Đan Mạch cần chính sách chống tham nhũng mạnh mẽ hơn

Trong một báo cáo được công bố ngày 4/9, Nhóm Các nước chống tham nhũng (GRECO) của Hội đồng Châu Âu đã chỉ trích Đan Mạch về sự thiếu minh bạch và không tuân theo các khuyến nghị của GRECO để ngăn chặn tham nhũng chính trị.

Ảnh: GRECO

Ảnh: GRECO

Nội dung Báo cáo của cơ quan chống tham nhũng tập trung vào vấn đề đang tồn tại của Đan Mạch, đó là thiếu các biện pháp phòng, chống tham nhũng đối với các bộ trưởng và cố vấn đặc biệt.

Ngoài ra, Báo cáo nhấn mạnh những lo ngại đáng kể liên quan đến sự minh bạch trong tài trợ của các đảng chính trị trong nước.

GRECO đặc biệt chỉ trích vấn đề liên quan đến các khoản đóng góp chính trị như quyên góp cho chiến dịch bầu cử của cựu Bộ trưởng Tài chính Kristian Jensen, Đảng Venstre, đã không được báo cáo chính xác.

Trong Báo cáo đánh giá được công bố ngày 4/9, GRECO kêu gọi Đan Mạch tăng cường các chính sách để ngăn chặn tham nhũng đối với những người được giao các chức vụ điều hành hàng đầu (thành viên của Chính phủ và trong một số trường hợp là cố vấn đặc biệt) và lực lượng cảnh sát.

"Ở Đan Mạch, niềm tin thì nhiều mà các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng lại quá ít”, Thư ký Điều hành của GRECO Gianluca Esposito nói.

Niềm tin là một tính năng trung tâm trong hệ thống liêm chính của Đan Mạch. Tuy nhiên, điều này đã dẫn tới có ít quy định để ngăn ngừa tham nhũng và ít biện pháp kiểm soát tại chỗ.

Báo cáo chỉ ra rằng, các thành viên Chính phủ của Đan Mạch được trông đợi lãnh đạo bằng sự nêu gương và do đó, Đan Mạch cần phải áp dụng các công cụ phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ hơn nữa.

GRECO khuyến nghị Chính phủ nước này nên thiết lập một chiến lược nhắm đến các rủi ro tham nhũng cho những người có chức năng điều hành hàng đầu, trong đó bổ sung một bộ quy tắc thực thi cũng như các chỉ thị mang tính hệ thống về các vấn đề liêm chính.

Bên cạnh việc hoan nghênh truyền thống về minh bạch của Đan Mạch, GRECO cũng rất phê phán quy định về phạm vi ngoại lệ theo Luật Hành chính công, kêu gọi Chính phủ Đan Mạch sửa đổi Luật này hoặc thực hiện các biện pháp tiếp theo để bảo đảm rằng các “ngoại lệ” ít được áp dụng thường xuyên hơn trong thực tế.

Ở mặt tích cực, GRECO khen ngợi việc thắt chặt các thủ tục mua sắm công của lực lượng cảnh sát Đan Mạch vào năm 2018 theo các hướng dẫn mới, tạo nên những hành vi tốt trong các dịch vụ của cảnh sát. Bên cạnh đó là sự thay đổi thủ tục về giải quyết các vấn đề an ninh và đặc biệt nhấn mạnh việc thành lập Cơ quan Khiếu nại Cảnh sát độc lập vào năm 2012.

GRECO kêu gọi cải cách hơn nữa, như đào tạo về liêm chính là một bắt buộc đối với các lãnh đạo quản lý trong ngành Cảnh sát, báo cáo các hành vi chuyển hóa của cán bộ cảnh sát và đưa vào các biện pháp bổ sung để cảnh sát trở thành lực lượng tiêu biểu của xã hội.

Cuối cùng, để bổ sung cho hệ thống tố giác mới, theo GRECO cảnh sát Đan Mạch cần nâng cao nhận thức của từng cán bộ nhân viên về nhiệm vụ báo cáo, tố giác các hành vi sai trái liên quan đến tham nhũng mà họ gặp phải.

Các nhà chức trách Đan Mạch cần báo cáo lại việc thực thi 14 khuyến nghị của GRECO, thời hạn báo cáo vào cuối tháng 12/2020, để sau đó GRECO sẽ có đánh giá thông qua quá trình tuân thủ vào năm 2021.

GRECO được thành lập tháng 5/1999 bởi 17 thành viên Hội đồng châu Âu, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên cải thiện năng lực chống tham nhũng thông qua theo dõi, giám sát chặt chẽ các quốc gia này trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Hội đồng châu Âu về chống tham nhũng dưới mọi hình thức.

Kể từ đó đến nay, GRECO đã giúp các thành viên của mình xác định những thiếu sót trong chính sách chống tham nhũng quốc gia, thúc đẩy cải cách lập pháp, thể chế và thực tiễn cần thiết.

Hiện, GRECO gồm 47 quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu, Belarus và Mỹ.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/dan-mach-can-chinh-sach-chong-tham-nhung-manh-me-hon_t114c52n153580