Dân nuôi cá bè trên sông Hậu bức xúc với dự án nạo vét thông luồng

Trình bày với Phóng viên Báo CAND, hàng chục hộ dân nuôi cá bè trên sông Hậu và các chủ nhà máy, xí nghiệp, hộ sản xuất trên cồn Khánh Hòa (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), bức xúc về dự án nạo vét thông luồng, gây thiệt hại cho người dân…

Theo kế hoạch của dự án thì hơn 50 hộ dân với gần 100 bè cá trên sông Hậu tại khu vực xã Khánh Hòa phải di dời đi nơi khác, thời gian di dời trong 2 tháng và bắt đầu từ ngày 15-7.

Đa phần các hộ dân cho rằng, khu vực triển khai dự án không nạo vét chỉ là nhánh sông nhỏ, nhu cầu qua lại của ghe, tàu là không có nên việc thông luồng là không cần thiết.

Ngoài ra, đây khu vực này xưa nay vẫn nuôi cá ổn định và không có gì khó khăn nên việc nạo vét để lấy nước phục vụ cho việc nuôi cá là không phù hợp.

Các hộ dân nuôi cá bè tại xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho rằng nhu cầu đi lại của phương tiện qua nhánh sông này là không có nên việc nạo vét thông luồng là để lấy cát.

Ông Bùi Văn Me (65 tuổi, một hộ nuôi cá bè tại đây) bức xúc: “Chỉ có khu vực đầu cồn có cạn một đoạn khoảng 300m, chứ địa điểm nuôi cá trở về cuối cồn vẫn bình thường, không bồi lắng nhiều, vì thế không cần phải nạo vét. Ngoài ra việc dời bè cá đi nơi khác gây thiệt hại cho chúng tôi rất lớn. Vậy chính quyền chỉ hỗ trợ mỗi bè từ 5 - 10 triệu đồng thì chúng tôi không di dời được”.

Theo tính toán của các hộ dân, mỗi bè chỉ tính riêng chi phí di dời đã tốn vài chục triệu đồng, cộng với tiền dây cố định, giàn neo, trụ gỗ… là không dưới 100 triệu đồng.

Theo quyết định của UBND tỉnh An Giang phê duyệt, dự án nạo vét thông luồng chứ không có đề cập đến việc di dời bè cá. Chính vì thế chỉ một số hộ có bè nhỏ hoặc không còn nhu cầu sử dụng nữa nên mới đồng ý di dời, còn đa phần thì phản đối.

“Dự án này theo chúng tôi là mượn danh nghĩa thông luồng để khai thác cát” – bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, chủ nhà máy xay xát lúa trên cồn Khánh Hòa nêu ý kiến.

Bà Tú cũng cho biết, độ sâu nạo vét được phê duyệt theo quyết định chỉ khoảng từ 5 – 9m nhưng đã khai thác lên tới 30m.

Cùng lo lắng trên, đại diện hộ ông Nguyễn Thành Hoàng, nuôi cá tra thịt trên cồn Khánh Hòa bày tỏ: “Đất trên cồn là đất cát bồi, khi mưa xuống còn bị trôi nên người dân thường xuyên phải gia cố. Tổng 6 ao nuôi cá thịt cho sản lượng khoảng 2.400 tấn/năm và nếu sạt lở ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Khoản tiền thu ngân sách chỉ hơn 1,2 tỷ đồng nhưng nếu xảy ra sự cố sẽ thiệt hại gấp trăm lần. Và chúng tôi là những người trực tiếp gánh chịu hậu quả”.

Sau nhiều lần họp lấy ý kiến, ngày 12-7, ông Nguyễn Phước Nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú ký thông báo gửi đến các hộ dân với nội dung: Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, UBND huyện yêu cầu những hộ nuôi cá thực hiện di dời bè, vèo và không được thả nuôi trên xếp Khánh Hòa kể từ ngày 15-9-2018 cho đến khi dự án hoàn thành.

Sau thời gian thông báo nêu trên sẽ tiến hành thi công từ 6 – 18 giờ hàng ngày. Các hộ dân không thực hiện di dời hoặc tiếp tục thả nuôi cá, thiệt hại sẽ không được xem xét giải quyết.

Đỉnh điểm của sự việc khi người dân tiếp tục phản đối, ngày 14-7, UBND huyện Châu Phú tiếp tục tổ chức cuộc họp với người nuôi cá bè tại UBND xã Khánh Hòa.

Tại đây, ông Nên, đại diện UBND huyện cho biết, phía chính quyền mong muốn giải quyết dứt điểm những vấn đề quan tâm của bà con trong việc di dời bè, vèo. Lý do nạo vét, thông luồng xếp Khánh Hòa nhằm tạo nguồn cát phục vụ cho xây dựng công trình công cộng.

Theo hồ sơ phê duyệt cấp quyền khai thác khoáng sản khu vực dự án nạo vét thông luồng, đảm bảo giao thông kết hợp tận thu sản phẩm trên xép Khánh Hòa (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) do Công ty TNHH Hiệp Phát Châu Phú thực hiện. Trữ lượng khoáng sản được khai thác là 426.268m³; Thời gian thực hiện dự án là 3 năm. Tổng số tiền phải nộp tại thời điểm phê duyệt là hơn 1,2 tỷ đồng. Ngày 11- 4 vừa qua, đơn vị thi công đã đưa phương tiện vào thực hiện dự án.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dan-nuoi-ca-be-tren-song-hau-buc-xuc-voi-du-an-nao-vet-thong-luong-502355/