Dân Mông Cổ tin chống dịch tốt là nhờ Thành Cát Tư Hãn

Mông Cổ chỉ ghi nhận hơn 200 ca bệnh Covid-19 nhưng đều là ca nhiễm ngoại nhập. Nước này cũng không có ca tử vong nào. Nhiều người tin đây là 'di sản' của Thành Cát Tư Hãn.

Tính đến ngày 20/6, Mông Cổ ghi nhận được 204 ca dương tính với virus corona và đều là ca nhiễm ngoại nhập.

Đất nước với đường biên giới dài gần 4.630 km với Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch Covid-19 từ tháng 12/2019, không có ca tử vong và cũng không phát hiện bất kỳ ca nhiễm nội địa nào.

 Có giả thuyết cho rằng lối sống du mục của người Mông Cổ giúp họ có sức đề kháng cao. Ảnh: SCMP.

Có giả thuyết cho rằng lối sống du mục của người Mông Cổ giúp họ có sức đề kháng cao. Ảnh: SCMP.

Lý giải về tỷ lệ nhiễm thấp đến khó tin, người dân Mông Cổ đưa ra một số giả thuyết. Một số người tin đây là hệ quả của không khí trong lành, hay chế độ dinh dưỡng tự nhiên với thịt và sữa từ gia súc do chính họ chăn thả.

Một số cho rằng lối sống của nhiều thế hệ người Mông Cổ: lao động liên tục, cưỡi ngựa, chăn cừu, quen sinh tồn trong thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ biến thiên từ -60 độ C đến 45 độ C... đã giúp họ khỏe mạnh hơn và sức đề kháng cao hơn.

Tuy nhiên, yếu tố được người dân Mông Cổ nhắc đến nhiều nhất chính là "di sản" của Thành Cát Tư Hãn, vị hoàng đế từng dẫn dắt vùng đất du mục trở thành một đế chế trải dài từ Á sang Âu.

"Đất lành" của Đại Hãn

Enkh-Ouyn Byambadorj là một thầy cúng địa phương. Bà đón khách trong căn phòng lớn, treo đầy lông ngựa và bùa chú. Bà còn đặt trong phòng điện thờ Thành Cát Tư Hãn.

Theo bà, người Mông Cổ sống và ăn uống giản dị. Chỉ cần trời xanh và thịt cùng sữa tươi. Họ không chịu đựng căng thẳng và chủ nghĩa tiêu dùng như người dân những nước khác. Một yếu tố khác là sự tự lực của con người nơi đây, vốn là di sản từ lối sống du mục và cuộc chinh phạt thời Đế chế Mông Cổ.

Khi Thành Cát Tư Hãn đưa đại quân với hàng trăm nghìn chiến mã tung hoành khắp thảo nguyên và hoang mạc, đánh chiếm gần như mọi vùng đất từ Á sang Âu, họ không thể dựa dẫm vào một chính quyền hay thế lực nào xuất hiện và hỗ trợ.

"Khi người phương Tây gặp rắc rối, họ phải tìm cách giải quyết nó. Người Mông Cổ sống luôn cùng rắc rối. Nếu có thịt thì ăn thịt. Nếu không có gì thì cũng không sao", bà Byambadorj chia sẻ.

"Ở vùng quê, làm gì có bác sĩ, thậm chí để chăm sóc cho phụ nữ mang thai. Họ cứ vậy mà sinh nở. Người Mông Cổ không lo lắng về rắc rối. Thậm chí chuyện sống hay chết cũng chẳng quan trọng", bà nói.

Còn đối với nhà sư Ukhaanzaya Dorjnamnan, mọi vấn đề trên thế giới đều là một loại rắn thần Naga.

Ông nói virus corona cũng là một naga có thần lực rất lớn, nhưng naga sẽ không làm hại người Mông Cổ vì dân tộc này sống gần gũi với thiên nhiên. Nhà sư tin rằng vùng đất đã được Thành Cát Tư Hãn ban cho phước lành.

"Đại Hãn chọn vùng đất này cho chúng tôi vì đây là đất lành. Ông đã hứa vùng đất sẽ bảo vệ chúng tôi", Dorjnamnan chia sẻ.

Một chuyến tàu điện ngầm tại Hohhot, Khu tự trị Nội Mông Cổ, Trung Quốc. Ảnh: iSCMP.

Di sản của tính kỷ luật

Chinburen Jigjidsuren, cố vấn y tế đặc biệt của thủ tướng Mông Cổ, cho rằng các liên lạc dễ hiểu từ chính phủ đã giúp người dân nắm rõ thông tin và ngăn sự hoảng loạn.

Ông nhắc rằng Mông Cổ từ thời Thành Cát Tư Hãn đã phát triển hệ thống liên lạc hiệu quả, giúp ông truyền đạt chỉ lệnh nhanh chóng khắp đế chế.

"Chúng tôi cũng làm y hệt, như thời của Thành Cát Tư Hãn. Thông điệp của chính phủ từ Ulan Bator nhanh chóng đến được với dân du mục ở các tỉnh xa xôi", ông cho biết.

Theo ông, các lệnh phong tỏa và yêu cầu đeo khẩu trang phát huy hiệu quả vì người dân thật sự nghe theo chỉ dẫn của chính phủ.

"Đạo quân của Thành Cát Tư Hãn rất kỷ luật. Tính kỷ luật này được truyền lại cho chúng tôi. Vậy nên, khi chính phủ ra lệnh đeo khẩu trang hay ở yên trong nhà, nhân dân sẽ tuân thủ", ông nói.

Jack Weatherford, tác giả quyển "Genghis Khan and the Making of the Modern World" (Tạm dịch - Thành Cát Tư Hãn và Sự hình thành của Thế giới hiện đại), lưu ý những cuộc di dân của người Mông Cổ khiến dân tộc này tiếp xúc với hàng triệu người ở những vùng khác trên khắp thế giới.

Người Mông Cổ từ đó "phơi nhiễm" trước nhiều loại dịch bệnh hơn và dẫn đến giả thuyết họ có sức đề kháng tốt hơn.

Bác sĩ Chinburen bác bỏ luận điểm này vì "không có dữ liệu khoa học". Tuy nhiên, ông cũng ghi nhận một số trường hợp cá biệt liên quan đến người Mông Cổ.

"Có một dữ liệu ủng hộ cho giả thuyết miễn dịch của người Mông Cổ. Một du khách Pháp nhiễm virus đã tiếp xúc với gần 200 người Mông Cổ. Không ai nhiễm bệnh cả, nhưng có thể do họ đeo khẩu trang. Mặt khác, rất ít chuỗi lây nhiễm xuất hiện ở Nội Mông Cổ", ông nói.

Nội Mông Cổ là một khu tự trị nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Vùng đất có dân số khoảng 25 triệu người, với phần lớn cư dân là người Hán. Dù vậy, người Mông Cổ sinh sống tại khu tự trị còn đông hơn dân số Mông Cổ khoảng 1,5 lần.

"Không có bệnh nhân (nhiễm virus corona) nào là người Mông Cổ. Tất cả đều là người Hán", bác sĩ Chinburen cho biết.

Trung Quốc tăng cường xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh Bắc Kinh đã đề nghị các bệnh viện tiến hành thêm nhiều xét nghiệm để kiểm tra các bệnh nhân bị sốt có nhiễm Covid-19 hay không.

Thanh Danh
theo SCMP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dan-mong-co-tin-chong-dich-tot-la-nho-thanh-cat-tu-han-post1098372.html