Dân nuôi bò tót ra đời lai F2, F3: Cần xem lại...

Dự án nghiên cứu nguồn gen quý hiếm của bò tót với mục đích phổ cập để áp dụng rộng rãi còn người dân nuôi là theo thể tự nhiên.

Dự án giậm chân tại chỗ?

Ngày 4/10/2020, trao đổi với Đất Việt về việc người dân ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, huyện Bắc Ái, Ninh Thuận nuôi bò tót F1 cho ra đời lai F2, F3 còn công trình nghiên cứu của nhà khoa học tiêu tốn hết 5 tỷ đồng lại không cho ra được kết quả đời lai như mong muốn, TS Trần Công Phong - giảng viên khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần phải xem lại toàn diện cả quá trình nghiên cứu của dự án để đưa ra so sánh cụ thể.

Theo ông Phong, thông qua tên đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” có thể thấy, đây là đề tài mang mục đích phổ cập nguồn gen quý hiếm của bò tót để áp dụng rộng rãi.

Các nhà khoa học sẽ phân tích mã gen của bò tót, lấy những gen trội nhất của bò tót để lai tạo, duy trì cho ra những đời lai thế hệ sau với những ưu điểm vượt trội về thể trạng và chất lượng thịt của đời lai sau này nhằm giúp người chăn nuôi có được một nguồn gen mới ưu điểm vượt trội hơn so với nguồn gen truyền thống của bò nhà.

Còn bò tót được F1 của gia đình ông Chuẩn được chăm sóc, chăn thả tự nhiên.

Còn bò tót được F1 của gia đình ông Chuẩn được chăm sóc, chăn thả tự nhiên.

"Thông thường, trong các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học phải thử nghiệm qua nhiều quá trình. Trong đó, có cả sự tác động của hóa học để cho ra những kết quả khác nhau, từ đó lựa chọn được thử nghiệm tốt nhất để áp dụng vào ngành chăn nuôi của đất nước.

Việc thử nghiệm này có thể thành công hoặc thất bại. Cần phải xem lại cả quá trình nghiên cứu của dự án mà các nhà khoa học ở tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện. Trong dự án đó, các nhà khoa học đã can thiệp vào quá trình sinh sản của đàn bò tót F1 như thế nào, sự can thiệp đó đã làm thay đổi đến khả năng sinh sản của đàn bò ra sao..." - ông Phong cho biết.

TS Trần Công Phong đặt ra những câu hỏi, trong quá trình nghiên cứu dự án suốt 5 năm, đàn bò tót F2 đã trải qua những giai đoạn phát dục như thế nào? Khả năng sinh sản của chúng ra sao? Người nghiên cứu dự án đã tác động vào quá trình sinh sản của bò tót F1 trong giai đoạn đó không?

Bò tót và bò nhà là hai loài có bộ nhiễm sắc thể khác nhau. Thông thường, việc lai tạo khác loài đã khó. Bò tót rừng giao phối với bò tót nhà cho ra đời lai F1 đã là sự kỳ thú của thiên nhiên.

Chính vì thế, những con lai F1 sẽ mang bộ nhiễm sắc thể dị biệt so tới tự nhiên nên khả năng chúng giao phối với nhau cho ra đời lai F2, F3 sẽ khó khăn hơn, và có thể sẽ không thực hiện được nếu không có sự can thiệp của khoa học kỹ thuật.

Từ việc người dân thôn Bạc Rây nuôi bò tót F1 cho ra thế hệ F2, F3 vị chuyên gia đặt ra nhiều giả thiết: Có thể bò tót F1 được giao phối với bò nhà hoặc cũng có thể xảy ra trường hợp những còn bò tót F1 giao phối với nhau cho ra đời lai F2, F3 bởi những con bò này được người dân nuôi nhốt chung một chuồng nên không có gì có thể khẳng định chắc chắn những con bò tót đời F1 giao phối với nhau cho ra các đời lai khác.

"Dự án nghiên cứu “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” được hội động thẩm định đánh giá thành công nhưng không rõ là thành công ở mặt nào?

Nếu so sánh với việc duy trì, phát triển nguồn gen so với cách nuôi thông thường thì rõ ràng cho thấy, một dự án nghiên cứu tiêu tốn hàng tỷ đồng không cho ra con lai. Trong khi người dân nuôi bình thường thì bót tót F1 lại sinh sản được thì rõ ràng là một sự thua kém.

Nhưng cần phải giám định nguồn ghen của bò tót F2, F3 từ nhà người dân để có đánh giá cụ thể, khách quan. Từ đó cũng có thể phát triển một hướng đi mới trong việc duy trì nguồn ghen quý hiếm của bò tót trong ngành chăn nuôi" - ông Phong bày tỏ.

Đàn bò tót F1 nằm trong dự án nghiên cứu hết gần 5 tỷ đồng của tỉnh Lâm Đồng.

Từ 4 con F1 có 17 con bò tót lai sau 11 năm

Ông Nguyễn Văn Chuẩn là một trong những người dân sở hữu nhiều bò tót lai nhất ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, huyện Bắc Ái, Ninh Thuận. Người nông dân này cho biết, hiện tại đàn bò của gia đình có 17 con lai bò tót ở đời F1, F2, F3.

Năm 2009, ông Chuẩn được "lộc rừng" khi con bò tót rừng giao phối với đàn bò cái ở nhà cho ra 9 con lai F1. Sau đó, 9 con lai này cho ra đời thêm 1 con bò tót F2.

Thời gian sau, ông bán đi 8 con bò tót F1, chỉ giữ lại cho gia đình 2 con lai bò tót để tiếp tục nuôi dưỡng. Rồi ông mua thêm hai con cái F1 khác của người trong làng đưa về, thành ra đàn bò lai bắt đầu gầy dựng lại có tất cả 4 con (3 F1 và 1 F2).

Đến nay, con đực F1 trong đàn đã phối với các bò cái nhà sinh ra được 7 con đực F2. Còn hai con cái F1, chưa rõ giao phối với bò đực bò nhà hay bò đực F1, đã sinh ra 3 con đực F2. Còn con cái F2 cũng sinh ra được 3 con đực F3. "Rất lạ, 13 con sinh ra sau này đều là đực hết", ông Chuẩn nói.

Ông Chuẩn cho rằng bò tót lai cũng dễ nuôi vì chúng ăn tạp. Bất cứ thứ cỏ cây gì đều gặm được. Gần chục năm qua, ông tận dụng các đồng cỏ tự nhiên trong làng, gần bìa rừng để chăn thả, nên ít tốn chi phí. Mùa khô, khi cỏ tự nhiên ít đi, ông mới bổ sung thêm cỏ tươi do nhà trồng.

Cũng từ thực tế, ông Chuẩn nhận thấy bò tót lai có sức đề kháng hơn hẳn bò nhà. Gần như từ lúc nuôi dưỡng đến nay, chưa có con nào bị bệnh dù thả giữa mưa giữa nắng. Gia đình ông chưa hề tốn mũi thuốc nào cho chúng.

Đàn bò này chỉ khó ở việc, chúng hay ủi phá vườn rẫy, nhất là khi bò đực trông thấy các bò cái nhà đang kỳ động dục. Ngoài ra, chúng còn thích về rừng do còn tính hoang dã.

Nói về điều này, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng. Bởi bản thân việc bò tót đời F1 được sinh ra đã là điều hiếm gặp, trước đó nhiều công trình trên thế giới và ở cả Việt Nam cũng chưa thể thành công khi lai tạo ra đời F2, F3.

Để chắc chắn, ông Vân cho rằng cần đưa những con bò đời F2, F3 tại gia đình ông Chuẩn đi giám định gen để có kết luận chính xác và tìm ra được nguyên nhân cụ thể để áp dụng vào việc phát triển giống vật nuôi của Việt Nam sau này.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/dan-nuoi-bo-tot-ra-doi-lai-f2-f3-can-xem-lai-3420073/