Đan Mạch cho Nord Stream-2 qua lãnh hải: Đòn giáng thẳng Washington-Warsaw-Kiev!

Với hơn 2/3 chiều dài tuyến đường ống dẫn đã được lắp đặt cùng rào cản pháp lý được gỡ bỏ, chiến dịch phản đối Nord Stream-2 coi như đã thất bại...

Ngày 30/10, Đan Mạch đã cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc-2 (Nord Stream-2) - dự án đường dẫn khí đốt hợp tác giữa Nga và EU - được xây dựng một phần đường ống dẫn trên thềm lục địa nước này ở Biển Baltic, theo Sputnik.

"Nord Stream-2 được cấp phép xây dựng một phần đường ống khí đốt tự nhiên trên thềm lục địa của Đan Mạch thuộc Đông Nam đảo Bornholm ở Biển Baltic", thông báo của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch ghi rõ.

Xin nhắc lại, ngày 30/11/2017, Quốc hội Đan Mạch đã phê chuẩn dự luật cho phép chính phủ Đan Mạch ngăn việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt của Dự án Nord Stream-2 nằm trong lãnh hải nước này, theo Berlingske Tidend.

Thời gian Nord Stream-2 thông dòng đã có thể đếm lùi

Thời gian Nord Stream-2 thông dòng đã có thể đếm lùi

Dự luật được thông qua nằm trong quá trình xây dựng các đạo luật liên quan đến đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Dự luật cho phép chính phủ Đan Mạch được quyền từ chối việc lắp đặt cáp điện và đường ống dẫn dầu-khí đi qua lãnh hải của Đan Mạch.

Đạo luật có hiệu lực từ tháng 1/2018. Từ đó đến nay, phía Đan Mạch không trả lời bất cứ yêu cầu nào của tổ hợp các nhà thầu Nord Stream-2, mà theo thiết kế Nord Stream-2 nằm trong vùng lãnh hải của Đan Mạch.

Thậm chí, việc Nord Stream-2 gặp rào cản pháp lý đã khiến Ban quản lý dự án phải quyết định tìm kiếm các tuyến dẫn thay thế ở ngoài vùng lãnh thổ của Đan Mạch để đảm bảo việc thông dòng cho đường ống dẫn khí đốt khổng lồ này.

Khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga gần như hoàn tất việc xây dựng đoạn đường ống nằm dưới biển Baltic song dự án Nord Stream-2 vẫn chưa được cấp phép để đưa đường ống qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Tuy nhiên, dù bế tắc như vậy, song đầu tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn tự tin khẳng định kể cả khi Đan Mạch chặn đường ống, Nord Stream-2 vẫn sẽ thông dòng, đưa khí đốt Nga tới Châu Âu qua ngả này.

Nay thì tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga đã là sự thực. Với hơn 2/3 chiều dài tuyến đường ống dẫn đã được lắp đặt cùng việc rào cản pháp lý được gỡ bỏ, cho thấy thời gian Châu Âu nhận được những mét khối khí từ Nord Stream-2 có thể đếm ngược.

Với thực tế như vậy thì rõ ràng chiến dịch phản đối Nord Stream-2 coi như đã thất bại. Quyết định của chính phủ Đan Mạch cấp phép cho Nord Stream-2 như một cú tát thẳng mặt với cả Washington lẫn Warsaw và Kiev.

Thứ nhất : Với Washington

Quyết định của chính phủ Đan Mạch khiến Washington đau nhất. Thất bại trong việc ngăn Nord Stream-2 thông dòng, đồng nghĩa thất thể trước Nga trên thị trường khí đốt EU chỉ là chuyện nhỏ, trong trường hợp này Washington ê chề hơn nhiều.

Một là, Copenhagen đã buộc Washington phải gặm nhấm nỗi đau của "kẻ vẽ ra luật chơi nhưng lại đứng ngoài cuộc chơi". Bởi Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết việc cấp phép cho Nord Stream-2 là tuân thủ Công ước của LHQ về Luật biển.

Mỹ là một tác giả quan trọng trong soạn thảo UNCLOS, nhưng Washington lại từ chối phê chuẩn công ước này, dù Mỹ là "cường quốc về biển" - cả về diện tích thềm lục địa lẫn khả năng khai thác các đại dương để phục vụ cho lợi ích Mỹ.

Mỹ khó có thể chiến thắng trong cuộc chiến năng lượng với Nga

Tuy nhiên, đó là chuyện của Mỹ. Còn Đan Mạch phê chuẩn UNCLOS nên có nghĩa vụ tuân thủ công ước. Vì vậy, việc chính phủ Đan Mạch cấp phép cho Nord Stream-2 là bất khả kháng với Washington, dù Đan Mạch là thành viên sáng lập NATO.

Hai là, Copenhagen đã cho Washington hiểu rằng thời kỳ đồng minh phải hy sinh lợi ích cho mưu đồ của Mỹ đã qua. Uy lực Mỹ không còn sức mạnh vô song, nên đã đến lúc Washington cần uy tín trong ứng xử và phải xem trọng lợi ích đồng minh.

Còn nhớ sau cuộc gặp với Tổng thống Trump ngày 20/2/2019, phản ứng trước việc Washington buộc Vienna phải chặn Nord Stream-2, Thủ tướng Áo Sebastian Kurtz đã nhắc nhở rằng Mỹ phải hiểu lợi ích luôn là cốt lõi trong kinh doanh.

“Chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì khi mua khí đốt của Mỹ, nhưng khi mà giá khí đốt của Nga tốt hơn của Mỹ thì Nga hấp dẫn hơn đối với chúng tôi như là một đối tác tốt trong vấn đề này”, ông Kurtz khẳng định.

Thậm chí Tổng thống Áo, Alexander Van der Bellen, còn chỉ trích kịch liệt việc Mỹ gây áp lực lên EU vì Nord Stream-2, khi cho rằng "chính phủ Mỹ coi Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên như thuộc địa!", AFP tường thuật.

Nay chính phủ Đan Mạch cấp phép cho Nord Stream-2 chạy qua lãnh hải của nước này chẳng khác gì khẳng định lợi ích Mỹ phải đặt sau lợi ích quốc gia - trong đó có cả lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế.

Khi nghe lời nhắc nhở của vị thủ tướng trẻ tuổi của nước Áo nhỏ bé với vị tổng thống doanh nhân của cường quốc số 1 thế giới, có lẽ Washington đã giật mình. Song với hành động của chính phủ Đan Mạch, thì Washington có lẽ đã thực sự choáng váng.

Thứ hai, với Warsaw

Là một trong những thực thể phản đối mạnh mẽ nhất việc Nord Stream-2, Warsaw đã làm tất cả những gì có thể để ngăn Nga cung cấp khí đốt cho EU qua đường ống khổng lồ này, trong đó có cả việc kêu gọi Washington và Kiev hợp sức.

Đáng nói hơn là cùng với kế hoạch ngăn Nord stream-2 thông dòng, Wasaw đã xây chiến lược mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ về bán lại cho Ukraine. Đây được xem là bắn một mũi tên trúng cả 3 đích.

Đó là nâng tầm chiến lược cho quan hệ Mỹ-Ba Lan khi Warsaw sẵn sàng làm cánh tay mặt của Washington, giúp LNG Mỹ chiếm lĩnh thị trường khí đốt EU, và qua đó giảm thị phấn khí đốt của Nga, buộc Moscow phải ôm hận.

Chiến lược của Ba Lan mua khí đốt Mỹ bán cho Ukraine có thể phá sản

Còn trong quan hệ "đồng sàng dị mộng" Warsaw-Kiev, chiến lược mua khí đốt Mỹ bán lại cho Ukraine, vừa giúp cho Warsaw kiếm lời, vừa tạo động lực cho Kiev bài Nga cực đoan.

Tuy nhiên, sau khi chính phủ Đan Mạch cấp phép cho Nord Stream-2 thì chiến lược của Warsaw có thể phá sản, hệ thống hạ tầng nhằm cung cấp khí đốt mua từ Mỹ cho Ukraine có nguy cơ dùng để dẫn chuyển khí đốt Nga bán lại cho Ukraine. Bởi :

Một là khí đốt tự nhiên của Nga và cả LNG Nga giá đều rẻ hơn LNG Mỹ, mà Ba Lan là thành viên EU nên hoàn toàn được cung cấp khí đốt giá rẻ của Nga qua ngả Nord Stream-2.

Hai là khả năng cung ứng khí đốt Nga - nhất là sau khi Nord Stream-2 thông dòng - sẽ gấp nhiều lần LNG Mỹ. Chỉ như vậy mới đáp ứng nhu cầu khí đốt của Ukraine, sau khi Kiev-Maidan quyết không mua khí đốt trực tiếp từ Nga.

Rõ ràng, quyết định của chính phủ Đan Mạch không những đã khiến Warsaw "thiệt đơn hại kép", mà còn giúp Moscow có thể ngạo nghễ đứng nhìn Warsaw phải tự bẻ ngoặt mũi tên độc của mình. Có gì đau hơn thế!?

Thứ ba, với Kiev

Quyết định của chính phủ Đan Mạch đã cho chính quyền Kiev hiểu rằng, việc từ bỏ không gian hậu Xô Viết không phải là nền tảng cho việc tiến vào không gian chung Châu Âu-Đại Tây Dương, như Kiev-Maidan ảo tưởng.

Đắng hơn nữa là qua việc này, "những người anh em xa" đã nhắc cho chính quyền Kiev biết rằng, tất cả những tuyên bố chính trị đều không thể thay thế luật pháp quốc tế. Do vậy, Kiev nên bớt mơ mộng.

Bởi hồi tháng 9, tại cuộc gặp Ngoại trưởng Ukraine Vadim Pristayko ở New York, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod đã ủng hộ Ukraine về Nord Stream-2, cho rằng dự án này đe dọa đến an ninh năng lượng và môi trường châu Âu.

Hân hoan trước sự kiện đặc biệt này, Ngoại trưởng Pristayko đã viết trên trang điện tử của Bộ Ngoại giao Ukraine rằng Đan Mạch đã ủng hộ Ukraine trong tiến trình hội nhập vào châu Âu, ủng hộ quan điểm của Ukraine phản đối Nord Stream-2.

Còn Bộ Ngoại giao Ukraine thì đã tự tin ra thông cáo báo chí : "Hai bên đã đồng ý quan điểm cho thấy dự án Nord Stream-2 đang đe dọa an ninh năng lượng và môi trường châu Âu".

Ukraine có thể mất cơ hội "mở van - thu tiền" từ Nga

Sự ủng hộ của Đan Mạch với Ukraine về Nord Stream-2 chỉ là về mặt chính trị, nhưng dường như Kiev lại tin đây là cơ sở khiến Nord Stream-2 không thể thông dòng, mà quên sự điều chỉnh của UNCLOS với Copenhagen trong trường hợp này.

Nay có lẽ Kiev đã thực sự tỉnh mộng và nguy cơ Ukraine không còn được tiếp tục "mở và thu tiền" của Nga đã hiển hiện, khi các cuộc đàm phán ba bên Nga - EU -Ukraine về trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine vẫn bế tắc.

Đến giờ này người ta mới hiểu tại sao Tổng thống Putin luôn tuyên bố Nord Stream-2 sẽ thông dòng. Đơn giản là nhà lãnh đạo Nga hiểu luật chơi, dù đối thủ tạo ra luật chơi, nên ông đã làm chủ cuộc chơi, giúp Nga chiếm ư thế trong cuộc chiến năng lượng Nga-Mỹ.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dan-mach-cho-nord-stream-2-qua-lanh-hai-don-giang-thang-washington-warsaw-kiev-3390525/