạnh của mình. Pharaoh phải chiến đấu với mãnh thú vài ba lần trong cả cuộc đời vua chúa. Lần cuối cùng thể hiện mình của Ramses II là khi ông 80 tuổi và ông phải đánh nhau với một con cá sấu sông Nile. Với sự tài tình nào đó, con cá sấu chết còn Ramses II sống tới tận năm 90 tuổi.

Có tới 11 đời vua Pharaoh cùng xây dựng nên những công trình vĩ đại này

Có đến hàng trăm cây cột lớn ở khu quần thể Karnak

Đi sâu hơn vào bên trong Karnak dễ nhận thấy sự in dấu của nữ quyền. Khoảng sân rộng với những cột Obelisk hay tượng nữ hoàng Hatshepsut uy nghi. Obelisk không chỉ tượng trưng cho sự sùng bái thần thánh mà đơn giản nó giống như biển báo “Ở đây có một cái đền”. Hatshepsut cho bọc hợp kim vàng hai Obelisk để chúng sáng choang một góc trời. Một obelisk cho cha mình, còn cột còn lại cho vị cha tối thượng Amun.

Như tất các cả Pharaoh nam khác, Hatshepsut luôn tự coi mình là con gái của thần. Hẳn cũng vì cái sáng choang ấy mà khi con rể của Hatshepsut lên ngôi, hắn cho xây tường bao quanh để che dấu đi sự xấu hổ của dòng tộc (sách Lonely planet thì bảo hắn cạo sạch hợp kim vàng). Thời gian phủ bụi lên Obelisk, đập đổ tường vây. Một Obelisk lộ ra chẳng còn sáng lóa, một cột Obelisk gục xuống vẫn bóng nguyên màu granite. Hatshepsut dù bị hạ bệ, vẫn được ghi nhận thân phận đế vương cùng những dấu tích chẳng thể tàn phá bởi Thumose III hay cát bụi thời gian.

Cartouche là hình oval có các chữ tượng thể hiện tên hiệu của Pharaoh

Khoảng sân rộng với những cột Obelisk

Hàng năm khi lễ hội Opet diễn ra, những đoàn thuyền sẽ được điều động tới, đưa rước thần Amun cùng lễ vật tới thăm vợ thần là thần Mut ở đền Luxor.

Cát bụi thời gian chỉ che phủ hồ nước xưa kia các thầy tu tắm mình ngày hai lần để thanh khiết cơ thể. Ngày nay hồ không còn, thầy tu cũng chẳng có, chỉ có một cột đá diệu kì. Tôi vẫn chưa biết vì sao nó kì diệu nhưng nghe đồn là nếu đi vòng quanh nó 3 vòng sẽ trở nên giàu có, 7 vòng sẽ tìm thấy tình yêu, còn 50 vòng tôi đoán là sẽ thành… tour guide.

Khu vực hồ kéo thẳng ra cánh cửa phụ của đền, gần ngay cảng sông Nile. Hàng năm khi lễ hội Opet diễn ra, những đoàn thuyền sẽ được điều động tới, đưa rước thần Amun cùng lễ vật tới thăm vợ thần là thần Mut ở đền Luxor. Nghe cũng hao hao cầu ô thước của Ngưu Lang – Chức Nữ. Chỉ khác là cả đi và về Ngưu Lang đều phải leo cầu quạ, còn thần Amun khi đi tàu biển, lúc về ngão nghệ thuyền mặt trời với nhiều người khiêng, vượt qua 3km đường nhân sư về ngự lại Karnak.

Khu chợ ở Luxor

Chân dung một cậu bé ở Luxor

Luxor – Khu đền nhuốm màu thời gian

Đền Luxor nhỏ bé hơn Karnak nhưng cấu trúc tương tự với cổng thành, hàng tượng nhân sư bên ngoài, khoảng sân rộng thờ cúng và Obelisk ở lối vào. Trước đây Luxor có 2 Obelisk đối xứng, nhưng một ngày Mohamed Ali nổi hứng “nhổ bật” một cái đi tặng người đẹp – nữ hoàng nước Pháp, thì chỉ còn lại một Obelisk rất sáng giá và đáng được yêu thương. Không yêu thương sao được khi đền Luxor bé nhỏ này đã từng bị chôn vùi bởi cát sa mạc, bị đốt cháy bởi người theo đạo Thiên Chúa giáo, bị phá nát bởi người Ả Rập. Dù bầm dập vậy, đền vẫn đứng rất hiên ngang, ôm đầy sự lộn xộn.

Cổng vào Luxor

Khi bước vào đền, điều đầu tiên đập vào mắt là sự bành trướng của mosque hồi giáo (dù là phần được thêm vào cuối cùng). Không phải người Hồi giáo không trân trọng tác phẩm cổ đại này, họ chỉ ngây thơ nhiệt tình thành vô tình phá hoại. Khi Nile dâng nước lên, phù sa phủ ngập, rồi gió cát sa mạc tràn lên, giấu kín ngôi đền trong câm lặng. Người hồi giáo tới, bắt tay xây dựng nhà nguyện của họ trên mảnh đất bằng phẳng này. Bình yên cho tới một ngày họ thấy có những tượng đầu người trồi lên khỏi lớp cát. Không chịu được sự phiền phức này, họ chém tan mấy đầu tượng mà không ngờ rằng bên dưới đó là thế giới kì vĩ.

Căn phòng với những chiếc cột lớn ở Luxor

Những bước tượng câm nín. Nhưng sự ngoi lên của chúng cũng gây chú ý của cả Ai Cập. Những nhà khảo cổ đã “đẩy lên” cho thế giới một đền đài nguy nga, với 10 tượng Ramses II khổng lồ cả đứng, cả ngồi, đội mũ miện hay mũ chiến tranh (mũ chiến màu xanh còn mũ miện màu trắng – đỏ là sự kết hợp giữa mũ trắng của vùng hạ và mũ đỏ của vùng thượng Ai Cập). Chen giữa những cây sậy đá cao lớn, kể cả những tượng mất đầu vẫn đẹp nguyên sự oai hùng. Sau lưng người con thần Ra, tượng của Amenhotep III, của Tutankhamun cùng vợ, và một căn phòng hàng trăm cây cột như một hồ sậy đá nở rộ. Người Ai Cập dựng cột, dựng đền, dựng cả huyền thoại.

Bức tượng lớn trong khu Luxor

Đền Luxor kì vĩ này có 3 gian chính. Gian cuối dành làm nơi ở của các vị thần, khách khứa trong lễ Opet, nhưng đã bị Alexander đại đế chen ngang, xây ngay một buồng nhỏ ở giữa phòng để dâng tặng thần Amun. Gian phòng này nằm ngay sau gian phòng của vợ chồng thần Amun. Còn gian ngoài cùng nơi chứa thuyền mặt trời, có thời bị dân La Mã chiếm cứ. Khi trốn chạy khỏi chính quyền, họ nghĩ nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, nên đã cho bịt kín một căn phòng trong đền làm căn cứ. Họ trang trí tường và trần phòng bởi hình ảnh chúa Jesus với các thiên thần. Khi không thể ra ngoài, thì người La Mã đốt lửa nấu nướng luôn tại đây. Căn phòng linh thiêng trở thành một cái bếp ám khói. Quả là (đàn ông) Ai Cập xây đền, (đàn bà) La Mã xây bếp.

Những chiếc cột như hình cây sậy ở Luxor

Tượng Rames khổng lồ

Về tổng thể đền Luxor là sự kết hợp tôn giáo kì lạ của Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Lễ giáo Ai Cập. Hiếm nơi nào các tôn giáo xa lạ lại cùng chung sống hạnh phúc như thế. Dù hiện hữu dưới hình dạng chúa Jesus, Đức Phật hay thánh Ala thì chúng ta cũng chỉ có một đấng toàn năng. Thật không có gì sai trái khi dành tình yêu và niềm tin cho tất cả các hiện thân của người (“Lời thú tội của Pi”). Kể khi Chúa bắt loài người phải chết vì tội lỗi xưa cũ của Adam và Eva thì cuộc sống tươi đẹp vẫn cần thật nhiều niềm tin.

Sông Nile trong buổi bình minh với trải nghiệm khinh khí cầu độc đáo

Thực hiện: depweb

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/dan-ong-ai-cap-xay-den-dan-ba-la-ma-xay-bep/