Dẫn nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch: Viển vông, phi thực tế!

Trước đề xuất lấy nước sông Hồng bổ cập nước vào Hồ Tây và làm sạch sông Tô Lịch, PGS. TS Hà Đình Đức cho rằng đây lại là một đề xuất viển vông không có lối thoát.

“Đề xuất giải pháp bổ cập nước Hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước hồ một cách bền vững” được công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra mới đây đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô, và những chuyên gia đang nghiên cứu về hệ thống nước sông hồ Hà Nội.

Theo đó, để bổ cập nước, công ty đưa ra 3 nguồn nước chính cung cấp cho hồ Tây và sông Tô Lịch gồm: Nước ngầm thông qua các giếng khoan; nước sông Nhuệ, qua cống Liên Mạc dẫn bằng hệ thống mương, cống đổ vào sông Tô Lịch tại cửa cống Nguyễn Khánh Toàn; lấy nước từ sông Hồng.

Trước đề xuất vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe những phân tích, đánh giá về đề xuất này từ PGS. TS Hà Đình Đức, là một người am hiểu về văn hóa Hà Nội, đồng thời cũng giành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống sông ở Thủ đô.

Ông Hà Đình Đức

Thưa PGS.TS Hà Đình Đức, khi đọc về đề xuất nêu trên, cá nhân ông có suy nghĩ thế nào?

Tôi vừa đọc thông tin về đề xuất này, nhưng trên thực tế tôi chưa thấy có một động thái gì về dự án này, mới chỉ nói ra ý tưởng đó thôi. Tôi chưa biết trước đây, những người nghĩ ra ý tưởng này họ đã tìm hiểu về hệ thống sông hồ Hà Nội hay chưa? Có thể họ coi đây là một ý tưởng mới. Còn lại, tôi chưa nhìn thấy họ sẽ giải quyết đề xuất này thế nào, tự nhiên nói đổ nước sông Hồng vào hồ Tây rồi làm sạch sông Tô Lịch nhưng tôi lại chẳng nhìn thấy tính chất khoa học nào trong đó.

Khi đề xuất này đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng phía công ty đang “bới” thêm việc, ý kiến của ông ra sao?

Thực ra, trước mắt cần giải quyết gom nước thải xung quanh hồ, hoặc đưa vào ống thoát của thành phố rồi mới tính đến các bước tiếp theo. Không thể đem nước sông Hồng đổ vào hồ Tây rồi hồ Tây đổ ra sông Tô Lịch là xong, mà cần phải dựa vào khoa học chứ không đơn giản là cơ học.

Nếu đề xuất trên được thực thực hiện, bản thân ông cũng là một người nghiên cứu về sông hồ ở Hà Nội, giải pháp này liệu có ảnh hưởng đến thủy sinh vật đặc trưng ở hồ Tây?

Bây giờ, cần phải xem chất lượng nước ở sông Hồng ra sao, chất lượng nước hồ Tây ra sao. Bởi, đây là hai dòng nước hoàn toàn biệt lập, không có liên quan đến nhau. Nên, bây giờ cứ cho nước sông Hồng đổ vào hồ Tây thì tôi chưa rõ hậu quả sẽ như thế nào. Trước mắt, muốn cải thiện môi trường thì phải cải tạo thoát nước xung quanh hồ Tây. Tiếp đó, xem xét các thông số về hệ thống nước sông Hồng, hồ Tây xem có khác biệt nhau hay không?

Nước sông Hồng có người nói không có phù sa như trước, nhưng nước này vẫn có phù sa, khi bơm nước vào hồ Tây sẽ lắng đọng phù sa xuống đáy hồ Tây thì cũng không ổn.

Để cải thiện được môi trường, nước ở các sông hồ ở Thủ đô như sông Tô Lịch, theo ông cần phải có những yếu tố nào?

Trước tiên, cần phải có kinh phí để xử lý. Chứ đề xuất đưa ra mà chưa thực hiện được, hoặc chỉ nêu ra để xin kinh phí thì đề xuất vẫn là đề xuất, viển vông và khó có thể đi vào thực tế.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dan-nuoc-song-hong-lam-sach-song-to-lich-vien-vong-phi-thuc-te-a415511.html