Dân mất ruộng, dồn đô thị về trạm BOT Quảng Nam

Hàng loạt dự án đô thị, khu dân cư được 'quy hoạch' ngay sát trạm thu BOT Quốc lộ 1 Quảng Nam.

Bà Mai bị thu hồi hết đất ruộng cho dự án thương mại, đi bán nước mía mưu sinh

Bà Mai bị thu hồi hết đất ruộng cho dự án thương mại, đi bán nước mía mưu sinh

Nông dân không... tấc ruộng

Nên đọc

Chưa được cấp phép xây dựng, nhiều khu đô thị ồ ạt san lấp

Mỗi ngày, gần chục nhân khẩu nhà bà Phùng Thị Mai (thôn Viêm Tây 1, Điện Thắng Bắc, TX.Điện Bàn) chỉ biết trông chờ vào số tiền ít ỏi từ quầy bán nước nhỏ trên QL1 ngay gần sát Trạm thu BOT CECO 545.

Hai sào ruộng “cơ nghiệp” của gia đình bà Mai vừa bị "thu sạch" để nhường cho dự án Khu dân cư số 2, khu đô thị Điện Thắng của chủ đầu tư dự án (Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DHTC, gọi tắt Công ty DHTC, TX. Điện Bàn-NV) và dự án Khu đô thị Điện Thắng Trung.

Dù chưa cấp phép xây dựng, chưa hoàn thành GPMB nhưng thời gian qua, chủ đầu tư DHTC ồ ạt san lấp khiến người dân không "trắng tay, thiếu đất canh tác". Theo bà Mai, giá đền bù "quá bèo", một mét vuông ruộng tính ra có mấy chục ngàn đồng. Người dân kiến nghị mãi, mới lên được tổng cộng 120 triệu đồng/sào. Đến giờ nhiều hộ phản đối chưa nhận”.

Tương tự, 1,3 sào ruộng nhà bà Lê Thị Hồng (thôn Viêm Tây 1) cũng bị thu hồi với giá rẻ cho dự án của DHTC. Hết đất sản xuất, nỗi lo sinh kế của 7 nhân khẩu nhà bà Hồng thêm chất chồng. "Nếu lấy đất ruộng để xây dựng công trình phúc lợi xã hội, trường học, bệnh viện thì ai cũng ủng hộ. Nhưng đây họ quy hoạch rồi bán lô nền, giá mỗi lô 5-7 triệu đồng/m2, chênh lệch quá lớn. Người dân địa phương cũng không đủ điều kiện để mua lại", bà Hồng nói.

Ô tô vô tư lưu thông vào đường nội bộ san lấp của dự án DHTC gây ô nhiễm môi trường, xung đột giao thông...

Vạt ruộng trên đường dẫn vào thôn Viêm Tây 1 từng là biểu tượng cho sự yên bình của người dân thôn làng, giờ bỗng chốc bị lấp dần bởi những đất đá san lấp mặt bằng. Bụi tung mù. Cuộc sống thêm ngột ngạt, chật chội. Theo các hộ dân Viêm Tây 1, lâu nay đất ruộng tại địa phương ngày một thu hẹp. Người dân không còn được mở mang canh tác. Giờ những vạt đất cuối cùng cũng bị thu hồi cho dự án thương mại là điều không thể chấp nhận.

Ban đầu, hầu hết các hộ dân đều không đồng thuận bàn giao đất ruộng vì phá vỡ cảnh quan làng xóm, dân mất nghề nghiệp... Nhưng dự án vẫn ồ ạt san lấp. Bà Trương Thị Miên (Viêm Tây 1) cho hay: nhà hai mẹ con tôi có hơn 3 sào ruộng, chưa được đền bù nhưng dự án đã tự ý san lấp. Chúng tôi kiến nghị thì bị địa phương làm khó dễ.

Thậm chí theo các hộ dân này, khi địa phương đi vận động GPMB, thu hồi đất ruộng còn đưa thông tin chủ đầu tư là người thân của lãnh đạo tỉnh, thị xã, nếu không nhận cũng... không xong (?). Một số hộ sợ bị làm khó nên nhận tiền đền bù đất ruộng.

"Cơn lốc" bất động sản ở Điện Bàn kéo theo nhiều lỗ hổng pháp lý của các dự án khu đô thị, dân cư tại đây.

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Phước Hoan, Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Bắc cho hay: còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù đất ruộng cho dự án của DHTC. Nhưng ông Hoan cho rằng do các hộ dân "kiến nghị lung tung".

Dồn đô thị về gần trạm BOT

Nên đọc

Chưa được cấp phép xây dựng, nhiều khu đô thị ồ ạt san lấp

Theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND TX.Điện Bàn, các dự án khu dân cư, đô thị được triển khai theo quy hoạch mở rộng thị xã về phía Đông. Thủ tục do các sở liên ngành, tỉnh thẩm định, phê duyệt... Để việc làm người dân vùng giải tỏa, mất đất nông nghiệp, thị xã có đề án chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề và hỗ trợ cho các hộ dân.

Tuy nhiên, điều lạ là ít nhất 2 dự án Khu dân cư số 2 và Khu đô thị Điện Thắng Trung lại được ồ ạt quy hoạch cho phát triển ngay khu vực sát chân Trạm thu BOT QL1 CECO 545.

Tìm hiểu của PV, khi lựa chọn vị trí đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ này, Bộ GTVT, tỉnh Quảng Nam đã cân nhắc trên cơ sở pháp lý hiện hành, đảm bảo "địa thế" xa dân để tránh các ảnh hưởng, xung đột lợi ích người dân vùng trạm thu.

Thực tế, không ít vấn đề như người dân cản trở thu giá, thắc mắc miễn giảm giá sử dụng đường bộ... liên tiếp xảy ra tại các trạm BOT thời gian khiến việc Quảng Nam dồn khu đô thị về sát trạm thu dấy lên nỗi lo lớn về an ninh trật tự, xung đột khi các khu đô thị, dân cư mới được hình thành.

Nông dân canh cánh nỗi lo hết đất sản xuất, thiếu việc

Trong khi các dự án thương mại dồn khu đô thị về trạm thu giá với nhiều hệ lụy

Dù mới chỉ triển khai san lấp cốt nền nhưng mỗi ngày hàng trăm lượt ô tô dưới 9 chỗ vô tư lưu thông qua lại vào các đường nội bộ dự án để lách trạm thu vé. Thậm chí nhiều xe hướng Bắc-Nam đi ngược chiều trên QL1 để về phía dự án Khu dân cư số 2, lách trạm, vi phạm luật giao thông, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xung đột lưu thông đường làng, TNGT...

Ông Tán Hoàng Trưng, Chi cục trưởng Chi cục III.1 (Cục QLĐB III, Tổng cục Đường bộ VN) cho hay: Hiện chủ đầu tư chưa có bất kỳ văn bản xin đấu nối dự án ra QL1. Đơn vị phối hợp với địa phương, làm việc với chủ đầu tư để triển khai đúng quy định và xử lý nếu vi phạm. Theo quy trình đơn vị chỉ phối hợp thẩm tra, việc cấp phép do Tổng cục Đường bộ VN cấp.

Trước đó, ngày 31/5, Báo Giao thông điện tử có bài "Chưa được cấp phép xây dựng, nhiều khu đô thị ồ ạt san lấp" phản ánh thực trạng các dự án khu dân cư, đô thị tại TX.Điện Bàn vô tư san lấp, rao bán dù chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển DHTC có trụ sở tại P.Vĩnh Điện, TX.Điện Bàn và mới chỉ hoạt động từ tháng 2/2017 đến nay, khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực, kinh nghiệm trong công việc đầu tư hạ tầng, khu đô thị dân cư?

Ngân Hà - Xuân Trường

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dan-mat-ruong-don-do-thi-ve-tram-bot-quang-nam-d258828.html