Dân miền Tây khốn đốn vì nước lũ và triều cường lên quá cao

Triều cường cộng với nước lũ dâng cao khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn. Trong khi đó, nhiều vườn cây ăn trái bắt đầu chết héo.

Sáng 11-9, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại tuyến Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận huyện Tam Bình (Vĩnh Long) hướng về nút giao IC3 trên đường dẫn cầu Cần Thơ, nhiều nơi bị ngập sâu khiến phương tiện tham gia giao thông phải dắt bộ do xe chết máy.

Nước ngập trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn

Nước ngập trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn

Anh Toàn, một người tham gia giao thông, cho biết: "Hằng ngày, tôi phải đi làm qua đây, tới nơi thì quần áo đã ướt do nước văng lên. Thật sự, tôi rất ngán ngẩm khi phải đi qua đoạn đường này".

Nước ngập tại tuyến đường Quang Trung, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Tại một số tuyến đường, tuyến hẻm trong nội ô TP Cần Thơ, nước dâng lên cao đến hơn nửa bánh xe khiến người lưu thông luôn cảm thấy bất an và lo lắng do nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nước ngập tại nút giao IC3

Những ngày qua, nước lũ kết hợp triều cường dâng cao đã tràn qua khu ô bao số 4 (thuộc ấp Tân Mỹ, xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) khiến nhiều nông dân khốn đốn vì diện tích vườn cây ăn trái bị thiệt hại nặng nề.

Khu vườn hơn 11 công đất, trồng khoảng 1.300 cây cam xoàn của anh Nguyễn Minh Hoàng bị thiệt hại nặng nhất khi đang bị ngập sâu trong nước. "Đây là vụ mùa đầu tiên của tôi. Dự kiến, thu hoạch hơn 15 tấn trái cam xoàn nhưng 2 ngày qua bị nước lũ tràn vào làm ngập toàn bộ. Hiện, có trên 30% gốc cam xoàn có dấu hiệu vàng, héo lá và rụng trái. Tôi ước thiệt hại khoảng 600 triệu đồng", anh Hoàng rầu rĩ nói.

Hơn 1.300 cây cam của anh Hoàng bị ngập héo dần trong nước lũ

Để cứu vớt được phần nào, anh Hoàng phải thuê khoảng 30 nhân công gấp rút thu hoạch cam sớm. Tuy nhiên, thu hoạch với số lượng lớn nên cam xoàn đang khó khăn trong khâu tiêu thụ. "Hiện, vườn cam khoảng 10 ngày nữa thu hoạch nhưng do nước lũ tràn qua đê bao, ngập khoảng 7 tấc, ngập hết 100% diện tích khu vườn. Giờ, trong vòng 1-2 ngày nữa cam sẽ rụng trái nên bắt buộc phải tranh thủ hái cam chạy nước lũ. Tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp đắp lại đê bao cho chắc chắn hơn để bảo vệ vườn cây ăn trái của người dân", anh Hoàng mếu máo nói.

Đặc tính của cây cam là không chịu nước sẽ bị hư bộ rễ, lá bị héo dần dẫn đến chết cây

Theo các hộ trồng cam, đặc tính của cây cam là không chịu nước, với việc cây bị ngập nước nhiều ngày liền sẽ bị hư bộ rễ, lá bị héo dần và cây bị chết.

Anh Hoàng hái cam bán chạy lũ. Tuy nhiên, vườn cam thu hoạch với số lượng lớn nên khó khăn trong khâu tiêu thụ

Ngoài vườn cam của anh Hoàng thì một số diện tích vườn cây ăn trái khác nằm trong ô bao bị ngập nước. Hiện, chính quyền địa phương và người dân đang tập trung bảo vệ các diện tích bị ảnh hưởng.

Hoa màu, hoa kiểng bị nước lũ tàn phá

Cũng trong ngày 11-9, nhiều đoạn đường, khu vực chợ, nhà dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bị nước lũ tràn lên, gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, sản xuất, kinh doanh của người dân.

Một số tuyến đường bị ngập nước làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân

Các điểm trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng bị nước lũ tràn lên sân trường và tiến vào bên trong các phòng học, gây không ít khó khăn trong việc học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh.

Trường học bị ngập nước gây không ít khó khăn trong việc học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh

Nhiều khu đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng của người dân cũng bị nước lũ tràn vào. Một số diện tích khác thì mực nước bên ngoài đê bao cũng đang lé đé bờ, nguy cơ bị ngập nước rất cao.

Nhà trường bắc cầu tạm để đi lại

VÂN DU - NHA MÂN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dan-mien-tay-khon-don-vi-nuoc-lu-va-trieu-cuong-len-qua-cao-20180911124820944.htm