Đan Mạch tiếp tục tài trợ cho các nghệ sĩ đương đại Việt Nam

Ngày 12/3, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam đã công bố 8 không gian/sáng kiến nghệ thuật tại Hà Nội và Huế nhận hỗ trợ từ Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Đan Mạch Việt Nam (CDEF) trong năm 2018.

Quỹ CDEF nằm trong khuôn khổ của Chương trình phát triển Văn hóa của Đan Mạch tại Việt Nam. Được khởi động từ năm 2006 với tổng ngân sách 22 tỷ đồng (998.000 USD), chương trình có mục đích tăng cường hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch, đặt trọng tâm vào thúc đẩy sáng tạo, mở rộng khả năng tiếp cận và tham gia của người dân vào nghệ thuật và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa. Chương trình đã hỗ trợ thành công hàng trăm dự án nghệ thuật và nghệ sỹ.

Bước vào năm hoạt động thứ 13, Quỹ là nỗ lực của Đan Mạch nhằm đưa nghệ thuật đương đại trở thành lĩnh vực trao đổi và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia. Thông qua quỹ hỗ trợ, các tổ chức nghệ thuật nói trên sẽ cho ra đời những dự án gắn kết cộng đồng với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác nhau trong năm 2018 và 2019 như: triển lãm hội họa và nghệ thuật sắp đặt, sản xuất phim, hội thảo nhiếp ảnh, xuất bản và biểu diễn.

Các dự án này cũng đại diện cho trào lưu và khuynh hướng hiện tại của nghệ thuật đương đại, đặc biệt là sự góp mặt của các nghệ sỹ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong cùng một dự án.

Tham tán Văn hóa Ane Kirsten Andersen công bố 8 không gian/sáng kiến nghệ thuật được tài trợ. (Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch)

Trong chu kỳ năm nay, tổng ngân sách tài trợ là 1 tỷ 81 triệu đồng (50.000 USD), cung cấp nguồn hỗ trợ quan trọng cho nghệ thuật đương đại độc lập tại Việt Nam. Hoạt động của các dự án nhận hỗ trợ năm nay sẽ hướng tới cả giới chuyên môn lẫn công chúng, giúp phổ biến nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn nữa tới người yêu nghệ thuật.

Phát biểu tại lễ công bố, Tham tán Văn hóa của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam Ane Kirsten Andersen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật đương đại. Bà Ane Kirsten Andersen rất vui mừng khi được chứng kiến sự hỗ trợ của Đan Mạch đã và đang đóng góp tích cực cho việc phát triển các dự án nghệ thuật thử nghiệm mới trog suốt 13 năm qua tại Việt Nam.

“Nhắc tới trao đổi văn hóa, chúng ta thường hay tập trung nói về quá khứ. Tuy nhiên, văn hóa và nghệ thuật luôn là một cấu phần quan trọng của xã hội hiện đại, vì thế nghệ thuật đương đại có thể thúc đẩy quan hệ giao lưu văn hóa vô cùng hiệu quả. Nghệ thuật vượt ra ngoài ngôn từ, bởi vậy chúng cũng chính là cầu nối giúp nâng cao hiểu biết của chúng ta về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa đồng thời cũng giúp ta cảm nhận được mối tương đồng”, bà Ane Kirsten Andersen nói.

8 không gian/sáng kiến nghệ thuật nhận được tài trợ năm nay là: Trung tâm phim tài liệu độc lập và thử nghiệm Hanoi DOCLAB (Hà Nội) với Dự án“Phòng thí nghiệm hình ảnh 2018; Không gian nghệ thuật Heritage Space ( Hà Nội) với Dự án “Tháng thực hành nghệ thuật – MAP 2018”; Không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội) với dự án “Nghệ thuật đương đại tại Việt Nam– Mở rộng đối tượng khán giả &vai trò của nghệ thuật trong phát triển xã hội”; Matca với Dự án “Matca – Nơi gặp gỡ cho giới nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam”; Nha San Studio/Nha San Collective (Hanoi) với Dự án “Nhà sàn 2018”; REC ROOM (Trên toàn quốc) với Dự án “Tour xuyên Việt REC Room”; Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện Ảnh (TPD) với dự án "Đưa điện ảnh tới khán giả” và Then Café (Huế) với Dự án “Nghệ thuật hỗ trợ cộng đồng”.

T.T

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/dan-mach-tiep-tuc-tai-tro-cho-cac-nghe-si-duong-dai-viet-nam-67576.html